Tại một số quốc gia ở Châu Âu như Czech, Đan Mạch, Na Uy và Thụy Sĩ, người dân sắp sắp sửa có thể trở lại cuộc sống thường ngày khi các chính phủ bắt đầu thực hiện kế hoạch gỡ bỏ dần các hạn chế.
Đan Mạch
CNN đưa tin, quốc gia 5,8 triệu dân này là một trong những nước Châu Âu đầu tiên đóng cửa biên giới vào ngày 13.3. Cũng trong tuần đó, họ đóng cửa các trường học, quán cà phê và cửa hàng, cấm tụ tập hơn 10 người.
Từ ngày 15.4, Đan Mạch đã bắt đầu bước vào "giai đoạn 1" của việc mở cửa trở lại, với việc mở lại một phần các trường mẫu giáo và tiểu học, các trường trung học sẽ theo sau vào ngày 10.5.
Nước này vẫn tiếp tục thực hiện cấm trên 10 người cho đến ngày 10.5. Tất cả các lễ hội và các cuộc tụ họp lớn đã bị cấm cho đến tháng 8.
Thủ tướng Đan Mạch Frederiksen phát biểu trong một cuộc họp báo cho biết, cần phải thực hiện từng bước thận trọng vì nếu đi nhanh quá có thể dẫn tới mắc sai lầm.
Czech
Cộng hòa Czech đã nhanh chóng áp đặt các hạn chế đi lại, cấm các sự kiện lớn và đóng cửa các doanh nghiệp không thiết yếu sau khi tuyên bố tình trạng khẩn cấp vào ngày 12.3. Nước này cũng yêu cầu 10,7 triệu dân phải đeo khẩu trang kể từ 19.3.
Những nỗ lực kiểm soát nghiêm ngặt đó dường như đang được đền đáp, hiện Chính phủ đã tuyên bố nới lỏng một số hạn chế.
Chính phủ Czech hôm 14.4 đã đưa ra một kế hoạch gồm 5 giai đoạn nhằm giảm bớt các biện pháp hạn chế, bắt đầu từ ngày 20.4 và kết thúc vào ngày 8.6.
Kể từ 20.4, sinh viên sẽ bắt đầu quay trở lại các trường đại học và trường học, theo hình thức học trực tiếp. Kỳ thi tốt nghiệp trung học và thi tuyển sinh sẽ được tổ chức sau ngày 1.6. Các trường trung học dự kiến sẽ mở hoàn toàn sau ngày 1.9.
Chính phủ sẽ cho phép chợ nông sản và đại lý xe hơi mở cửa trở lại, cho phép tổ chức đám cưới với điều kiện ít hơn 10 người tham dự.
Từ ngày 25.5, các nhà hàng, quán ăn nhanh, quán rượu và cửa hàng rượu được phép mở cửa nếu họ có sân ngoài trời hoặc bán đồ ăn, đồ uống mang về. Bảo tàng, phòng trưng bày và sở thú có thể tổ chức hoạt ngoài trời, và các tiệm làm tóc và làm đẹp cũng sẽ được phép mở cửa trở lại.
Từ ngày 8.6, tất cả các cửa hàng bán lẻ, bao gồm cả trong các trung tâm mua sắm, tất cả các nhà hàng, khách sạn và nhà nghỉ khác sẽ được phép mở lại.
Du lịch ra khỏi Cộng hòa Czech được cho phép kể từ 14.4 với điều kiện thực hiện 14 ngày cách ly sau khi trở về.
Na Uy
Na Uy đang thực hiện cách tiếp cận lạc quan nhưng thận trọng khi nới lỏng các biện pháp hạn chế chống dịch thực hiện từ giữa tháng 3.
Thủ tướng Erna Solberg cho biết, nước này sẽ bắt đầu thu hẹp các biện pháp hạn chế kể từ 20.4, theo đó các trường mẫu giáo sẽ mở cửa trở lại. Một tuần sau, các trường sẽ mở cửa cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 4, Chính phủ dự định mở cửa tất cả trường học trước mùa hè và việc gỡ bỏ các hạn chế sẽ được thực hiện thận trọng từng chút một.
Thụy Sĩ
Mặc dù đã kéo dài các hạn chế về giãn cách xã hội đến ngày 26.4, Chính phủ Thụy Sĩ cũng đã công bố kế hoạch 3 giai đoạn gỡ bỏ các biện pháp hạn chế bắt đầu từ 27.4.
Giai đoạn đầu sẽ bao gồm việc mở lại các hoạt động không thiết yếu như tiệm làm tóc, bán hoa, vật lý trị liệu, phòng khám và nha khoa, cửa hàng thủ công và làm vườn... trong điều kiện áp dụng các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh và đeo khẩu trang bắt buộc. Các cửa hàng tạp hóa và siêu thị được phép bán các sản phẩm không thiết yếu. Ngoài ra, các hạn chế dịch vụ tang lễ cũng sẽ được gỡ bỏ đối với gia đình người đã khuất.
Sau hai ngày của giai đoạn 1, Chính phủ Thụy Sĩ sẽ quyết định có tiếp tục triển khai giai đoạn 2 của kế hoạch hay không, dự kiến sẽ bắt đầu vào 11.5. Trong giai đoạn 2 này, tất cả trường học cho trẻ em mọi độ tuổi buộc phải mở lại, các cửa hàng, thị trường giao thương được phép khôi phục hoạt động.
Giai đoạn cuối cùng dự kiến bắt đầu từ 8.6, cho phép mở lại tất cả trường trung học phổ thông, đại học, các tổ chức giáo dục khác. Đối với việc gỡ bỏ hạn chế cho các cơ sở giải trí và văn hóa như bảo tàng và thư viện trong giai đoạn 3 sẽ được xem xét vào cuối tháng 5.
Đồng thời, Chính phủ cũng yêu cầu trong quá trình gỡ bỏ các hạn chế, các nhà tuyển dụng phải đảm bảo cho các nhân viên có nguy cơ lây nhiễm đặc biệt cao được tiếp tục làm việc ở nhà hoặc bố trí môi trường làm việc hợp lí nếu không họ có quyền xin nghỉ việc và nhận bồi thường.
Châu Âu: Lục địa bị COVID-19 tàn phá nặng nề nhất thế giới
Tính đến 10h30\' theo giờ GMT (17h30\' giờ Việt Nam) ngày 16/4, đại dịch COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra đã cướp đi sinh mạng ... |
Châu Âu thành lập Liên minh Phục hồi Kinh tế Xanh hậu COVID-19
Liên minh vì sự phục hồi của nền kinh tế xanh mong muốn “xây dựng và chia sẻ tư duy về các kế hoạch đầu ... |
Ngày đăng: 20:38 | 20/04/2020
/ laodong.vn