Sau hai lần phần đi đường bộ trên cầu Long Biên liên tiếp bị thủng chỉ trong khoảng 1 tháng, các lực lượng chức năng đã phải họp bàn giải pháp tháo gỡ tạm thời.

Vá chỗ này thủng chỗ kia không xuể

Ngày 31/5, Cục Đường sắt Việt Nam đã chủ trì cuộc họp với các đơn vị liên quan nhằm tìm giải pháp trước mắt cũng như lâu dài để đảm bảo an toàn giao thông quac cầu Long Biên sau khi liên tiếp xảy ra 2 vụ thủng mặt cầu đường bộ chỉ trong một tháng.

Tại cuộc họp, ông Vũ Quang Khôi, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam cho hay, qua kiểm tra thực tế cho thấy, tình hình ANTT, ATGT đường bộ qua cầu Long Biên rất phức tạp.

Mặc dù Công ty CP Đường sắt Hà Hải đã phối hợp với các đơn vị chức năng nhiều lần ra quân giải tỏa, tuần đường, bảo vệ cầu cũng nhắc nhở nhưng vẫn còn tình trạng họp chợ, buôn bán trên cầu.

Đặc biệt, do khu vực bãi giữa sông Hồng như một điểm du lịch nên nhiều người dân, khách du lịch đến tập trung trên lối đi bộ hành để chụp ảnh; Thậm chí người dân còn đi xe máy trên lối đi này để đi ra cầu thang xuống bãi. Mặt khác, nhiều người dân tập trung xe máy hai bên cánh gà sát lan can cầu, gây áp lực về tải trọng cho kết cấu cầu.

Sau mỗi lần thủng, mặt cầu Long Biên lại được vá víu khiến cây cầu càng nhếch nhác

“Cầu Long Biên đã 121 năm sử dụng, quá xuống cấp. Dù hàng năm Bộ GTVT đều quan tâm dành kinh phí cho bảo trì cầu nhưng do lượng phương tiện qua lại đông, quá tải nên phần đường bộ xuống cấp nhanh. Vì vậy cần phải thực hiện ngay các giải pháp trước mắt để đảm bảo an toàn khu vực cầu”, ông Khôi nói.

Ông Nguyễn Quốc Vượng, Giám đốc Công ty CP Đường sắt Hà Hải cho biết, đơn vị đã thử đếm, từ 14h00 đến 20h00 ngày 30/5, trong giờ cấm xe máy thồ, xe đạp thồ nhưng có đến 150 xe máy thồ, xe ba gác chở nặng qua cầu. Tới đây, công ty sẽ cho lắp camera theo dõi phần đường bộ để ghi lại, giám sát các vi phạm này.

Ông Phạm Minh Khôi, Trưởng ban Quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho biết, để đảm bảo an toàn, giảm rung lắc khi tàu qua, năm 2022, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã phải giảm tốc độ chạy tàu qua cầu Long Biên từ 25km/giờ xuống còn 15km/giờ.

Qua 120 năm khai thác, cầu Long Biên như tấm áo rách, vá chỗ này thủng chỗ kia ảnh 2

Sau mỗi lần thủng, mặt cầu Long Biên lại được vá víu khiến cây cầu càng nhếch nhác

“Cầu Long Biên giờ như tấm áo cũ sờn, vá chỗ này lại thủng chỗ kia nên không xuể. Năm 2021, kinh phí bảo trì cầu Long Biên được 8,5 tỷ đồng, năm 2022 được khoảng hơn 9,7 tỷ đồng bao gồm cả kinh phí bảo dưỡng cầu đường sắt, kinh phí bảo dưỡng cầu đường bộ và kinh phí tuần cầu, bảo vệ cầu”- đại diện VNR nhìn nhận.

Kiểm định tổng thể để có giải pháp lâu dài

Cũng theo VNR, để đảm bảo an toàn cầu Long Biên, không chỉ có vấn đề giao thông đường bộ mà còn vấn đề an toàn giao thông đường thủy. Các trụ cầu hiện đã yếu, nếu các phương tiện thủy va phải thì nguy cơ mất an toàn đường sắt, đường bộ rất cao.

Do vậy, VNR đang thực hiện kiểm định tổng thể cầu trước khi đề xuất giải pháp lâu dài, trong đó lập dự án sửa chữa đồng bộ, nguồn vốn đầu tư phát triển.

 

Về trước mắt, lãnh đạo Cục Đường sắt Việt Nam yêu cầu đơn vị quản lý, khai thác phải theo dõi, kiểm tra trạng thái cầu, đồng thời tiến hành kiểm tra, đánh dấu các vị trí xung yếu như chuyển vị, biến dạng... để kịp thời phát hiện, xử lý kịp thời các sự cố; Tăng cường các biển cấm tụ tập đông người, phương tiện trên mặt cầu, lối đi bộ hành; Điều tra, khảo sát hệ thống giằng đỡ bằng thép phía dưới phần đường bộ để có kế hoạch sửa chữa thay thế.

Từ đó, đề xuất các phương tiện nào được phép lưu thông qua cầu để Cục Đường sắt Việt Nam làm việc với các cơ quan chức năng cắm biển cấm đúng quy chuẩn hiện hành.

Còn về lâu dài, tuyến đường sắt quốc gia sẽ không chạy qua cầu Long Biên mà theo tuyến vành đai phía Đông Hà Nội theo hướng Ngọc Hồi - Lạc Đạo - Yên Viên - Bắc Hồng, trong đó có đoạn từ Ngọc Hồi (tuyến phía Nam) đến Lạc Đạo (tuyến phía Đông).

Vì vậy, cần sớm đầu tư cầu đường sắt mới qua sông Hồng theo dự án tuyến đường sắt đô thị Yên Viên - Ngọc Hồi. Hiện dự án tuyến này đã được bàn giao lại cho Hà Nội tiến hành nghiên cứu. Việc có giữ lại cầu Long Biên hay không, sẽ khai thác thế nào, tư vấn vẫn đang nghiên cứu.

Theo lãnh đạo Cục Đường sắt Việt Nam, vừa qua có một nhà đầu tư đề xuất tham gia nghiên cứu trùng tu, khai thác cầu Long Biên như một công trình văn hóa lịch sử. Hà Nội đã được cấp có thẩm quyền giao chủ trì, phối hợp với nhà đầu tư nghiên cứu dự án.

Thời gian gần đây, phần đường bộ trên cầu Long Biên liên tục bị thủng một lỗ lớn, nhìn thấy rõ mặt sông Hồng, gây nguy hiểm mất ATGT cho phương tiện qua lại.

Năm 2016 cầu Long Biên đã được chi 216 tỷ đồng để thực hiện dự án khôi phục cầu Long Biên giai đoạn 1: Gia cố đảm bảo an toàn cầu Long Biên phục vụ vận tải đường sắt đến năm 2025.

https://www.anninhthudo.vn/qua-120-nam-khai-thac-cau-long-bien-nhu-tam-ao-rach-va-cho-nay-thung-cho-kia-post506313.antd

Ngày đăng: 08:00 | 01/06/2022

N.T / ANTĐ