Mặc dù, cam kết hỗ trợ Ukraine một triệu viên đạn trong vòng một năm để giúp nước này đẩy lùi chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga, các nhà sản xuất vũ khí của Liên minh châu Âu (EU) vẫn chưa thể đạt được sản lượng cần thiết để chạm đến mục tiêu đó vào tháng 3-2024.

ftcms_eb3241b6-9645-4849-a8b9-e6d7815f6a97.jpg
Nhiều loại vũ khí phương Tây đang có mặt trên khắp tiền tuyến tại Ukraine.

Thủ tướng Estonia Kaja Kallas - người đầu tiên đề xuất mục tiêu - cho biết bên lề hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo EU hồi tuần trước: “Tôi cũng rất lo lắng về việc sản xuất đạn dược. Lời hứa mà chúng tôi đã đưa ra với Ukraine là cung cấp 1 triệu viên đạn pháo... đã bị chậm lại”.

Ủy ban châu Âu (EC) đã giao 223.800 quả đạn pháo cho Ukraine kể từ ngày 31-5-2023, theo kế hoạch hoàn trả cho các quốc gia đã đồng ý gửi hàng tồn kho của họ tới Kiev.

Việc tăng cường nguồn cung được đánh giá là đang diễn ra rất chậm. Tháng trước, Bộ trưởng Lực lượng Vũ trang Pháp Sébastien Lecornu cho biết, kể từ năm 2024, Pháp có thể sẽ gửi khoảng 3.000 viên đạn loại 155mm tới Kiev mỗi tháng - tăng từ mức 1.000 viên/tháng hiện nay - khi các nhà thầu quốc phòng như Nexter và Eurenco tăng cường sản xuất. Tuy nhiên, con số này vẫn chỉ lên mức 36.000 viên đạn/năm từ Pháp.

Một bảng kê chính thức về viện trợ quân sự của Đức cho Ukraine cũng cho thấy viễn cảnh ảm đạm tương tự: 27.500 viên đạn 155mm mới chỉ được lên kế hoạch để chuyển giao, trong khi chưa đến 19.000 quả đạn nổ 155mm cùng một lượng nhỏ hơn đáng kể loại đạn dẫn đường chính xác 155mm là đã được chuyển giao. Đây là một phần quá nhỏ so với nhu cầu hằng tháng của Ukraine.

“1 triệu viên đạn vẫn là một mục tiêu chính trị quan trọng” - Peter Stano, người phát ngôn của EC, nói, đồng thời cho biết thêm rằng, các bộ trưởng của khối sẽ có cơ hội tập trung cho mục tiêu tại cuộc họp ở Brussels vào ngày 14-11 tới.

3000.jpg
Bảo đảm nguồn cung đạn dược cho Kiev đang là vấn đề khiến nhiều bên "đau đầu".

Một tín hiệu đầy hứa hẹn với Kiev lúc này là 7 nước EU đã đặt mua đạn dược thông qua chương trình mua sắm chung nhanh chóng mới của Cơ quan Quốc phòng châu Âu (EDA).

Lucie Béraud-Sudreau từ Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, bình luận với Politico: “Ngành công nghiệp sẽ luôn nói với bạn rằng điều đó không bao giờ là đủ, nhưng tiền vẫn đang chảy vào. Chúng tôi luôn phải đối mặt với vấn đề trễ thời gian. Các chính phủ cần lập ngân sách và vẫn còn một năm nữa trước khi các hợp đồng được ban hành”.

Bất chấp việc giao hàng chậm trễ, Ukraine được cho là lần đầu tiên vượt qua Nga về số lượng đạn pháo bắn ra mỗi ngày.

Theo lực lượng vũ trang Ukraine, vào thời điểm chiến sự mới nổ ra hồi tháng 2-2022, quân đội Nga bắn 63.000 quả đạn pháo mỗi ngày vào lực lượng Ukraine, so với 4.000 quả ở chiều ngược lại. Nhưng tính đến tháng 10 năm nay, tình thế đã thay đổi: Ukraine tung ra 9.000 tên lửa mỗi ngày so với 7.000 tên lửa của Nga.

Petro Chernyk, nhà phân tích quân sự Ukraine, cho biết: “Người Nga vẫn đứng đầu thế giới về sản xuất đạn pháo mỗi tháng - 125.000 quả”. Ông cho biết thêm, năng suất của Mỹ sẽ chỉ tăng lên 80.000 đạn pháo/tháng vào năm 2025.

Các đồng minh của Ukraine đang cố gắng bổ sung sản lượng mới. Bộ trưởng công nghiệp chiến lược Ukraine, Oleksandr Kamyshin, thừa nhận trong một cuộc phỏng vấn với Politico rằng, việc khai thác toàn bộ năng lực toàn cầu hiện có vẫn là “không đủ” để cung cấp đạn dược cho lực lượng của Kiev.

Tập đoàn quốc phòng khổng lồ Rheinmetall của Đức đã mua lại Expal Systems - một nhà sản xuất vũ khí và đạn dược của Tây Ban Nha hồi tháng 8 năm nay. Thương vụ này nhằm mục đích tăng sản lượng đạn dược của Rheinmetall, đặc biệt là súng cối, đạn pháo và thuốc phóng.

Đến tháng 10 vừa qua, công ty đã công bố 2 đơn đặt hàng đạn pháo: Một đơn đặt mua “hàng chục nghìn” đạn 155mm dành riêng cho Ukraine, đơn khác cho hơn 150.000 quả đạn pháo 155mm do Expal sản xuất.

Tuy nhiên, theo Rheinmetall, chỉ vài chục nghìn quả đạn pháo trong số đó sẽ đến được Ukraine vào cuối năm nay, số còn lại dự kiến ​​sẽ đến vào năm tới.

Ukraine cũng đã ký thỏa thuận với PGZ của Ba Lan để sản xuất đạn pháo 125mm cho xe tăng. Bên cạnh đó, Kiev cũng đang tìm cách sản xuất thêm đạn dược trong nước. Vào tháng 9, Văn phòng Cartel liên bang Đức đã phê duyệt liên doanh giữa Rheinmetall và Công nghiệp Quốc phòng Ukraine - một tập đoàn thuộc sở hữu nhà nước.

Theo khẳng định của Ủy viên phụ trách thị trường nội khối EU Thierry Breton, một lý do khiến mục tiêu triệu viên đạn vẫn chưa đạt được là bởi các nước thành viên là Đức và Pháp không đồng ý đưa đạn được sản xuất bên ngoài khối vào. Nếu không thể tiếp cận các nhà máy ngoài EU, các giám đốc điều hành quốc phòng cho biết, họ cần các hợp đồng dài hạn để hợp thức hóa việc đầu tư vào dây chuyền sản xuất mới.

Việc không thể gia tăng sản xuất nhanh chóng để thích ứng với cuộc chiến ở Ukraine một phần đến từ kiến ​​trúc an ninh có từ thời Chiến tranh Lạnh. Các nhà hoạch định quân sự phương Tây được cho là đã mặc định rằng một cuộc chiến tranh với Liên Xô sẽ chỉ kéo dài vài tuần trước khi vũ khí hạt nhân được triển khai, có nghĩa là không có kỳ vọng nào về tình trạng căng thẳng kéo dài kiểu Thế chiến I như hiện nay ở Ukraine.

Khi các cường quốc phương Tây tham chiến, họ cũng gặp phải những xung đột rất khác so với những gì đang xảy ra ở Ukraine. Hành động quân sự của Anh ở Bắc Ireland, sự can thiệp của Pháp ở Tây Phi, hay các cuộc xâm lược Afghanistan và Iraq do Mỹ hậu thuẫn đều không giống với cuộc chiến Nga - Ukraine đang sử dụng pháo binh hạng nặng.

230801103523-01-ukraine-f-16-training-delay.jpg
Bên cạnh trang bị vũ khí, phương Tây cũng đang đẩy mạnh huấn luyện binh sĩ Ukraine sử dụng các loại khí tài hiện đại.

Chuyên gia Taylor từ RUSI cho biết, với áp lực giảm chi tiêu quốc phòng phổ biến ở các thành viên châu Âu của NATO, chi tiêu cho đạn dược đã giảm. Tệ hơn nữa, nhiều quân đội phương Tây đang sử dụng các hệ thống vũ khí khác nhau, làm tăng chi phí. Chẳng hạn, chương trình mua sắm chung của EDA phải áp dụng cho 4 bệ bắn 155mm gồm Caesar của Pháp, Krab của Ba Lan, Panzerhaubitze 2000 của Đức và Zuzana của Slovakia.

Người đứng đầu ủy ban quân sự của NATO, Đô đốc người Hà Lan Rob Bauer, nói với Reuters rằng, chi phí sản xuất một quả đạn pháo đơn giản đã tăng từ 2.000 euro trước khi Nga tiến hành chiến dịch ở Ukraine, lên 8.000 euro như lúc này do nhu cầu bùng nổ. Ông nhận định, có ít nhất 14 loại đạn 155mm khác nhau và khi các nước tăng cường chi tiêu quốc phòng thì việc tiêu chuẩn hóa thiết kế là điều bắt buộc.

Chuyên gia Taylor bình luận: “Có quá nhiều người, ngay cả trong các chính phủ, nghĩ rằng có thể thúc đẩy sản xuất vũ khí giống như thúc đẩy sản xuất xe đạp. Hãy từ bỏ suy nghĩ đó đi”.

https://hanoimoi.vn/phuong-tay-vien-tro-vu-khi-cho-ukraine-luc-bat-tong-tam-647061.html

Ngày đăng: 08:52 | 12/11/2023

Trọng Nhân / HNM.com.vn