Sáng ngày 12/7/2024, tại trụ sở Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), Bộ Tài chính, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội đã tổ chức Hội thảo về dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, thay thế Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69/2014/QH13).

 Hội thảo Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp 

Tham dự và chủ trì Hội thảo có ông Cao Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính; ông Hồ Sỹ Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; bà Phạm Thúy Chinh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội; ông Bùi Tuấn Minh, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp; ông Nguyễn Thành Trung, Ủy viên chuyên trách - Ủy ban Tài chính Quốc hội.

Hội thảo có sự tham dự của các Bộ, ngành trung ương, Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước (bao gồm các đơn vị thành viên), các chuyên gia và cơ quan báo chí truyền thông.

Lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có sự tham dự của ông Nguyễn Văn Mậu, Thành viên HĐTV; ông Dương Mạnh Sơn, Phó Tổng Giám đốc và các Ban, đơn vị liên quan.

Đại diện Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) có ông Trương Hồng Sơn, Thành viên HĐQT và bà Trần Thị Kim Liên, Trưởng Ban Pháp chế. 

Đề xuất trích tối đa 80% lợi nhuận sau thuế vào Quỹ đầu tư phát triển để tại doanh nghiệp

Một trong những nội dung đáng chú ý, được nhiều đơn vị quan tâm là tỉ lệ trích lập Quỹ đầu tư phát triển để lại doanh nghiệp. Theo cơ quan soạn thảo, tiếp thu ý kiến các cấp có thẩm quyền và doanh nghiệp trong quá trình đề nghị xây dựng luật, hiện nay có 03 phương án đề xuất gồm trích tối đa 50% lợi nhuận sau thuế; trích tối đa 80% lợi nhuận sau thuế; để lại 100% lợi nhuận sau thuế, trong đó phương án trích tối đa 80% lợi nhuận sau thuế là Phương án cơ sở để tiếp tục trình các cấp có thẩm quyền xem xét.Tại Hội thảo, đa số các ý kiến đồng tình với phương án trích tối đa 80% lợi nhuận sau thuế, vừa tạo điều kiện cho doanh nghiệp có nguồn vốn để chủ động sử dụng trong đầu tư và tái đầu tư, qua đó nâng cao hiệu quả đầu tư từ vốn Nhà nước, vừa có thể sử dụng lợi nhuận sau thuế vào các mục đích khác như đóng góp bổ sung cho Nhà nước. Phát biểu góp ý vào dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (Luật 69 Sửa đổi), về trích lập Quỹ đầu tư để phát triển, Lãnh đạo Petrovietnam đồng ý với các phương án trích Quỹ đầu tư phát triển như trên, đồng thời đề xuất nguồn vốn để lại doanh nghiệp thì doanh nghiệp phải bảo toàn, không nên điều chuyển, vì đây là nguồn vốn để phát triển rất quan trọng sau này và dành cho những tình huống rủi ro. Kinh nghiệm cho thấy những doanh nghiệp đứng vững trong thời điểm khủng hoảng vừa qua là do tích luỹ từ quỹ này.

 Ông Trương Hồng Sơn, Thành viên HĐQT PV GAS phát biểu 

Cùng quan điểm với Lãnh đạo Petrovietnam, lãnh đạo PV GAS đồng ý đề xuất của cơ quan soạn thảo về trích Quỹ đầu tư phát triển là hợp lý, cả ba phương án hiện nay đều cao hơn so với tỷ lệ trích tối đa 30% lợi nhuận sau thuế theo Luật 69 và dự thảo năm 2023 của Luật 69 Sửa đổi; góp phần mang lại nguồn vốn  đầu tư cho PV GAS (nếu là đối tượng áp dụng của Luật) với nhu cầu đến năm 2035 có thể từ 150 - 200 nghìn tỷ đồng để thực hiện Chiến lược phát triển thị trường khí, tiếp tục củng cố hệ thống hạ tầng khí, đặc biệt là kho cảng LNG, …

Tăng cường phân cấp, phân quyền cho doanh nghiệp

Dự thảo Luật định hướng nguyên tắc Nhà nước xác định là một nhà đầu tư vốn tại doanh nghiệp, không can thiệp vào hoạt động và quản trị của doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo các đại biểu, nếu quản lý theo dòng vốn theo nguyên tắc vốn đầu tư đến đâu, quản lý đến đó thì có thể mở rộng đối tượng quản lý đến cấp F2, F3…, tức là công ty con, công ty cháu của doanh nghiệp có vốn trực tiếp của nhà nước, nên xem xét quản lý theo quy mô vốn. 

Lãnh đạo PV GAS đề nghị Luật 69 Sửa đổi không mở rộng đối tượng áp dụng đến các công ty F2 như PV GAS vì nếu vậy sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động và sức cạnh tranh của doanh nghiệp với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác; đồng thời tạo thêm gánh nặng công việc cho các cơ quan quản lý nhà nước. Về quản trị doanh nghiệp và hình thức, trình tự, thủ tục đầu tư, đại diện PV GAS cũng đề xuất nên thực hiện theo Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, vừa tránh trùng lặp các quy định pháp luật, vừa tạo sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp. 

Tại Hội thảo, một số đại biểu đồng tình với việc không nên quy định các công ty F2 là đối tượng áp dụng của Luật 69 Sửa đổi; một số đại biểu cho rằng có thể mở rộng đối tượng áp dụng đến công ty F2, song cần thực hiện với tăng cường phân cấp, phân quyền và chủ yếu giao công ty mẹ của công ty F2 quản lý, phê duyệt để các doanh nghiệp linh hoạt và hoạt động theo cơ chế thị trường. Đại diện cơ quan soạn thảo cho rằng một số công ty F2 rất lớn, có tác động mạnh đến nền kinh tế, cơ quan soạn thảo sẽ nghiên cứu tiếp thu ý kiến của các đại biểu và sẽ tiếp tục xem xét, thảo luận, đặc biệt về phân cấp, phân quyền, theo tinh thần vừa quản lý dòng vốn nhà nước hiệu quả, vừa đảm bảo tính chủ động, linh hoạt của các doanh nghiệp.

 https://www.pvgas.com.vn/bai-viet/artmid/576/articleid/13891/pv-gas-tham-gia-hoi-thao-du-thao-luat-quan-ly-va-dau-tu-von-nha-nuoc-tai-doanh-nghiep

 

Ngày đăng: 18:39 | 15/07/2024

PV / Cổng thông tin điện tử PV GAS