Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) mở ra nhiều cơ hội, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức đối với mỗi quốc gia, tổ chức và cá nhân; đã và đang tác động ngày càng mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội đất nước. Cùng với xu hướng chuyển dịch năng lượng, CMCN 4.0 đưa các công ty dầu khí về cùng xuất phát điểm.
Theo Viện Dầu khí Việt Nam (VPI), trữ lượng hiện nay không còn là tài sản quý giá nhất của các công ty dầu khí, thông tin và tri thức đã thay thế vai trò này. Mục tiêu thăm dò hiệu quả để gia tăng trữ lượng, tối ưu công nghệ để khai thác và chế biến hiệu quả dầu khí, tối ưu hệ thống phân phối để giảm chi phí, tối đa lợi thế cạnh tranh trước đây đã trở thành thu thập và tổng hợp tối đa thông tin/tri thức rồi phân tích và xử lý toàn diện để thấu hiểu bản chất và sử dụng hiệu quả để tạo lợi thế cạnh tranh.
Tàu ngầm Neried Under Ice (NUI) có thể tự thu thập mẫu vật ở độ sâu dưới 500m dưới đáy biển dựa trên trí tuệ nhân tạo (IA). |
Do đó, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), cần nhận diện các cơ hội, học hỏi kinh nghiệm ứng dụng thành tựu CMCN 4.0 của các công ty dầu khí và doanh nghiệp trên thế giới; hoạch định được các giải pháp khoa học công nghệ đột phá để chiếm lĩnh thời cơ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trong dài hạn, giúp PVN phát triển bền vững.
CMCN 4.0 đã và đang tạo ra sự thay đổi cơ bản, vượt bậc về công nghệ trong việc thu thập thông tin (cảm biến thông tin ngày càng rẻ, kết nối di động trở nên rộng rãi và phổ biến) và phân tích và xử lý thông tin/tri thức để thấu hiểu bản chất (sức mạnh xử lý, lưu trữ tăng mạnh; nền tảng công nghệ trí tuệ nhân tạo phát triển nhanh) để từ đó các công ty có thể quyết định sản xuất kinh doanh hằng ngày hoặc hoạch định chiến lược, kế hoạch dài hạn hiệu quả hơn.
Việc số hóa hoạt động tại các hoạt động hạ nguồn dầu khí có thể giúp tiết giảm 12 - 20% chi phí hoạt động, dừng hoạt động đột xuất giảm từ 15 - 25%, hiệu quả hoạt động tăng 8 - 12%, hiệu suất HSSE (sức khỏe, an toàn, an ninh và môi trường) được cải thiện, năng suất lao động tăng.
Các bản sao số (digital twins) cho phép tối ưu hóa quá trình khai thác từ mỏ đến khâu chế biến. Khả năng mô hình hóa ngày càng chi tiết, khả năng tương tác và cảm biến tốt hơn, các nền tảng và công cụ có sẵn tối ưu hơn đang giúp tạo ra các mô phỏng chi tiết và sống động hơn bao giờ hết. Trong tương lai, sẽ có nhiều công ty sử dụng bản sao kỹ thuật số để tối ưu hóa các quy trình, đưa ra quyết định dựa trên dữ liệu trong thời gian thực và thiết kế các sản phẩm, dịch vụ và mô hình kinh doanh mới.
Khảo sát mới đây của EY cho thấy hơn 92% các công ty dầu khí hiện nay đã đầu tư hoặc có kế hoạch đầu tư vào trí tuệ nhân tạo (AI) trong 2 năm tới. Trong số đó, 50% giám đốc điều hành các công ty dầu khí cho biết đã bắt đầu sử dụng AI để hỗ trợ xử lý các bài toán khó và thách thức tại doanh nghiệp mình. Robot với ứng dụng AI là lĩnh vực được quan tâm đặc biệt, để hạn chế tình trạng con người phải làm việc trong điều kiện nguy hiểm.
Một số ứng dụng AI tiêu biểu được sử dụng tại các công ty dầu khí lớn trên thế giới như: Vào tháng 12/2016, ExxonMobil tuyên bố hợp tác với Massachusetts Institute of Technology (MIT) của Mỹ để thiết kế robot AI thám hiểm đại dương nhằm phát hiện rò rỉ dầu khí dưới đáy đại dương. Vào tháng 1/2019, BP đầu tư vào công ty công nghệ khởi nghiệp Belmont Technology để củng cố khả năng ứng dụng AI, phát triển nền tảng có tên là “Sandy”. Đây là cổng thông tin có khả năng diễn giải các lĩnh vực chính của ngành dầu khí thành “biểu đồ tri thức chuyên ngành”, bao gồm địa vật lý, khoa học địa chất, giếng chứa và thông tin lịch sử của dự án.
Schlumberger, Chevron và Microsoft đã cho ra mắt trí tuệ nhân tạo cho ngành dầu khí. |
Tại Diễn đàn các giải pháp tích hợp phần mềm toàn cầu (SIS) diễn ra tháng 9/2019 ở Monaco, Schlumberger, Chevron và Microsoft đã cùng giới thiệu giải pháp DELFI. Đây là nền tảng trí tuệ nhân tạo dựa trên công nghệ điện toán đám mây, giúp nâng cao các dịch vụ kỹ thuật số trong các dự án thăm dò, phát triển, khai thác mỏ, tồn trữ và hệ thống các đường ống dầu khí.
Trên cơ sở đó, Viện Dầu khí Việt Nam đề xuất 4 giải pháp đột phá về khoa học công nghệ, đảm bảo tạo dựng và kết hợp được 3 yếu tố không thể thiếu: thông tin, công nghệ và nhân tài để giúp PVN chiếm lĩnh thời cơ từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Trong đó, Viện Dầu khí Việt Nam đề xuất PVN xây dựng và triển khai thực hiện lộ trình khoa học công nghệ, xác định rõ các công nghệ cần làm chủ và có khả năng ứng dụng, gắn liền với chiến lược, mục tiêu phát triển chung của các lĩnh vực sản xuất kinh doanh để tạo đột phá cho sự phát triển; tăng cường đầu tư cảm biến và thiết bị IoT để thu thập dữ liệu trong toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh hàng ngày; xây dựng cơ sở dữ liệu trong tất cả các khâu thuộc chuỗi giá trị dầu khí.
Đồng thời, Viện Dầu khí Việt Nam đề xuất PVN cần đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo, học máy để phân tích, xử lý và thấu hiểu dữ liệu từ đó tìm ra các quy luật, tri thức và ứng dụng vào hoạt động sản xuất kinh doanh, trước mắt ưu tiên ứng dụng AI cho bảo dưỡng dự báo (predictive maintenance); xây dựng và triển khai các chương trình nghiên cứu, phát triển, ứng dụng năng lượng mới, tái tạo để tích hợp vào chuỗi giá trị, phù hợp với xu thế dịch chuyển năng lượng đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu; công nghệ phục vụ quá trình chuyển đổi số; mô hình kinh doanh mới, tiên tiến của công nghiệp dầu khí thế giới; sử dụng hiệu quả Quỹ phát triển Khoa học và Công nghệ để tăng cường đầu tư cho khoa học công nghệ, mở rộng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.
Ngày đăng: 15:00 | 07/09/2020
/ pvn.vn