Trung Quốc từng xem châu Âu là đối tác thân thiện, nhưng mối quan hệ này đang có nguy cơ đổ vỡ sau các đòn trừng phạt đáp trả gay gắt.

Trung Quốc từng xem châu Âu là đối tác thân thiện khi các lãnh đạo lục địa này từ chối bị cuốn vào cuộc xung đột của cựu tổng thống Donald Trump với Bắc Kinh trong nhiều lĩnh vực như thương mại, công nghệ và nhân quyền.

Tuy nhiên, hình ảnh này đã bị xé toạc khi Liên minh châu Âu (EU) ngày 22/3, cùng với Mỹ, Anh và Canada, áp lệnh trừng phạt quan chức Trung Quốc vì những cáo buộc liên quan đến cách đối xử với người Duy Ngô Nhĩ và những nhóm Hồi giáo thiểu số khác ở khu tự trị Tân Cương. Bắc Kinh đáp trả bằng lệnh trừng phạt 10 cá nhân và 4 cơ quan châu Âu.

Động thái mới của EU được đưa ra chỉ hai tháng sau khi Trump, người khiến quan hệ xuyên Đại Tây Dương rạn nứt, rời Nhà Trắng để nhường chỗ cho Joe Biden, người cam kết sẽ thiết lập liên minh chống Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên EU áp lệnh trừng phạt Bắc Kinh kể từ năm 1989.

"Những gì họ làm là vu khống và xúc phạm danh tiếng và phẩm giá của người Trung Quốc" phát ngôn viên Bộ Ngoại giao trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói. "Họ sẽ phải trả giá cho những hành động điên rồ và kiêu ngạo của mình".

0427 3

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Thủ tướng Đức Angela Merkel tại hội nghị G20 ở Hamburg, Đức, hồi tháng 7/2017. Ảnh: Reuters.

Động thái của châu Âu theo sau những bất bình ngày càng tăng về thương mại và nhân quyền, khiến thiện cảm với Trung Quốc giảm mạnh. Những đề xuất lên án Bắc Kinh trước đó đã bị Hungary và Hy Lạp phủ quyết, có thể để tránh gây gián đoạn quan hệ thương mại và đầu tư, theo Joe McDonald, biên tập viên của AP.

Ngay sau khi Trung Quốc công bố biện pháp đáp trả, Socialists and Democrats (S&D), nhóm lập pháp lớn thứ hai trong Nghị viện châu Âu, tuyên bố họ sẽ không tham gia bất kỳ cuộc đàm phán nào cho tới khi các biện pháp trừng phạt được dỡ bỏ.

"Châu Âu cần giao thương với Trung Quốc, nhưng giá trị và tiêu chuẩn của chúng tôi phải được đặt lên trước", Inmaculada Rodríguez-Piñero, nhà lập pháp Tây Ban Nha và thành viên của S&D, nói. "Chúng tôi tuân theo các nguyên tắc của mình và sẽ bảo vệ chúng".

Theo lệnh trừng phạt của EU, quan chức Trung Quốc trong "danh sách đen" sẽ bị cấm tới châu Âu và tài sản của Binh đoàn Sản xuất và Xây dựng Tân Cương (XPCC) tại châu Âu cũng bị đóng băng.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc không nêu chi tiết về các lệnh trừng phạt chống lại châu Âu. Nhưng các lệnh trừng phạt quan chức nước ngoài trước đó của Bắc Kinh thường cấm họ tới Trung Quốc, Hong Kong và Macau. Những công ty có liên quan tới họ cũng bị cấm hoạt động tại Trung Quốc. Tác động của chúng khá hạn chế, nhưng làn sóng phản đối của dư luận là một bước thụt lùi ngoại giao của Bắc Kinh.

Trong cuộc gặp với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov hôm 23/3, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã lên án những biện pháp trừng phạt phối hợp. Họ bác bỏ các chỉ trích và cáo buộc Mỹ can thiệp vào công việc nội bộ của nhiều nước.

"Các biện pháp này sẽ không được cộng đồng quốc tế chấp thuận", ông Vương Nghị nói.

Cuộc xung đột mới EU phản ánh mối quan hệ xuống cấp giữa Trung Quốc với phương Tây và các nước láng giềng châu Á khi chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình theo đuổi các chính sách chiến lược và thương mại quyết liệt hơn.

Các thỏa thuận với châu Âu từng được xem là điểm sáng trong bối cảnh ngoại giao ngổn ngang tranh chấp về Hong Kong, Biển Đông và những cáo buộc gián điệp hay đánh cắp công nghệ. Trung Quốc và Ấn Độ sa lầy trong tranh chấp lãnh thổ biên giới ở khu vực Himalaya. Bắc Kinh đã cấm nhập khẩu một số mặt hàng của Australia sau khi Canberra kêu gọi điều tra nguồn gốc Covid-19.

Lãnh đạo châu Âu gồm Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã bác bỏ chiến lược áp thuế quan của chính quyền Trump với Trung Quốc năm 2017. Họ cũng từ chối nỗ lực vận động của Trung Quốc để biến hai nước thành đồng minh chống Washington.

Hồi tháng 12 năm ngoái, hai bên đã hoàn thành thỏa thuận đầu tư bất chấp phản đối của Mỹ và làn sóng chỉ trích của châu Âu về việc Bắc Kinh áp luật an ninh ở Hong Kong. Động thái này từng được xem là dấu hiệu "phớt lờ" Biden và cho thấy chính trị không thể cản trở thương mại.

Nhiều người thậm chí cho rằng châu Âu đã làm suy yếu liên minh với Mỹ bằng cách trao cho Bắc Kinh một chiến thắng ngoại giao và không ít người đã kêu gọi từ bỏ thỏa thuận này. Biên tập viên Joe McDonald nhận định lời kêu gọi có thể được cân nhắc sau những động thái trừng phạt mới đây của Bắc Kinh với quan chức châu Âu.

Nỗ lực định hình chính sách chung về Trung Quốc của EU gặp nhiều trở ngại do xung đột lợi ích giữa 27 quốc gia thành viên. Đức và Pháp tỏ ra không hài lòng khi Bắc Kinh cố gắng chia rẽ khối bằng cách thành lập nhóm với các nước nghèo hơn ở khu vưc Đông và Trung Âu. Chủ tịch Tập hồi tháng 1 còn cam kết "hợp tác vaccine" với lãnh đạo những nước này.

Nhiều chính phủ ở châu Âu ngày càng tham gia nhiều hơn vào nỗ lực thách thức yêu sách của Bắc Kinh ở Biển Đông bằng cách điều tàu chiến qua vùng biển Trung Quốc yêu sách chủ quyền phi pháp, để đảm bảo "tự do hàng hải".

0521 4

Tàu ngầm Émeraude và tàu tiếp tế Seine tuần tra Biển Đông. Ảnh:Twitter/Florence Parly.

Hồi tháng 2, Pháp điều tàu ngầm hạt nhân tuần tra Biển Đông. Anh cho biết một lực lượng đặc nhiệm đa quốc gia sẽ cùng với tàu sân bay Queen Elizabeth tới Biển Đông trong năm nay. Một tàu chiến của Đức dự kiến đi qua khu vực này vào tháng 8.

Nhưng những động thái trừng phạt mới nhất của Trung Quốc nhắm vào quan chức châu Âu có thể càng khiến mối quan hệ giữa Bắc Kinh và EU thêm rạn nứt.

"Trung Quốc đã vừa giết chết thỏa thuận đầu tư EU- Trung Quốc bằng cách trừng phạt những người chỉ trích vấn đề lao động nô lệ ở Tân Cương", Guy Verhofstadt, đại diện của Nghị viện châu Âu, nói.

Thanh Tâm (Theo AP, CNN)

Trung Quốc đáp trả EU Trung Quốc đáp trả EU
EU trừng phạt Trung Quốc lần đầu tiên sau hơn 30 năm EU trừng phạt Trung Quốc lần đầu tiên sau hơn 30 năm
Thủ tướng Đức: Quan hệ EU - Trung Quốc phải dựa trên cơ sở ‘có đi có lại’ Thủ tướng Đức: Quan hệ EU - Trung Quốc phải dựa trên cơ sở ‘có đi có lại’

Ngày đăng: 10:12 | 25/03/2021

/ vnexpress.net