Để thực hiện công tác tháo dỡ công trình vi phạm 8B Lê Trực, UBND quận Ba Đình, Hà Nội, đã ứng trước 17 tỉ đồng. Số tiền này sẽ do ai chịu trách nhiệm hoàn trả?
Sáng 8.5, trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Tạ Nam Chiến - Chủ tịch UBND quận Ba Đình cho biết, ngày 7.5, lực lượng cưỡng chế của quận đã mở khóa cửa các căn hộ tại tầng 18 công trình 8B Lê Trực, kiểm đếm vật dụng, đồ đạc, trang thiết bị, trước sự chứng kiến của đại diện Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân quận, đại diện tổ dân phố thuộc địa bàn dân cư số 6, số 12 phường Điện Biên.
Theo ông Chiến, mọi vật dụng, trang thiết bị sẽ được tháo dỡ, niêm phong để đưa về nơi cất giữ theo quy định tại Cung thể thao tổng hợp Quần Ngựa.
Khi được hỏi, UBND quận Ba Đình có nhờ Bộ Tư lệnh thủ đô và các đơn vị công binh trực thuộc phối hợp trong việc tháo dỡ công trình vi phạm này không, ông Chiến cho hay lần này không nhờ đến đơn vị quận, đơn vị chịu trách nhiệm tháo dỡ là Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng dân dụng Bắc Nam. Đơn vị này sẽ tiếp nhận mặt bằng, tháo dỡ theo phương án.
Và toàn bộ quá trình tháo dỡ phần công trình vi phạm trật tự xây dựng tại số 8B Lê Trực sẽ được đơn vị tư vấn Công ty TNHH Tư vấn xây dựng VNT Việt Nam giám sát.
Công trình sai phạm 8B Lê Trực. Ảnh: Hoài Anh
Chủ tịch quận Ba Đình cho hay, sau khi hoàn thành phần việc liên quan tầng 18, các đơn vị chức năng đánh giá mức độ an toàn của công trình để xem xét phương án phá dỡ tầng 17. Kinh phí cho giai đoạn 2 khoảng 17 tỉ đồng được tạm ứng từ ngân sách quận.
"Số tiền này do chủ đầu tư nhờ UBND quận ứng trước, theo quy định của pháp luật, chủ đầu tư có nhiệm vụ phải trả", ông Chiến nói và cho biết: "Chủ đầu tư nên có thái độ hợp tác với chính quyền quận, để đẩy nhanh tiến độ tháo dỡ, phá dỡ. Có như vậy mới nhanh chóng hoàn thiện, nghiệm thu, đưa công trình vào sử dụng, đảm bảo quyền lợi cho những người mua nhà”.
Tháo dỡ cửa ở tầng 18 của công trình 8B Lê Trực. Ảnh: C.N
Trao đổi với Lao Động, ông Tạ Quang Lung - đại diện Ban quản trị toà nhà 8B Lê Trực cho biết, điều cần thiết nhất bây giờ là phải có phương án tháo dỡ kỹ lưỡng, đúng quy trình. Có như vậy thì khi thực hiện việc tháo dỡ xong sẽ không bị nham nhở, gây mất mĩ quan.
Theo ông Lung, đây là vi phạm của chủ đầu tư, nhưng chịu thiệt thòi là người mua khi 5 năm qua chưa được ở trong ngôi nhà của mình. Chính vì vậy, ông mong mỏi các đơn vị chức năng sớm giải quyết dứt điểm sai phạm để cư dân sớm được dọn về ở.
Để bảo đảm an toàn, UBND quận Ba Đình đã giao UBND phường Điện Biên ký hợp đồng với Viện Khoa học công nghệ và Kinh tế xây dựng (Sở Xây dựng Hà Nội), khảo sát hiện trạng các công trình liền kề, thiết lập hệ thống quan trắc khu vực cưỡng chế vi phạm.
Theo UBND quận Ba Đình, đến nay, chủ đầu tư là Công ty cổ phần May Lê Trực vẫn không hợp tác, gây khó khăn trong quá trình cưỡng chế phần công trình vi phạm trật tự xây dựng.
Infographic: Cường Ngô - Nhật Huy
Cận cảnh khu vực phong tỏa, chuẩn bị phá dỡ công trình 8B Lê Trực giai đoạn 2
Từ chiều tối 22/4, UBND quận Ba Đình, Hà Nội phong tỏa một đoạn đường qua công trình 8B Lê Trực để thực hiện lắp ... |
Loay hoay xử lý vi phạm nhà 8B Lê Trực
UBND quận Ba Đình chưa tìm được đơn vị tư vấn đủ năng lực để thiết kế phá dỡ tầng 17, 18, đảm bảo phần ... |
Ngày đăng: 13:59 | 08/05/2020
/ laodong.vn