Hội đồng thành viên, Ban Tổng giám đốc PVN đã quyết định thành lập các Tổ công tác trực tiếp xử lý các dự án yếu kém, trong đó quy định rõ trách nhiệm của từng cá nhân, đơn vị tham gia Tổ công tác.
Thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị, chỉ đạo của Thường trực Chính phủ và Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về việc xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương, sáng 7/7, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã tổ chức cuộc họp bàn giải pháp, hướng tháo gỡ, xử lý các dự án chưa hiệu quả của Tập đoàn.
Cổng vào Nhà máy xơ sợi Đình Vũ |
Cuộc họp do Phó bí thư phụ trách Đảng bộ, Thành viên phụ trách Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc PVN Nguyễn Vũ Trường Sơn chủ trì.
Tham dự cuộc họp có các đồng chí trong Thường vụ Đảng ủy, Thành viên Hội đồng thành viên, Ban Tổng giám đốc PVN, đại diện lãnh đạo một số đơn vị, các Ban chuyên môn của Tập đoàn. Ngoài ra, cuộc họp còn có sự tham dự của đại diện các cổ đông và nhà thầu thi công các dự án.
Tại cuộc họp, Hội đồng thành viên, Ban Tổng giám đốc PVN đã thẳng thắn nhìn nhận một số tồn tại trong quá trình xử lý các dự án yếu kém thuộc Tập đoàn.
Theo đó, thời gian qua, lãnh đạo PVN đã họp bàn và đề ra nhiều phương án, giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tìm hướng xử lý các dự án yếu kém. Những phương án, giải pháp, hướng xử lý này đều đã được Tập đoàn nghiên cứu, đánh giá kỹ trước khi báo cáo cấp có thẩm quyền.
Hội đồng thành viên, Ban Tổng giám đốc PVN đánh giá những phương án, giải pháp này là tích cực, phù hợp với tình hình thực tế của các dự án.
Tuy nhiên, sự thiếu hiệu quả trong việc xử lý các dự án yếu kém còn có nguyên nhân khách quan là những vướng mắc về cơ chế, đặc biệt là những vướng mắc về cơ chế tài chính.
Với những phân tích đánh giá trên, ngay tại cuộc họp, Hội đồng thành viên, Ban Tổng giám đốc PVN đã quyết định thành lập các Tổ công tác trực tiếp xử lý các dự án yếu kém, trong đó quy định rõ trách nhiệm của từng cá nhân, đơn vị tham gia Tổ công tác.
Các Tổ công tác sẽ có nhiệm vụ rà soát, đánh giá lại toàn bộ các phương án, giải pháp cũng như các đề xuất đã và đang được triển khai trong quá trình xử lý các dự án yếu kém. Sau khi có đánh giá, các Tổ công tác sẽ xây dựng, đề xuất phương án, giải pháp cụ thể đối với từng dự án. Những phương án, giải pháp này phải đề rõ thời gian, lộ trình thực hiện và để thực hiện thì cần phải có những cơ chế, chính sách như thế nào…
Trên cơ sở đó, Hội đồng thành viên, Ban Tổng giám đốc PVN sẽ quyết định các vấn đề nào thuộc phạm vi thẩm quyền của Tập đoàn còn nội dung nào vượt quá thẩm quyền, Hội đồng thành viên, Ban Tổng giám đốc sẽ làm báo cáo cấp có thẩm quyền xin ý kiến.
Tinh thần chung được các thành viên trong Hội đồng thành viên, Ban Tổng giám đốc PVN xác định là phải thực hiện và phải thực hiện ở mức tốt nhất Kết luận của Bộ Chính trị, chỉ đạo của Chính phủ, đảm bảo việc xử lý các dự án yếu kém của Tập đoàn đạt hiệu quả nhất. Dự án nào có thể tiếp tục triển khai, đi vào sản xuất thì theo nguyên tắc thị trường, các đơn vị, các cổ đông phải vào cuộc tháo gỡ, hỗ trợ để đi vào sản xuất. Dự án nào không khả thi thì nghiên cứu bán cổ phần, thậm chí là cho phá sản.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng kết luận buổi làm việc với PVN |
Chiều cùng ngày, tại trụ sở Bộ Công Thương, liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng đã chủ trì buổi làm việc với PVN.
Sau khi lắng nghe và thống nhất báo cáo của PVN về các phương án xử lý, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng đã nhấn mạnh yêu cầu cần triển khai quyết liệt xử lý các dự án trong năm 2017, hoàn thành phương án xử lý để năm 2018 cơ bản giải quyết hết khó khăn và 2020 hoàn thành dứt điểm.
Đưa phương án xử lý cụ thể với từng dự án, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nêu rõ:
Với dự án Ethanol Dung Quất, quan điểm là khởi động lại dự án sau đó mới thoái vốn, chuyển nhượng vốn. Riêng dự án nhà máy NLSH Bình Phước, PVN và phía nhà máy cần làm việc với đối tác để sớm khởi động lại dự án. Bởi việc khởi động dự án không chỉ liên quan đến nguồn vốn mà còn liên quan đến lộ trình thay thế và sử dụng xăng sinh học E5 từ đầu năm 2018.
Trong khi đó, với dự án Ethanol Phú Thọ, thống nhất phương án dừng dự án và tiến hành phá sản công ty. Đồng thời đề nghị PVN làm việc với cổ đông để thực hiện lộ trình dừng và phá sản này.
Với 2 dự án còn lại, đặc biệt là dự án PVTEX, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, phương án đưa ra là hợp tác với đối tác nước ngoài để khởi động lại dự án, sau đó thực hiện chuyển nhượng vốn.
Nhà máy Đóng tàu Dung Quất được lựa chọn phương án cho phá sản. Với việc quyết toán con tàu 104.000 tấn, do giá trị nhà máy và đối tác đưa ra chênh lệch khá lớn nên Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng chỉ đạo Vụ Tài chính - Bộ Công Thương có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị Kiểm toán Nhà nước vào cuộc để định giá con tàu.
Trên cơ sở cuộc họp, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cũng đề nghị PVN sớm xây dựng hai phương án: Một là phương án như đã quyết định ở trên, với điều kiện cho phép cổ đông bỏ vốn xử lý khó khăn.
Thứ hai là nếu như cổ đông không được bỏ vốn thì chấp nhận phương án đàm phán hoặc phá sản ngay từ đầu.
Thay mặt lãnh đạo PVN, Tổng giám đốc PVN Nguyễn Vũ Trường Sơn khẳng định quyết tâm thực hiện và phải thực hiện ở mức tốt nhất Kết luận của Bộ Chính trị, chỉ đạo của Chính phủ, đảm bảo việc xử lý các dự án yếu kém của Tập đoàn đạt hiệu quả nhất, trình phương án chi tiết lên Bộ Công Thương, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/7/2017.
Ngày đăng: 13:56 | 14/07/2017
/ Thành Công - Thanh Ngọc/Petrotimes