Trải qua gần 33 năm hình thành và phát triển, Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) đã đảm bảo an toàn tuyệt đối trong mọi hoạt động sản xuất kinh doanh, không để xảy ra bất cứ sự cố hay vụ việc cháy nổ nghiêm trọng nào, ảnh hưởng đến con người, môi trường và tài sản. Đây là kết quả đầy nỗ lực trong bối cảnh các nguy cơ, rủi ro ảnh hưởng đến công tác an toàn ngày càng nhiều, phức tạp.

Thách thức với công tác an toàn trong tình hình mới

Hiện tại, PV GAS đang quản lý, vận hành 5 hệ thống vận chuyển và phân phối khí bao gồm: Hệ thống khí Cửu Long, Hệ thống khí Nam Côn Sơn, Hệ thống khí PM3 - Cà Mau, Hệ thống khí Hàm Rồng - Thái Bình và Hệ thống khí Nam Côn Sơn 2 với tổng chiều dài trên 1.400 km đường ống, 3 Nhà máy xử lý khí; 4 trung tâm phân phối khí; 3 trạm phân phối khí; Hệ thống kho chứa với tổng công suất trên 100 ngàn tấn với các cảng xuất nhập, cung cấp khí hóa lỏng (LPG) rộng khắp cả nước. Dự kiến, trong năm 2023, PV GAS sẽ đưa vào vận hành hệ thống cảng nhập, kho chứa LNG đầu tiên tại Việt Nam với công suất 1 triệu tấn LNG/năm tại Khu công nghiệp Cái Mép, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Hội nghị ATSKMT PV GAS 2023 dành nhiều thời gian cho phiên thảo luận về những vấn đề đảm bảo công tác ATSKMT trong toàn TCT

Do đặc thù ngành công nghiệp khí luôn tiềm ẩn rủi ro cháy nổ cao nên trong quá trình SXKD, PV GAS luôn ý thức rằng công tác đảm bảo an ninh, an toàn là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu - kim chỉ nam xuyên suốt mọi hoạt động. Trong tình hình mới với nhiều khó khăn, phức tạp phát sinh, việc triển khai các nhiệm vụ công tác an ninh, an toàn, sức khỏe, môi trường hàng năm là thách thức không nhỏ. 

Đến nay, hệ thống đường ống và thiết bị của PV GAS đã đưa vào vận hành nhiều năm, có công trình gần 30 năm; nhiều thiết bị cũ, có nguy cơ gây mất an toàn. Bên cạnh đó, công trình khí liên tục được mở rộng và đầu tư xây dựng mới, có nhiều hoạt động bảo dưỡng sửa chữa (BDSC) tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến công tác an toàn.

Các đơn vị trực thuộc và thành viên PV GAS thường xuyên tổ chức các sự kiện ATSKMT nhằm duy trì và phát triển Văn hóa An toàn trong mọi hoạt động SXKD

Việc áp dụng hệ thống quản lý an toàn công nghệ tại các đơn vị vận hành các công trình khí phức tạp như KVT, KĐN, KCM, KHP mới là bước đầu và cần phải cải tiến nhiều trong thời gian tới cũng như mở rộng ra cho các đơn vị quản lý dự án, BDSC. 

Vi phạm an ninh, an toàn hành lang tuyến ống vẫn còn tiềm ẩn rủi ro với đặc thù các hệ thống đường ống dẫn khí có phạm vi rộng, đặc biệt đối với tuyến ống biển kéo dài và nằm trong các vùng biển có nhiều hoạt động hàng hải như: vận tải biển, hoạt động dầu khí, khai thác thủy sản,…. Cùng với sự phát triển kinh tế xã hội, các công trình, các khu đô thị ngày càng mở rộng và xây dựng gần sát/giao cắt với khu vực hành lang an toàn công trình khí làm gia tăng các rủi ro về an ninh, an toàn công trình. Không chỉ thế, mật độ giao thông đường thủy, đường bộ ngày càng cao với các tàu, xe có tải trọng lớn, nên các nguy cơ tai nạn giao thông đường bộ, đường thủy cũng như va đụng tàu thuyền vào cầu cảng ngày càng cao, đặc biệt khi Dự án LNG đưa vào khai thác.

Hệ thống văn bản pháp luật thay đổi nhiều, đòi hỏi ngày càng khắt khe nên việc tuân thủ gặp nhiều khó khăn về trình tự thủ tục, yêu cầu về thời gian thực hiện. Đặc biệt, trong quá trình phát triển, PV GAS có nhiều dự án xây mới, cải hoán, đấu nối quy mô khác nhau nên việc xây dựng, trình duyệt các thủ tục pháp lý phát sinh nhiều khó  khăn.Trong đó, năm 2022 và năm 2023, theo Luật Môi trường mới, PV GAS cần phải bổ sung thêm các giấy phép cho các công trình khí đang hoạt động. 

Duy trì hiệu quả công tác an toàn đóng góp vào kết quả SXKD

Trong bối cảnh đó, PV GAS luôn tập trung cao độ, đặt công tác an toàn lên hàng đầu trong các nhiệm vụ trọng tâm hàng năm, với mục tiêu ngăn ngừa và tiếp tục đảm bảo không có thiệt hại về con người, tài sản, môi trường trong mọi hoạt động SXKD. Việc làm tốt công tác an toàn góp phần quan trọng, giúp PV GAS luôn hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ SXKD được giao, giữ vững vị trí chủ đạo trong ngành công nghiệp khí Việt Nam. 

Đến hết năm 2022, PV GAS đã tiếp nhận và xử lý 164,606 tỷ m3 khí ẩm; cung cấp 156,994 tỷ m3 khí khô; 2,055 triệu tấn condensate và 19,529 triệu tấn LPG cho khách hàng. Trong năm 2022 PV GAS đã cung cấp khí ổn định để sản xuất trên 11% sản lượng điện, khoảng 70% sản lượng phân đạm và đáp ứng gần 70% thị phần LPG trên toàn quốc; lập kỷ lục về doanh thu, lợi nhuận.Hiện nay, PV GAS duy trì áp dụng Hệ thống quản lý tích hợp An toàn – Chất lượng – Môi trường đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của tiêu chuẩn đưa ra, được tổ chức BSI chứng nhận phù hợp với các quy định của bộ tiêu chuẩn ISO 9001:2015; ISO 14001:2015 và 45001:2018.

Trong năm 2022, Tổng công ty đã hoàn thành cơ bản việc triển khai xây dựng và áp dụng Hệ thống quản lý an toàn công nghệ tại các đơn vị vận hành các công trình khí lớn như KVT, KCM, KĐN, KHP. Hệ thống PSM được tích hợp với hệ thống quản lý AT-CL-MT tại các đơn vị đảm bảo tính thống nhất, tinh gọn. Công tác vận hành các công trình khí luôn được đảm bảo an toàn, liên tục và hiệu quả, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch. 2022 là năm thứ 5 liên tiếp độ tin cậy của các hệ thống khí đều đạt 100%.

PV GAS cũng hoàn thành tốt công tác BDSC trong nhiều đợt dừng khí hệ thống khí PM3 - Cà Mau, Cửu Long, Nam Côn Sơn, Hàm Rồng - Thái Bình; đưa các hệ thống khí vào vận hành an toàn sớm hơn tiến độ, góp phần làm lợi khoảng 35,8 tỷ đồng do rút ngắn thời gian BDSC và tiếp nhận khí sớm hơn kế hoạch. PV GAS cũng tổ chức thành công Hội thao PCCC&CNCH với sự tham gia của tất cả các đơn vị trong toàn TCT; 1.055 lượt diễn tập các phương án ứng cứu khẩn cấp (ƯCKC) nội bộ, 52 lần diễn tập các phương án ƯCKC có sự tham gia của cảnh sát PCCC và các đơn vị liên quan.

Năm 2022, PV GAS tổ chức thành công Hội thao PCCC&CNCH; 1.055 lượt diễn tập các phương án ƯCKC nội bộ, 52 lần diễn tập các phương án ƯCKC có sự tham gia của cảnh sát PCCC và các đơn vị liên quan

Công tác an toàn trong đầu tư xây dựng được quan tâm thực hiện đầy đủ. Đặc biệt, Dự án Kho chứa LNG 1 triệu tấn Thị Vải, Dự án trạm xuất xe bồn LNG Thị Vải, Dự án trạm giảm áp Thị Vải được thực hiện nghiêm ngặt, phối hợp chặt chẽ với nhà thầu xây lắp, đơn vị vận hành, thực hiện đầy đủ các quy định đảm bảo an toàn trong quá trình thực hiện công việc, trong quá trình thi công, đấu nối đảm bảo an toàn tuyệt đối. 

Công tác Y tế - Vệ sinh Lao động cũng đạt nhiều kết quả tốt. Đặc biệt năm 2022 công tác khám sức khỏe định kỳ được nâng cao về chất lượng và nội dung khám làm cho người lao động yên tâm công tác, góp phần duy trì ổn định hoạt động SXKD của Tổng công ty. 

Tổng công ty phối hợp tốt với Chính quyền địa phương, Công an, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Tổng cục Thủy sản, các đơn vị trong ngành và các bên liên quan khác,... duy trì công tác đảm bảo an ninh, an toàn các công trình khí.

Công tác chuyển đổi số tiếp tục được đẩy mạnh, PV GAS áp dụng tốt các phần mềm quản lý điều hành cho chữ ký số, ứng dụng Microsoft Teams, phần mềm điều tra tai nạn sự cố, phần mềm quản lý an toàn xe bồn… để phát huy hiệu quả công tác quản lý và nâng cao năng suất lao động. Song song đó, PV GAS đã chú trọng thực hiện đầy đủ các biện pháp nhằm đảm bảo công tác an toàn thông tin, an ninh mạng, không ngừng thực hiện các biện pháp ngăn ngừa để không xảy ra sự cố.

Không ngừng nâng cấp, cải tiến

Năm 2023, PV GAS đưa các dự án trọng điểm như kho LNG 1 triệu tấn tại Thị Vải, Trạm xuất xe bồn LNG và đường ống dẫn khí Thị Vải - Phú Mỹ vào vận hành/khai thác, nhằm gia tăng doanh số. Đặc biệt, sản phẩm mới LNG lần đầu tiên được đưa vào sử dụng tại Việt Nam để tăng thêm khối lượng công việc vận hành và BDSC trong SXKD. Những thay đổi này cũng sẽ làm phát sinh những rủi ro mới.

Trong tình hình đó, PV GAS tập trung tối đa mọi nguồn lực, duy trì việc vận hành an toàn, hiệu quả và đảm bảo công tác an ninh, an toàn các công trình khí hiện hữu, công trình/dự án mới đưa vào vận hành, thi đua hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch năm 2023 đã đề ra. Trong đó, PV GAS sẽ tăng cường, bổ sung các biện pháp kiểm soát rủi ro, nguy cơ gây mất an toàn một cách hiệu quả và toàn diện trong tất cả các hoạt động của mình. 

PV GAS sẽ  tiếp tục cải tiến hệ thống quản lý AT-CL-MT theo hướng tinh gọn, đơn giản bớt các thủ tục quy định phức tạp, không cần thiết, nâng cao tính thực thi, hướng tới khách hàng và tăng cường quản lý chất lượng;… Đồng thời, PV GAS cũng tập trung xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý môi trường và trách nhiệm xã hội theo tiêu chuẩn SA 8000 và ISO 14064 để nâng cao thương hiệu, vị thế của doanh nghiệp; Định hình rõ nội hàm về Văn hóa an toàn trong toàn TCT, đưa ra các giải pháp, lộ trình cụ thể và nỗ lực triển khai để sớm hoàn thiện văn hoá an toàn trong toàn PV GAS.

Đặc biệt, gắn với hoạt động SXKD mới, PV GAS sẽ phối hợp với các bên liên quan, chuẩn bị các thủ tục, các quy định an toàn; quy trình vận hành đảm bảo quá trình chạy thử Dự án Kho chứa LNG 1 triệu tấn Thị Vải an toàn, đúng tiến độ đề ra; Tiếp tục phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước trong việc xây dựng các quy chuẩn liên quan đến lĩnh vực LNG làm cơ sở trong việc triển khai, quản lý, đảm bảo an toàn cho các công trình khí của PV GAS trong tương lai; Chủ động làm việc với Bộ GTVT/Cục Đăng kiểm Việt Nam để hoàn thiện các văn bản pháp luật liên quan đến việc vận chuyển LNG bằng xe bồn, đảm bảo hành lang pháp lý khi TCT tổ chức phân phối LNG cho khách hàng công nghiệp bằng xe bồn;...

Có thể thấy, đảm bảo công tác an ninh, an toàn cho hệ thống công trình khí đồ sộ và hoạt động SXKD không ngừng được mở rộng là nỗ lực rất lớn của PV GAS. Phát huy những kết quả đạt được trong gần 33 năm qua và nhất quán quan điểm chỉ đạo xuyên suốt “an toàn là mục tiêu hàng đầu trong nhiệm vụ SXKD”, PV GAS không ngừng cải tiến, nâng cấp hệ thống an toàn, sức khỏe, môi trường, nâng cao vai trò và tinh thần trách nhiệm của từng cán bộ lãnh đạo và từng CBCNV, phát huy Văn hoá doanh nghiệp, Văn hóa an toàn,… góp phần đảm bảo hiệu quả và sự phát triển bền vững của PV GAS. 

https://www.pvgas.com.vn/bai-viet/pv-gas-khong-ngung-cai-tien-dam-bao-hieu-qua-cong-tac-an-toan

Ngày đăng: 10:13 | 14/04/2023

PV / Cổng thông tin điện tử PV GAS