Dựa trên những gì quan sát được, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng đã quá muộn để kiểm soát được virus. Một khi căn bệnh tiếp tục lây lan ở Trung Quốc, nguy cơ bùng phát mạnh mẽ hơn nữa ở các nước bên ngoài lãnh thổ đại lục là có thể xảy ra.
Tổng hợp dữ liệu đến nay, các nhà khoa học phác thảo hai kịch bản về quy mô của bệnh dịch.
Trường hợp lạc quan nhất chính là bệnh viêm phổi do chủng mới của virus corona chủ yếu bùng phát tại Trung Quốc và có thể ngăn chặn ở quy mô toàn cầu. Hiện, 99% trường hợp dương tính được ghi nhận ở đại lục.
Nếu không quốc gia nào khác có hiện tượng "truyền bệnh bền vững" và Trung Quốc thực hiện công tác dập dịch bài bản, nguy cơ lây lan của nCoV sẽ giảm dần. Căn bệnh được diệt trừ hoàn toàn. Điều này từng xảy ra với vụ dịch SARS năm 2003. Số ca dương tính SARS-CoV cuối cùng được ghi nhận là dưới 9.000.
Đây là viễn cảnh tươi sáng mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kỳ vọng. Trong một cuộc họp báo, Tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi các nước hiệp lực tái thực hiện phương pháp đã giúp đẩy lùi căn bệnh Ebola: dập dịch từ nguồn và giữ cho bệnh không lan rộng ở các quốc gia khác.
Nhà dịch tễ học Marion Koopmans, Trung tâm y tế Erasmus nhận định, miễn các trường hợp đầu tiên được phát hiện và cách ly sớm, việc kiểm soát virus là không khó.
Bà cũng cho biết, có thể nCoV sẽ suy yếu khi thời tiết ấm lên. Bệnh cảm cúm thường chỉ lây lan trong những tháng mùa đông tại miền bắc và miền nam Trung Quốc. Như vậy, tình hình sẽ được cải thiện trong vài tháng tới.
Song, tỷ lệ thành công một phần phụ thuộc vào mức độ truyền bệnh của những người dương tính nhưng không có triệu chứng. Đây là các đối tượng khó sàng lọc và cách ly.
Trong khi đó, dựa trên những gì quan sát được, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng đã quá muộn để kiểm soát được virus. Một khi căn bệnh tiếp tục lây lan ở Trung Quốc, nguy cơ bùng phát mạnh mẽ hơn nữa ở các nước bên ngoài lãnh thổ đại lục là có thể xảy ra.
Nếu nCoV lan đến tất cả các nước trên thế giới, nó sẽ trở thành đại dịch. Đây là kịch bản thứ hai, có phần ảm đạm. Thế giới đứng trước hàng loạt câu hỏi như: Bao nhiêu người sẽ nhiễm bệnh? Trong số đó, bao nhiều trường hợp chuyển nặng hoặc tử vong?
Đến nay, tỷ lệ tử vong của bệnh viêm phổi corona là khoảng 2%. Một số báo cáo cho biết, 20% ca bệnh ở mức nghiêm trọng. Tuy nhiên, thống kê của chính phủ có thể đã bỏ qua hàng chục nghìn bệnh nhân biểu hiện nhẹ hoặc không tìm đến cơ sở y tế, thậm chí không biết bản thân mắc nCoV. Vì vậy, những gì vừa diễn ra trong hai tháng trở lại đây có thể chỉ là "phần nổi của một tảng băng chìm rất lớn", theo nhận định của ông Marc Lipsitch, nhà dịch tễ học tại Trường Y tế Công cộng Harvard.
Nếu thực sự trở thành đại dịch, sau khi lây xa và lan rộng, 2019-nCoV có thể trở nên đặc hữu trong quần thể người, giống như bốn loại virus corona khác.
Cả thế giới kỳ vọng một loại vaccine chống virus corona sẽ sớm được tung ra thị trường. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế quốc tế khẳng định phát triển, thử nghiệm và đánh giá một loại vaccine mới là rất tốn thời gian - hàng tháng, thậm chí hàng năm - và vô cùng tốn kém.
Nếu nhìn từ các dịch bệnh trong quá khứ, có thể thấy vaccine đóng vai trò rất nhỏ trong thời gian dịch bùng phát. Các hãng dược mất hơn một năm để tạo ra vaccine chống SARS, loại virus nguy hiểm xuất hiện từ tháng 11/2002 và giết gần 800 người trên phạm vi toàn cầu.
Tương tự, với dịch MERS năm 2012, các loại vaccine được phát triển còn chưa kết thúc giai đoạn thử nghiệm thì dịch đã dần kết thúc. Đối với dịch Ebola, các loại vaccine được nghiên cứu từ năm 2014, và khi dịch bệnh bùng phát năm 2018 thì phải tới cuối năm 2019 loại vaccine đầu tiên mới được cấp phép tiêm cho người.
Poland, chuyên gia phát triển và nghiên cứu vaccine, cho rằng sẽ mất khoảng 1 tỷ USD để tạo ra loại vaccine chữa bệnh và phòng ngừa virus corona được chính phủ Mỹ chấp thuận. Ngoài ra, có thể sẽ phải mất nhiều năm và nhiều giai đoạn thử nghiệm về tính an toàn, độ hiệu quả trên người trước khi vaccine được ban hành.
Phóng viên (t/h)
Ngày đăng: 08:27 | 10/02/2020
/ Nghề nghiệp & Cuộc sống