Những năm qua, ngành giao thông Hà Nội đã có nhiều nỗ lực xóa điểm đen ùn tắc giao thông, nhưng tốc độ xe cá nhân tăng quá nhanh trong khi hạ tầng đầu tư còn hạn chế khiến "cuộc chiến" chống ùn tắc rơi vào tình trạng “xóa chỗ này phình chỗ khác”.

Gần 7,8 triệu ô tô/ xe máy đăng ký trên địa bàn Hà Nội

Báo cáo UBND TP Hà Nội về tình hình ùn tắc giao thông năm 2022, Sở GTVT Hà Nội cho biết, hiện tại, mạng lưới vận tải khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn TP gồm 154 tuyến, mạng lưới xe buýt tiếp cận đến 30/30 quận, huyện, thị xã đạt 100%. Tỷ lệ vận tải khách công cộng hiện nay đạt được khoảng 17,8%.

Trong khi đó, tính đến tháng 11/2022, địa bàn thành phố có tổng số 7.784.657 phương tiện giao thông, trong đó ô tô 1.056.423, xe máy 6.545.317, xe máy điện 182.917, chưa kể khoảng 1,2 triệu phương tiện từ các tỉnh, thành phố tham gia giao thông tại TP Hà Nội. Như vậy, tốc độ gia tăng trung bình khoảng từ 4-5%/năm.

Phương tiện cá nhân tăng chóng mặt, Hà Nội vẫn còn 35
 

Ùn tắc giao thông trên địa bàn Hà Nội ngày một diễn biến phức tạp

Theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 519/QĐ-TTg ngày 31/03/2016, để đảm bảo giao thông vận tải Thủ đô đáp ứng được các yêu cầu: tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông phải đạt từ 20%-26%; diện tích đất dành cho giao thông tĩnh đạt 3-4%, tỷ lệ vận tải khách công cộng phải đạt được từ 50-55%.

"Theo Sở GTVT, hiện nay, tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông trên diện tích đất xây dựng đô thị mới đạt được khoảng 10,07%; diện tích đất dành cho giao thông tĩnh chưa được 1%; tỷ lệ vận tải khách công cộng đạt được khoảng 17,8%.

Trong khi đó hàng năm các phương tiện giao thông gia tăng từ 4-5%/năm, vì vậy tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn TP là không thể tránh khỏi và diễn biến ngày càng phức tạp, đòi hỏi cần phải có các giải pháp đột phá để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông".

Đến hết tháng 11/2022, số điểm thường xuyên ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm năm 2022 là 35 điểm, các điểm ùn tắc tập trung chủ yếu trong khu vực nội thành từ vành đai 3 trở vào.

Xóa 8 điểm đen, dự kiến "phình" 10 điểm

Từ đầu năm đến nay Sở GTVT đã chủ trì, phối hợp với CATP Hà Nội, UBND các quận huyện và các đơn vị liên quan tập trung xử lý được 8/35 điểm thường xuyên ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm như ngã tư Linh Đường - Nguyễn Hữu Thọ, nút giao Trần Duy Hưng - Hoàng Minh Giám - Nguyễn Chánh….

Dù vậy, theo nhận định của Sở GTVT Hà Nội, trên cơ sở theo dõi đánh giá giao thông trên địa bàn thành phố và tiến độ triển khai các dự án của các chủ đầu tư trên địa bàn thành phố, dự kiến phát sinh 10 điểm thường xuyên ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm.

Phương tiện cá nhân tăng chóng mặt, Hà Nội vẫn còn 35

Trong khi đó, nhiều dự án triển khai thi công ì ạch, quây tôn rào đường gây ùn tắc giao thông

Cụ thể như, đường Nguyễn Xiển đoạn từ đường Nguyễn Trãi đến đường bao quanh Khu tưởng niệm Chu Văn An; đường Nguyễn Trãi (đoạn từ ngõ 495 đến đường Nguyễn Xiển); khu vực Ngã ba Kim Đồng – Giải Phóng; ngã tư Hồ Tùng Mậu – Mai Dịch; khu vực ngã tư Phùng Hưng – Tô Hiệu (Hà Đông)...

Giảm ùn tắc cần đồng bộ

Lãnh đạo Sở GTVT nhận định, một số nguyên nhân dẫn tới tình trạng ùn tắc giao thông diễn biến phức tạp trên địa bàn TP, trong đó với số lượng phương tiện giao thông đều tăng hàng năm, mật độ phương tiện tham gia giao thông trên các tuyến đường cao, kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ không theo kịp dẫn đến quá tải hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông.

Trong khi đó, việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông chưa đồng bộ theo quy hoạch, trong đó tập trung đầu tư đầu tư hoàn chỉnh các tuyến đường vành đai; các tuyến trục chính có tính kết nối: Nguyễn Hoàng Tôn; Nguyễn Tam Trinh; Lĩnh Nam; Đường 70...; các cầu qua sông Hồng (cầu Trần Hưng Đạo; cầu Tứ Liên...) và các cầu khác qua sông để tăng tính kết nối.

Ngoài ra, nhiều công trình được thực hiện trên địa bàn TP, đặc biệt khu vực trung tâm, quá trình tổ chức thi công các công trình trên đường giao thông gây thu hẹp mặt cắt các tuyến đường, dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông.

Các tuyến đường giao thông trục chính, các cầu lớn có mật độ phương tiện tham gia giao thông lớn, các nút giao, trục đường có nhiều giao cắt với các ngõ, đường ngang gây xung đột giao thông dẫn đến chỉ cần xảy ra một sự cố va chạm giao thông, TNGT cũng dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông.

 Thêm vào đó, ý thức chấp hành pháp luật giao thông của một bộ phận người dân còn chưa cao, thường xuyên vi phạm giao thông, lấn chiếm vỉa hè lòng đường làm nơi kinh doanh, họp chợ.

“Với các nguyên nhân cơ bản gây ùn tắc giao thông do mật độ giao thông cao, hạ tầng giao thông chưa được đầu tư đồng bộ, ý thức của của một bộ phận người dân khi tham gia giao thông chưa cao. Để giải quyết triệt để, ổn định tình hình ùn tắc giao thông trên địa bàn TP, cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp cơ bản, lâu dài”- lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội nhìn nhận.

Cụ thể như, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó tập trung đầu tư hoàn chỉnh các tuyến đường vành đai; các tuyến trục chính có tính kết nối và các cầu khác qua sông để tăng tính kết nối;

Tăng cường phát triển vận tải hành khách công cộng để hạn chế phương tiện giao thông cá nhân nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường;

Nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật giao thông cho người tham gia giao thông, từng bước xây dựng văn hóa giao thông;

Tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực giao thông, vận tải; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành giao thông vận tải, từng bước xây dựng hệ thống giao thông thông minh…

Trước mắt, Sở GTVT sẽ chủ trì, phối hợp với CATP Hà Nội, UBND các quận, huyện, thị xã và các Sở, ngành liên quan rà soát các vị trí giao cắt gây xung đột giao thông để bố trí lực lượng chốt trực hướng dẫn giao thông nhằm giảm ùn tắc.

Cùng đó, sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực giao thông vận tải, xử lý tình trạng các phương tiện cố tình đi ngược chiều, vượt đèn đỏ, đi xe lên vỉa hè… coi đây là giải pháp tích cực nhằm xử lý nghiêm các vi phạm, tạo hiệu quả răn đe các hành vi vi phạm, nâng cao ý thức người tham gia giao thông;

Nghiên cứu xén mở rộng tối đa mặt đường tăng khả năng thông hành cho các phương tiện lưu thông; Xén mở rộng các nút giao, tạo các nhánh rẽ phải liên tục giảm bớt lưu lượng phương tiện dừng chờ tại nút…

https://www.anninhthudo.vn/phuong-tien-ca-nhan-tang-chong-mat-ha-noi-van-con-35-diem-den-un-tac-giao-thong-post524319.antd

Ngày đăng: 10:40 | 29/11/2022

Ngân Tuyền / anninhthudo.vn