Số ca nhiễm liên tục tăng làm phát sinh nhiều ca F1 khiến các quận huyện tại TP HCM lo ngại khu cách ly tập trung bị quá tải trong những ngày tới.
Sau khi ổ dịch liên quan điểm nhóm Hội thánh truyền giáo Phục hưng được phát hiện, quận Gò Vấp là địa phương tại TP HCM ghi nhận nhiều ca Covid-19 trong đợt bùng phát dịch này, với hơn 93 ca khiến các F1 (phải cách ly tập trung) cũng tăng theo. Hiện, khu cách ly tập trung ở quận có dấu hiệu quá tải khi có 120 giường nhưng đang phục vụ cách ly khoảng 113 ca F1.
Trung tâm bồi dưỡng chính trị quận ở đường Thống Nhất được tăng cường làm nơi cách ly tập trung ở Gò Vấp, sáng 8/6. Ảnh: Đình Văn. |
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Hoà, Giám đốc trung tâm y tế quận Gò Vấp, quận tiếp tục đẩy mạnh tầm soát trong đó tập trung những nơi nguy cơ cao, xét nghiệm lần 2 ở những khu phong toả, cách ly nên thời gian tới có thể ca F1 còn tăng lên. Trung tâm y tế đã lập thêm khu cách ly 80 giường đặt ở Trung tâm bồi dưỡng chính trị quận Gò Vấp nhưng về lâu dài cần phải nâng thêm công suất.
Trong khi đó, quận Bình Thạnh ghi nhận số ca nhiễm xếp thứ hai thành phố ở đợt dịch này với 49 ca. Khu cách ly tập trung của quận có 585 giường nhưng đang theo dõi, cách ly cho gần 500 trường hợp. Dự kiến ca F1 còn tăng gây áp lực cho khu cách ly hiện hữu, Bình Thạnh đã sử dụng trường học trên địa bàn để lập khu cách ly công suất 200-300 giường.
"Chúng tôi trao đổi với các quận, huyện theo hướng F1 có địa chỉ cư trú ở quận nào sẽ cách ly ở quận đó, tránh trường hợp bị dồn về một nơi gây quá tải", ông Đinh Khắc Huy, Chủ tịch quận Bình Thạnh nói và cho hay trong số ca F1 phát sinh ở địa phương có nhiều người đến từ quận khác.
Tương tự, tại TP Thủ Đức, số ca nhiễm cũng tăng nhanh thời gian gần đây. Ngày 31/5, địa phương chỉ có 11 ca và tăng lên 18 trường hợp vào ngày 1/6. Tuy nhiên đến ngày 4/6, con số này tăng lên gấp đôi - 36 trường hợp và đến ngày 7/6 là 42 ca. Hiện, TP Thủ Đức có 6 khu cách ly với công suất tối đa là 1.200 giường, đang cách ly 817 trường hợp.
Chủ tịch TP Thủ Đức Hoàng Tùng cho biết dự báo những ngày tới các ca F0 ở quận sẽ tăng, đồng nghĩa F2 sẽ thành F1. "Vấn đề cách ly F1 là thách thức lớn với TP Thủ Đức. Vài ngày tới, với tỷ lệ F1 tăng theo cấp số nhân thế này thì không đủ nơi để cách ly", ông Tùng nói.
Trường tiểu học Bế Văn Đàn ở đường Hoàng Hoa Thám, phường 6, được trưng dụng để làm khu cách ly tập trung của quận Bình Thạnh. Ảnh: Đình Văn. |
Quận Tân Phú cùng chung cảnh ngộ khi đến ngày 7/6 ghi nhận 33 ca và tiếp tục phát hiện thêm ca nghi nhiễm. 140 giường cách ly tập trung tại quận hiện đã hết chỗ. Trong khi đó, quận không có khách sạn lớn để triển khai cách ly tập trung có thu phí như các quận, huyện khác.
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM Nguyễn Trí Dũng cho biết trung bình mỗi ngày thành phố ghi nhận 31 ca F0. Mỗi ca F0 có trung bình 20 ca F1 phải cách ly tập trung. Tức là, với 30 F0 mỗi ngày sẽ có 600 người phải cách ly tập trung.
"Thời gian cách ly hiện kéo dài 21 ngày nên để giải phóng ca cách ly F1 cần nhiều thời gian hơn", ông Dũng nói và cho hay ngành y tế đang nâng công suất khu cách ly tập trung ở mỗi quận, huyện lên ít nhất 200 giường bệnh. Các quận huyện hiện có 23 cơ sở cách ly tập trung với tổng công suất hơn 2.500 giường. Ngoài ra, 5 khu cách ly của thành phố có hơn 3.700 giường.
Để giải quyết vấn đề quá tải khu cách ly ở các quận, huyện, Phó chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức đã đồng ý cho các địa phương tổ chức cách ly có thu phí tại khách sạn ở địa phương như mô hình thành phố đã làm.
"Thời gian qua thành phố đã quyết định thành lập nhiều khu cách ly ở khách sạn theo đề xuất của Sở Y tế", ông Đức nói và đề nghị Sở Y tế có hướng dẫn khẩn cấp các quận huyện. Riêng quận Tân Phú, ông Đức yêu cầu các quận, huyện giáp ranh hỗ trợ thành lập khu cách ly tại khách sạn cho địa phương này.
Khu cách ly đặt tại Trung tâm Giáo dục Quốc phòng - An ninh (Đại học Quốc gia TP HCM) sẽ tăng cường tiếp nhận các ca cách ly ở quận huyện. Ảnh: Hữu Khoa. |
Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong cũng vừa yêu cầu các địa phương rà soát lại cơ sở vật chất để bố trí làm cơ sở cách ly tập trung, có kế hoạch cụ thể cho từng tình huống, không để thiếu cơ sở cách ly. Lãnh đạo thành phố yêu cầu cần triển khai kiểm tra việc chấp hành các quy định phòng chống dịch trong khu cách ly để tránh lây nhiễm chéo.
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo chống dịch TP HCM hôm 7/6, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết ngành y tế đang chuẩn bị việc mở rộng, nâng công suất phục vụ của các khu cách ly tập trung do quân đội quản lý, khách sạn lớn và khu cách ly thuộc cơ sở quản lý như Ký túc xá Đại học Quốc gia TP HCM.
Riêng với khu Ký túc xá Đại học Quốc gia TP HCM, ông Bỉnh cho biết cùng với Bộ Tư lệnh thành phố, Sở Y tế đang mở rộng 1.500 giường mỗi ngày. Dự kiến, công suất phục vụ nơi đây từ 10.000 giường nâng lên 19.000 giường. "Sắp tới, ngành y tế sẽ chuyển một phần các ca phải cách ly tập trung ở quận huyện lên khu cách ly của thành phố", ông Bỉnh nói.
Đến trưa 8/6, TP HCM ghi nhận tổng cộng 447 ca Covid-19, đứng thứ ba cả nước về số ca nhiễm trong đợt dịch này. Hiện, 7.770 người ở thành phố cách ly tập trung, 13.714 trường hợp cách ly tại nhà, nơi lưu trú.
Hữu Công - Đình Văn
Bắc Giang đưa trẻ em dưới 5 tuổi về cách ly y tế tại nhà
Ngày 6/6, Tổ giám sát cách ly Bộ phận thường trực đặc biệt Bộ Y tế cùng ông Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND ... |
Ngày đăng: 17:00 | 08/06/2021
/ vnexpress.net