Lưu Bị và Tào Tháo là 2 thủ lĩnh quân phiệt nổi tiếng thời Tam Quốc. Cuộc đời của 2 nhân vật này có biết bao lần va đập, khi bạn khi thù, lúc là bằng hữu sát cánh sau trở thành đối thủ không đội trời chung. Nhưng nếu chỉ đọc Tam Quốc diễn nghĩa của La Quán Trung mà không suy xét các văn bản lịch sử, thì chúng ta sẽ không bao giờ biết được giữa họ Lưu và họ Tào, thực ra tồn tại những mối quan hệ gia đình, thông gia chồng chéo…
Trận Tràng Bản là trận đánh diễn ra vào năm 208 thời Tam Quốc, giữa 2 thế lực Tào Tháo và Lưu Bị. Với mưu kế đánh nhanh thắng nhanh, chia binh 2 đường Nam tiến của Tuân Úc, Tào Tháo đã thu được thắng lợi toàn vẹn khi chiếm được gần trọn Kinh Châu (trừ duy nhất Giang Hạ do Lưu Kỳ trấn giữ).
Dù là đối thủ không đội trời chung nhưng Lưu Bị và Tào Tháo lại có mối quan hệ thông gia khá rắc rối.
Trận Tràng Bản, Lưu Bị lạc mất 2 ái nữ
Với Lưu Bị, thất bại ở Tràng Bản khiến lực lượng của ông chịu tổn thất nặng nề, hao tướng, tổn binh, mất quân trang và địa bàn chiến lược, không còn khả năng đương đầu với đại quân Tào, buộc phải cử Gia cát Lượng sang sứ Giang Đông, tạo liên minh Tôn – Lưu hợp tác chống Tào.
Trong Tam Quốc diễn nghĩa, dưới ngòi bút của La Quán Trung, trận Tràng Bản gắn với nhiều điển tích sau này được lưu truyền sâu rộng trong dân gian như Triệu Vân một mình xông pha giữa vòng vây quân Tào cứu A Đẩu – Lưu Thiện; Trương Phi đứng trên cầu Trường Bản hét vang một tiếng khiến tướng Tào vỡ mật mà chết; My phu nhân sau khi giao Lưu Thiện cho Tử Long đã reo mình xuống giếng quyên sinh; Lưu Bị dù đại bại nhưng lưu danh sử sách khi nhất quyết không bỏ quân dân Kinh Châu vì yêu mến mà theo mình.
Trận Tràng Bản năm 208, Triêu Vân cứu được Cam phu Nhân, “A Đẩu” Lưu Thiện nhưng lạc mất 2 con gái của Lưu Bị.
Tất nhiên, trận Tràng Bản trong chính sử không đến mức ly kì như những gì La Quán Trung thêu dệt. My phu nhân đúng là đã chết trong cuộc chiến loạn này. Triệu Vân thực anh dũng quên mình mà xông pha cứu được Cam phu Nhân cùng Lưu Thiện. Lưu Bị đúng là vì nghĩa, lấy dân làm gốc khiến quá trình rút chạy về Nam, qua Tương Dương tới GIang Lăng gặp vô vàn bất lợi khi có tới hơn chục vạn quan dân theo ông, để rồi phải nhận kết cục đại bại.
Nhưng có một chi tiết mà La Quán Trung đã cố tình quên trong trận chiến Tràng Bản này, đó là trong số những gia quyến của Lưu Bị được Triệu Vân liều chết giải cứu, không có hai người con gái của Lưu Bị với chính thất My Phu nhân – vốn cũng thiệt mạng trong sự kiện này.
Tam Quốc chí của sử gia Trần Thọ chép rằng: “Tháng 10 năm 208, Tào Thuần thống lĩnh quân Hổ báo kỵ truy kích Lưu Bị ở Tràng Bản, bắt được gia quyến Bị, trong đó có 2 phu nhân. Nhưng sau đó, trong quá trình áp giải về doanh trại Tào thì Triệu Vân đột kích vòng vây đánh tới nơi. Cam phu nhân và A Đẩu được Triệu Vân giải cứu, đưa thoát ra ngoài, trở về với Lưu Bị nhưng bị lạc mất hai người con gái”. Vậy, rốt cuộc số phận hai ái nữ của Lưu Bị sau trận Tràng Bản như thế nào?
Tào Thuần, thủ lĩnh đội hổ báo kỵ là em họ Tào Tháo.
Con gái Lưu Bị lấy cháu họ Tào Tháo
Ngược dòng thời gian, Lưu Bị cưới chính thất My Phu nhân, em gái My Chúc – My Phương trong lần đầu ông ở Từ châu, khoảng năm 193-194. Thế nên vào thời điểm trận Tràng Bản nổ ra ở nửa sau năm 208 thì 2 cô con gái của Lưu Bị với My Phu nhân, nhiều lắm cũng chỉ khoảng 13-14 tuổi.
Theo một số ghi chép chính sử đáng tin cậy thì Tào Thuần – tướng chỉ huy Hổ Báo Kỵ (lực lượng kỵ binh tinh nhuệ số 1 trong quân Tào Tháo) sau khi bắt được 2 ái nữ của Lưu Bị thì không sát hại mà lưu lại tại Kinh Châu một thời gian trước khi đưa về Nghiệp Thành.
My Phu Nhân sinh thời cũng là trang tuyệt sắc nổi tiếng của Kinh Châu nên 2 con gái của bà đương nhiên thừa hưởng nhiều nét đẹp của mẹ. Tào Thuần ưng lắm nên quyết định cưới cả hai cho con trai trưởng của mình là Tào Diễn, người sau này từng làm tới chức Lĩnh Quân tướng quân, phong tước Bình Nhạc Hương hầu.
Hai ái nữ của Lưu Bị, bị Tào Thuần bắt giữ trong chiến loạn Tràng Bản, về sau lấy con trai của Thuần là Tào Diễn.
Tới đây, không thể không đề cập tới gốc gác của thủ lĩnh Hổ Báo Kỵ - Tào Thuần. Thuần vốn là em ruột Tào Nhân, một trong những đại tướng bậc nhất nhà Tào Ngụy, cũng là em họ Tào Tháo. Như vậy, sau khi 2 con gái của Lưu Bị lấy con trai của Tào Thuần, tức về mặt lễ nghi xưng hô thì Tào Tháo chính là bác họ bên chồng vậy.
Lưu Bị và Tào Tháo là 2 đại địch thủ thời Tam Quốc, giao chiến với nhau không biết bao lần nhưng những va đập khó lường của lịch sử lại khiến họ bất đắc dĩ… trở thành thông gia của nhau vậy. Nhưng không chỉ có vậy, ngay cả Trương Phi – nghĩa đệ của Bị, trước đó cũng có mối “liên hệ gia đình”khá sâu sắc với gia tộc Tào Ngụy.
Vợ Trương Phi thuộc gia tộc Tào Ngụy
Năm Kiến An thứ 5 (tức năm 200 dương lịch), Trương Phi, khi đó tạm lưu ở Cổ Thành, thuộc Chân Dương, Nhữ Nam sau khi thất lạc với 2 nghĩa huynh Lưu Bị và Quan Vũ. Trong một lần dẫn quân đi tuần, Phi bắt gặp một thiếu nữ khoảng 14 tuổi, dung mạo hơn người, bèn bắt về thành, sau lấy làm vợ.
Vợ Trương Phi, Hạ Hầu Thị, là cháu gái của Hạ Hầu Uyên - em họ xa của Tào Tháo.
Người con gái ấy rốt cuộc lại có lai lịch không hề tầm thường. Nàng là Hạ Hầu thị (một vài sản phẩm văn học sau này ghi là Hạ Hầu Hồng), cháu ruột của Hạ Hầu Uyên. Cha mẹ Hậu thị mất sớm, nàng được Hạ Hầu Uyên nuôi dưỡng, coi như con gái.
Hạ Hầu Uyên là ai? Đấy chính là một trong những huynh đệ tốt, thân thiết nhất với Tào Tháo. Tào Tháo là con Tào Tung. Mà Tào Tung, tên thật Hạ hầu Tung, cũng thuộc nhà Hạ Hầu (khác chi với cha của Hạ Hầu Uyên), đến khi làm con nuôi Đệ nhất Hoạn quan thời Hán Hoàn Đế - Tào Đằng, mới đổi sang họ Tào.
Hồi trẻ có lần Tào Tháo phạm tội bị bắt giam, Uyên đã đứng ra nhận hết tội về mình giúp Táo Tháo được thả. Tháo trọng Uyên lắm, nên trả ơn bạn bằng cách gả em gái của vợ mình (Đinh Phu Nhân) cho Uyên. Tức Tháo vừa là bằng hữu, vừa là anh em đồng hao với Uyên. Hạ Hầu thị, cháu ruột – cũng là con nuôi Uyên dĩ nhiên cũng phải gọi Tháo bằng bác.
Theo nghi lễ xưng hô phong kiến, Trương Phi phải gọi Tào Tháo và Hạ Hầu Uyên là… bác vợ.
Trương Phi lấy cháu (dù là cháu… xa lắc) của Tào Tháo, chẳng phải theo nghi lễ xưng hô cũng phải gọi Tháo là bác (bên vợ) hay sao? Theo sử sách ghi lại, Phi và Hạ Hầu thị có với nhau 4 mặt con: 2 trai và 2 gái. Hai con trai thì trưởng tên Trương Bào mất sớm, thứ là Trương Thiệu, từng làm tới chức Trung Thượng Thư Bộc xạ thời Lưu Thiện.
Hai con gái của Phi – Hầu thị sau này đều trở thành Hoàng hậu của “A Đẩu” Lưu Thiện, chính là Kính Ai Hoàng hậu và Trương Hoàng Hậu. Tức Lưu Thiện, con trai kế nghiệp của Lưu Bị, về mặt lễ nghi phong kiến, sẽ phải coi địch thủ không đội trời chung với cha mình – Tào Tháo như ông (đằng vợ) vậy.
Sau này, khi gia tộc Tư Mã chiếm quyền triều chính, Hạ Hầu Bá – con đẻ của Hạ Hầu Uyên, tức anh họ Hạ Hầu thị, bác bên vợ của Hoàng đế Lưu thiện, đã đem gia quyến sang Thục đầu quân. Lưu Thiện ra tận bên ngoài Thành Đô đón Bá, đối đãi rất hậu và phong cho tước lớn.
3 bí mật khiến Tào Tháo đến lúc chết cũng không dám xưng đế
Theo lời của Tào Tháo thì: "Nếu thiên mệnh chỉ trúng tôi, vậy thì tôi sẽ làm Cơ Xương Chu văn Vương!". |
Vì sao Lưu Bị và Tào Tháo cùng nhìn ra 2 mầm họa nhưng bất lực?
Trước lúc qua đời, Lưu Bị và Tào Tháo đã căn dặn những người kế nghiệp của mình phải đặc biệt cảnh giác trước 2 ... |
Ngày đăng: 12:23 | 02/06/2019
/ http://danviet.vn