Ấn Độ tiến hành cùng lúc hai cuộc tập trận chung riêng rẽ với Nga và Mỹ, thể hiện sự đa dạng hóa trong quan hệ quốc phòng.
Binh sĩ Nga, Ấn Độ tham gia cuộc tập trận chung Indra 2017. Ảnh: TASS. |
Lực lượng Đặc nhiệm Mỹ từ Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương ngày 19/11 bắt đầu cuộc tập trận chung 12 ngày với đặc nhiệm Ấn Độ tại thao trường Mahajan, bang Rajasthan, phía tây bắc nước này, Deccan Herald đưa tin.
Binh sĩ hai nước sẽ thực hành các nội dung giải cứu con tin, sinh tồn tại môi trường sa mạc, cứu thương và bắn súng, đại tá Sombit Ghosh, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Ấn Độ, cho biết. Cuối cuộc tập trận, binh sĩ hai nước sẽ hành quân dã ngoại trong ba ngày để kiểm tra năng lực tác chiến thực tế.
Cũng trong ngày 19/11, cuộc tập trận chung Nga - Ấn mang tên Indra 2018 bắt đầu tại Babina, bang Madhya Pradesh, theo dự kiến kéo dài hết 28/11 với tổng cộng 500 quân nhân tham gia. Nga triển khai binh sĩ thuộc Quân khu phía Đông tham gia cuộc tập trận, trong khi phương tiện chiến đấu do phía Ấn Độ chuẩn bị, Sputnik đưa tin.
Đây là cuộc tập trận chung thường niên giữa Nga và Ấn Độ, với sự tham gia của hải, lục, không quân hai nước, thực hành các chiến thuật chống phiến quân ẩn náu trong đô thị.
Giới quan sát cho rằng việc Ấn Độ tổ chức cùng lúc hai cuộc tập trận chung với Nga và Mỹ thể hiện quan điểm đa dạng hóa quan hệ quốc phòng của nước này. Ấn Độ gần đây tìm cách giảm phụ thuộc vào nguồn cung vũ khí Nga, trong khi Mỹ cũng tìm cách tăng cường quan hệ quốc phòng và cung cấp vũ khí cho nước này. Washington và New Delhi đã ký hai thỏa thuận mang tính cơ sở cho hợp tác quân sự giữa hai nước.
Vào tháng 10, Mỹ cảnh báo có thể áp đặt các biện pháp trừng phạt Ấn Độ theo Đạo luật Chống đối thủ của Mỹ thông qua cấm vận (CAATSA) với lý do nước này ký kết thỏa thuận mua tổ hợp tên lửa phòng không S-400 của Nga. Dù Mỹ đưa ra gợi ý Ấn Độ nên mua lượng lớn tiêm kích F-16 để tránh trừng phạt, Ấn Độ từ chối do quân đội Pakistan sở hữu F-16 hàng chục năm nay và tiêm kích này không tương thích với tên lửa chống hạm siêu thanh BrahMos do nước này hợp tác với Nga phát triển.
Nguyễn Tiến
Ấn Độ mua 3.000 quả Spike dồn đến biên giới
Theo Jpost, Ấn Độ đã nối lại đàm phán với Israel mua khoảng 3.000 quả tên lửa Spike cùng hệ thống phóng để dồn đến ... |
Ngày đăng: 04:00 | 21/11/2018
/ VnExpress