2022 là năm dị biệt của ngành xăng dầu. Ðằng sau câu chuyện “căng mình” để cung ứng tối đa xăng dầu cho thị trường còn có những vấn đề đáng quan tâm khác của doanh nghiệp mà ít người biết… Nhân dịp năm mới 2023, phóng viên Tạp chí Năng lượng Mới có cuộc trao đổi với Chủ tịch HÐQT Tổng công ty Dầu Việt Nam - CTCP (PVOIL) Cao Hoài Dương để hiểu thêm về PVOIL.

 

2022 là năm dị biệt của ngành xăng dầu. Ðằng sau câu chuyện “căng mình” để cung ứng tối đa xăng dầu cho thị trường còn có những vấn đề đáng quan tâm khác của doanh nghiệp mà ít người biết… Nhân dịp năm mới 2023, phóng viên Tạp chí Năng lượng Mới có cuộc trao đổi với Chủ tịch HÐQT Tổng công ty Dầu Việt Nam - CTCP (PVOIL) Cao Hoài Dương để hiểu thêm về PVOIL.

PV: Qua một năm nhiều biến động chưa từng có tiền lệ trên thị trường xăng dầu nước ta, ông có thể chia sẻ những nỗ lực, cũng như tâm tư, lo lắng của PVOIL trong năm 2022 như thế nào?

Chủ tịch HĐQT PVOIL Cao Hoài Dương: Kinh doanh xăng dầu bản chất là lĩnh vực kinh doanh nhiều rủi ro, lợi nhuận rất thấp, bởi vì giá do Nhà nước quản lý, biên lợi nhuận mỏng, kinh doanh không khéo thì có thể đang từ lãi thành lỗ rất nhanh. Một câu mà những người kinh doanh xăng dầu hay nói với nhau là phải đến ngày 31-12 mới biết được lỗ hay lãi. Bên cạnh đó, vì là mặt hàng thiết yếu, gắn chặt với đời sống người dân hằng ngày nên xăng dầu rất nhạy cảm, dễ gây tác động trong xã hội.

Trong giai đoạn vừa rồi, khi thị trường xảy ra khan hiếm xăng dầu, nhiều cây xăng tư nhân đóng cửa nên khách hàng đổ dồn về các cây xăng nhà nước, trong đó có PVOIL. Vào cuối tháng 9, đầu tháng 10, giai đoạn căng thẳng nhất ở TP HCM, lượng khách hàng đổ về các cây xăng của PVOIL ở TP HCM tăng gấp 3 lần so với bình thường, anh em làm việc rất vất vả... Trong khi đó, PVOIL không lợi nhuận, càng bán lẻ nhiều thì càng lỗ. Trong bối cảnh đó, ban lãnh đạo PVOIL đã chỉ đạo lãnh đạo các đơn vị hết sức quan tâm, kịp thời động viên nhân viên để anh em yên tâm làm việc, nhất là các khu vực đang căng thẳng. PVOIL cũng quyết định trích từ “Quỹ PVOIL chung một tấm lòng” để hỗ trợ cho nhân viên cửa hàng xăng dầu. Khoản hỗ trợ tuy không nhiều, 1-2 triệu đồng/người, nhưng thật sự cũng là sự nỗ lực rất lớn, là sự thấu hiểu và chia sẻ với người lao động.

Giai đoạn đó có thể nói là PVOIL phải căng mình ra, không chỉ để bảo đảm cung ứng tối đa xăng dầu cho thị trường, thực hiện nhiệm vụ chính trị mà còn để bảo đảm công tác an ninh, an toàn. Bởi chỉ cần một tình huống không kiểm soát kỹ có thể gây ra vấn đề mất trật tự trị an, an toàn phòng chống cháy nổ, vì tập trung đông người như thế, mà mọi người lại đang bức xúc vì mua hàng khó khăn, phải chờ đợi lâu. Hay vô tình chỉ cần một tàn thuốc thôi cũng có thể gây mất an toàn... Đó là những điều thực sự vô cùng lo lắng mà PVOIL phải tập trung nguồn lực để kiểm soát.

PV: Đó là câu chuyện cá biệt hay cũng phản ảnh tính đặc thù trong kinh doanh xăng dầu, thưa ông?

Chủ tịch HĐQT PVOIL Cao Hoài Dương: Trong kinh doanh xăng dầu kiếm một tí lợi nhuận rất khó khăn, thế nhưng lỗ cực kỳ dễ, chỉ cần 1 lô hàng bán sai thời điểm thôi cũng có thể lỗ rất lớn. Bên cạnh đó, thế giới biến động khó lường như hiện nay lại càng khó khăn vì bất cứ một thay đổi về địa chính trị nào thì nó tác động ngay đến giá xăng dầu. Thông thường các mặt hàng khác cũng ảnh hưởng bởi địa chính trị nhưng nó có độ trễ nhất định, nhưng xăng dầu thì ảnh hưởng tức thì, hằng ngày. Cho nên thường xuyên 2-3 giờ sáng, anh em PVOIL vẫn còn liên lạc với nhau, đặc biệt là lúc biến động lớn, bởi lúc đó là các thị trường trên thế giới hoạt động, phải nghe ngóng tình hình giá dầu như thế nào để quyết định. Đấy là điều thực tế mà anh em, đặc biệt là Ban điều hành, Khối kinh doanh rất vất vả. Có đơn vị nào mà 2-3 giờ sáng mọi người vẫn lên mạng trao đổi với nhau về giá dầu như thế?

PV: Nhiều năm làm lãnh đạo ở PVOIL, điều gì khiến ông trăn trở nhất?

Chủ tịch HĐQT PVOIL Cao Hoài Dương: Đó là hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh và hơn nữa, hệ quả của nó là đời sống cán bộ, công nhân viên. So với mặt bằng chung của lĩnh vực dầu khí, thu nhập của người lao động PVOIL còn thấp, nhân viên bán ở cửa hàng xăng dầu, ở kho, họ chỉ là công nhân thôi, chứ đâu có trình độ cao. Bên cạnh những vấn đề về quản trị, điều tôi quan tâm nhất là tạo động lực cho người lao động. Mục tiêu luôn hướng tới là sự công bằng, thưởng phạt phân minh, kịp thời. Nói gì thì nói, làm lãnh đạo, có tài là một chuyện, anh cần phải có tâm và có tầm nhìn xa để định hướng phát triển. Cuối cùng như tôi nói, đó là hiệu quả gắn với đời sống của người lao động. Có những giai đoạn kinh doanh xăng dầu khó khăn, nhìn thu nhập của người lao động ở một số đơn vị chỉ có 5-6 triệu đồng/người/tháng, thực sự thấy rất xót xa. Một số đơn vị lỗ lũy kế, nhiều năm không có thưởng, đó là những điều tôi rất trăn trở.

PV: Văn hóa là một phần rất quan trọng trong sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đang nỗ lực triển khai Đề án Tái tạo văn hóa Petrovietnam. Trong hành trình tái tạo văn hóa PVOIL, theo ông, đến nay đâu là nét văn hóa nổi bật của PVOIL?

Chủ tịch HĐQT PVOIL Cao Hoài Dương: Chúng tôi cho rằng, văn hóa không chỉ là bề nổi mà nó phải thật sự ngấm vào trong người, thành phản xạ tự nhiên, lúc đó người ta sử dụng nó một cách vô thức, thể hiện trong cách sống, cách làm việc, hành xử. Văn hóa PVOIL có được hiện nay, nổi bật nhất là sự sẻ chia. Phải nói rằng, PVOIL là doanh nghiệp mà mọi người sống rất tình cảm, đoàn kết. Phải chăng vì khó khăn, đâm ra mọi người dễ thông cảm, san sẻ lẫn nhau?

Văn hóa sẻ chia ở PVOIL thể hiện ở nhiều mặt, như hỗ trợ lẫn nhau giữa các đơn vị trong hệ thống, giữa đối tác, khách hàng với nhau; sẻ chia trong người lao động qua “Quỹ PVOIL chung một tấm lòng”. PVOIL cũng rất chú trọng, đặt tâm sức vào các chương trình an sinh xã hội vì cộng đồng, trong đó nhiều chương trình mang dấu ấn, đặc thù của PVOIL như: Hỗ trợ xăng dầu xe cứu trợ đồng bào lũ lụt miền Trung; tổ chức cấp xăng dầu miễn phí cho đội xe phục vụ cho công tác phòng chống dịch Covid-19; chương trình “Cùng PVOIL về quê đón Tết”...

Ngoài ra, sự sẻ chia còn thể hiện trong thực hiện nhiệm vụ chính trị như bảo đảm cung ứng tối đa xăng dầu thời gian vừa qua. Nếu chỉ đặt mục tiêu lợi nhuận thì trong giai đoạn khan hàng, PVOIL có thể tìm mọi cách để né, như bán hàng cầm chừng để giảm lỗ, nhưng PVOIL đã chỉ đạo quyết liệt phải bảo đảm cung ứng tối đa có thể, chung tay cùng cơ quan chức năng bảo đảm an ninh năng lượng. Đó là việc thực sự, công khai, rõ ràng, là thực tế chứ không chỉ là lời nói suông.

PV: Trong xu thế chuyển dịch năng lượng đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới, ông có thể chia sẻ một chút về chiến lược của PVOIL?

Chủ tịch HĐQT PVOIL Cao Hoài Dương: Chuyển dịch năng lượng là xu hướng chung của thế giới hiện nay, chuyển sang năng lượng xanh, sạch, dần dần thay thế năng lượng truyền thống, hóa thạch. Cụ thể, ảnh hưởng trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu đó là xe điện, một xu hướng không thể tránh khỏi, không thể đảo ngược. Đã là tất yếu, không thể cản được thì ta cần phải đối mặt, phải tận dụng, biến nguy thành cơ. PVOIL có lợi thế hệ thống cây xăng, PVOIL tận dụng lợi thế của mình để hợp tác với VinFast triển khai các trạm sạc xe điện. Hiện nay, tại PVOIL đã có gần 300 cây xăng có trạm sạc xe điện. Đây chính là các bước đi nhằm tận dụng xu thế đó. Nếu với xe sử dụng xăng dầu, thường đổ xăng dầu xong khách hàng đi ngay, nhưng sau này khi sạc điện thì mất 15-30 phút. PVOIL chủ trương đầu tư các dịch vụ phi xăng dầu kết hợp cửa hàng xăng dầu với các cửa hàng mini mart, cà phê, dịch vụ thanh toán điện, nước, bảo hiểm... để trong khoảng thời gian chờ đợi đó, khách hàng không cảm thấy nhàm chán, lãng phí và doanh nghiệp cũng khai thác được tiềm năng này. Phương châm của PVOIL là không chỉ kinh doanh xăng dầu mà hướng tới cung cấp các dạng năng lượng, hiện tại là xăng dầu kết hợp với trạm sạc điện, sau đó nữa có thể là trạm sạc xe điện 100%, xa hơn nữa có thể là là trạm cung ứng hydro...

PV: Nhìn lại một năm qua và hướng đến năm Quý Mão 2023, ông có nhắn gửi điều gì đến người lao động, đối tác, khách hàng của PVOIL?

Chủ tịch HĐQT PVOIL Cao Hoài Dương: Năm 2022 là một năm quá nhiều cảm xúc, một năm mà theo nhiều người nhận xét với ngành kinh doanh xăng dầu là dị biệt. Đây là một năm rất khó khăn, cũng hồi hộp như bản chất của kinh doanh xăng dầu là không biết như thế nào, đang vui có thể lại buồn, nó đến rất nhanh. Nhưng có lẽ đây là một năm vất vả, lo lắng nhiều hơn. Qua đó chúng tôi rất cảm ơn người lao động đã cảm thông để luôn đồng hành, thấu hiểu, cố gắng cùng sẻ chia, cùng gánh vác khó khăn với doanh nghiệp. Chúng tôi cũng cảm ơn các khách hàng, đối tác đã luôn đồng hành, hỗ trợ cùng nhau vượt qua khó khăn, phát triển. PVOIL cũng rất vui vì được các đối tác, khách hàng tin cậy, đánh giá cao. Anh Trần Công Tín, Phó tổng giám đốc Vietsovpetro, trong hội nghị tổng kết kinh doanh dầu thô năm 2022 đã nói “làm việc với PVOIL bao nhiêu năm không có điều tiếng gì”. Một câu nói rất giản dị như thế thôi, cũng có thể coi như một lời khen, qua đó khẳng định PVOIL đã làm tốt, không có sự cố trong các vấn đề kỹ thuật, thương mại, kể cả những phương diện khác nữa.

Cuối cùng, xin gửi lời cảm ơn và chúc mọi người một năm mới nhiều sức khỏe, niềm vui, chào đón những vận hội mới.

PV: Cảm ơn ông đã dành thời gian chia sẻ!

https://pvn.vn/chuyen-muc/don-vi/tin/57d284fb-a8c0-4182-aacc-883eb2b726c9

Ngày đăng: 10:54 | 25/01/2023

PV / Cổng thông tin điện tử PVN