Quân đội Mỹ đang cảnh báo rằng những chiếc tàu đánh cá của Trung Quốc là những kẻ bắt nạt có thể gây chiến tranh trên các vùng biển quốc tế.
Bài viết đăng ngày 13-12-2018 trên Diagolo, một trang web do Bộ Tư lệnh miền Nam nước Mỹ điều hành đã mở đầu rằng "sự thèm ăn vô độ" của Trung Quốc đối với hải sản đang khiến các quốc gia Nam Mỹ khó xử trong việc bảo vệ ranh giới chủ quyền trên biển của họ.
Ngang nhiên
Các quốc gia trên bờ biển Đại Tây Dương và Thái Bình Dương đã bị ảnh hưởng và hầu hết các hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp tại các khu vực này đều đến từ các tàu đánh cá Trung Quốc.
Một đoàn tàu đánh cá Trung Quốc xuất bến từ tỉnh Chiết Giang. Ảnh: Reuters |
Ông Juan Carlos Sueiro - Đại diện ngành ngư nghiệp của Peru tại Tổ chức phi chính phủ về bảo tồn đại dương Oceana - nói với Dialogo rằng Peru và Argentina đã từng chứng kiến "những đoàn thuyền đánh cá lớn nhất thế giới" của Trung Quốc.
"Không phải là họ không thể đánh bắt ở vùng biển quốc tế nhưng việc họ tiếp cận quá gần ranh giới các quốc gia khác đã gây tranh cãi. Điển hình là Tổ chức Oceana đã phát hiện tàu cá Trung Quốc đi vào lãnh hải Peru mà không có giấy phép hay hoặc dùng ID sao chép để xâm nhập trái phép" – ông Suiero giải thích.
Theo ông Suiero, tổ chức này còn phát hiện những tàu cá đông lạnh chở cá đánh bắt được và nhiên liệu của các tàu cá Trung Quốc và những hoạt động trung chuyển này có thể "rửa tiền" từ những hoạt động đánh bắt cá trái phép.
Các quan chức và chuyên gia từng cảnh báo rằng nhu cầu đang tăng mạnh về cá và cạnh tranh gia tăng đối với những đàn cá giống và trữ lượng cá có thể gây ra những mâu thuẫn mới. Nhiều người trong số họ đã đặc biệt đề cập đến Trung Quốc.
Trữ lượng cá xung quanh Trung Quốc đã sụt giảm đáng kể trong vài năm qua. Nhưng Bắc Kinh đã cho phát triển những đoàn tàu đánh bắt xa bờ và những tàu cá này đã vướng vào các vụ mâu thuẫn trên các vùng biển xa xôi như tận Argentina - nơi lực lượng bảo vệ bờ biển đã bắn chìm tàu cá của họ- và ở Châu Phi - nơi các công ty Trung Quốc đang xây dựng các cơ sở chế biến cá biển.
Một binh sĩ Argentina bắn vào một tàu cá của Trung Quốc trên vùng biển Argentina. Ảnh: AP |
Trong bài viết đăng tên Diaologo vào tháng 9 năm 2017, Đô đốc Hải quân Mỹ đã nghỉ hưu James -Stavridis, cũng là đồng tác giả bài viết, đã nói rằng Bắc Kinh đang chi hàng trăm triệu USD hàng năm để trợ cấp cho đội tàu đánh cá xa bờ của họ và thậm chí lực lượng bảo vệ bờ biển của họ còn thường xuyên hộ tống những con tàu đó trong khi họ đánh bắt cá bất hợp pháp.
Tháng 9-2018, Chỉ huy Lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ Kate Higgins-Bloom viết rằng "nguy cơ xung đột vũ trang xuất phát từ tranh cấp đánh bắt cá đang gia tăng". Chỉ huy Higgins-Bloom còn viết thêm: "Các nhà lãnh đạo chính trị của các cường quốc đang nổi lên sẽ cảm thấy một áp lực khổng lồ đối với việc đảm bảo nguồn tài nguyên mà công dân của họ có nhu cầu dù rằng điều đó đồng nghĩa với việc vi phạm các quy tắc quốc tế.
Indonesia cũng từng đánh chìm một số tàu đánh bắt cá trái phép, bao gồm cả tàu Trung Quốc. Bộ trưởng Ngư nghiệp Indonesia đã nói rằng những gì các tàu đánh cá Trung Quốc đang làm "không phải là đánh cá mà là tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia".
Lực lượng bảo vệ bờ biển Indonesia bắn chìm một tàu cá nước ngoài xâm nhập trái phép. Ảnh: AP |
Một tàu đánh cá Trung Quốc bốc cháy sau khi bị lực lượng bảo vệ bờ biển Hàn Quốc bắn trúng. Ảnh: AP |
Tháng 9-2017, một ngư dân Trung Quốc thậm chí còn phát biểu: "Chúng tôi không việc gì phải lo lắng về xung đột với các nước khác vì chúng tôi được tàu của Chính phủ bảo vệ".
Vùng biển quanh cực Bắc Trái Đất nơi băng đang tan dần và thu hút các đội tàu thương mại đến khai thác đánh bắt cũng có thể sẽ trở thành một địa điểm cạnh tranh mới.
Cuối năm 2018, bà Heather Conley, Phó Chủ tịch cấp cao của châu Âu, lục địa Á – Âu và Bắc Cực tại tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế đã nói với tờ Business Insider rằng: "Tôi cho rằng người Trung Quốc rất quan tâm đến trữ lượng cá và các nguồn protein tiềm năng ở Bắc Cực".
Tàu phá băng Trung Quốc Xue Long tiến hành các hoạt động tại một địa điểm ở Bắc Cực. Nguồn: Wikipedia Commons. |
Cuối năm 2017, chín quốc gia bao gồm Trung Quốc và EU đã ký một thỏa thuận cấm đánh bắt cá vì mục đích thương mại ở trung tâm Bắc Cực trong vòng 16 năm để cho phép nghiên cứu về khu vực này - một thỏa thuận nhằm đảm bảo có đủ thông tin để "đánh bắt cá một cách có quản lý và kiểm soát hợp lý trong tương lai"- theo bà Conley.
Bà Conley nói thêm: "Chúng ta đang chứng kiến cá di chuyển lên phía Bắc để đến các vùng nước mát hơn và Trung Quốc chắc chắn muốn đảm bảo rằng họ không bị loại trừ khỏi những ngư trường tiềm năng đó".
\'Đối đầu với sự phàm ăn của Trung Quốc\'
Các quan chức lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ cho biết họ có quan hệ tốt với các đối tác Trung Quốc trong việc đảm bảo các quy tắc khi đánh bắt cá nhưng họ vẫn đang rất chú ý đến những diễn biến ở phía Bắc Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, tại Nam Mỹ, Dialogo cảnh báo trong bài viết ngày 13-12 rằng "cuộc chiến không hề dễ dàng", ngay cả khi có sự hợp tác giữa các quốc gia trong khu vực với nhau.
"Trung Quốc rõ ràng có ý định khai thác vùng biển và nhiều loài đã phải gánh chịu hậu quả", bài báo viết thêm. "Để đối phó với sự phàm ăn của Trung Quốc đối với tài nguyên biển đòi hỏi cần phải gấp rút thông qua một cam kết khu vực".
N. Thương (theo Business Insider)
Argentina phạt tàu cá Trung Quốc gần nửa triệu USD
Bộ trưởng An ninh Argentina Patricia Bullrich hôm 6-5 tuyên bố Argentina phạt một tàu cá Trung Quốc 9 triệu peso (tương đương 400.000 USD) ... |
Tàu cá Trung Quốc lộng hành (*): Chạm trán chết người
Căng thẳng giữa Bắc Kinh và Seoul không ngừng tăng do đánh bắt cá trái phép. Cảnh sát biển Hàn Quốc quyết không nương tay ... |
Ngày đăng: 16:23 | 07/01/2019
/ nld.com.vn