Nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào, dân số trẻ hăng hái làm việc và các cải cách kinh tế xuyên biên giới đã đưa châu Phi trở thành một chủ thể quan trọng trong thương mại toàn cầu thế kỷ XXI.
Trong thập kỷ qua, Nga, Trung Quốc và các nước khác bắt đầu tăng cường đầu tư vào châu Phi, khiến ảnh hưởng của phương Tây tại châu lục này dần suy giảm. Tuy nhiên, điều đó không ngăn được dòng USD và euro vẫn tiếp tục “chảy” vào châu Phi để đầu tư vào các lĩnh vực như nông nghiệp, năng lượng và khoáng sản đất hiếm - những lĩnh vực đang chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ tại châu lục.
Nhà kinh tế chính trị Menzi Ndlovu nói với DW: "Mối quan tâm dành châu Phi đã đạt đỉnh trong 10 năm qua. Và, điều đặc biệt thú vị về đỉnh mới này là bạn thấy những chủ thể mới đang xuất hiện". Ông nhấn mạnh rằng, ảnh hưởng của phương Tây ở châu Phi không chỉ bị Bắc Kinh và Moscow thách thức. Từ văn phòng của mình ở Cape Town, ông nói: "Bạn thấy các quốc gia như Ấn Độ hay Saudi Arabia đang nỗ lực (tăng cường ảnh hưởng của mình ở châu Phi) và đặc biệt, Trung Quốc hiện là chủ thể nước ngoài có ảnh hưởng nhất tại châu Phi”.
Nhu cầu tìm kiếm cơ hội đầu tư
Nhưng, bất chấp việc cạnh tranh để kiểm soát các cơ hội đầu tư nước ngoài trên lục địa này, phương Tây và các chủ thể mới nổi tại khu vực đang phải xác định lại mối quan hệ của họ với các quốc gia châu Phi trong thế kỷ XXI nhằm ngăn châu lục này rơi vào một cuộc chiến thương mại toàn diện.
Adjoa Adjei-Twum - người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của EBII - một công ty tư vấn quản lý rủi ro - cho biết: "Nếu nhìn vào Chính phủ Mỹ, bạn sẽ thấy có nhiều sự quan tâm hơn (đến châu Phi). Chính phủ này đã nỗ lực thành lập các cơ quan khác nhau để thực hiện những bước đi bổ sung nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác thay vì chỉ viện trợ cho châu Phi".
Mặc dù đầu tư trực tiếp nước ngoài vào châu Phi đã có nhiều biến động trong thập kỷ qua, song xu hướng chung cho thấy châu lục này ngày càng được quan tâm. Theo số liệu của Liên hợp quốc, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào châu Phi đã đạt mức kỷ lục 83 tỷ USD vào năm 2021. Con số này cao gấp đôi so với mức được báo cáo vào năm 2020.
Tăng cường đầu tư vào năng lượng
Từ dầu mỏ đến cơ sở hạ tầng và nông nghiệp, sự quan tâm dành cho châu Phi ngày càng tăng, đặc biệt là trong bối cảnh xảy ra nhiều sự kiện toàn cầu lớn.
Kể từ khi Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” nhằm vào Ukraine, các nước phương Tây đã chuyển hướng sang ngành năng lượng của châu Phi nhằm mục đích thoát khỏi sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga. Cai Nebe, một nhà báo của DW chuyên đưa tin về châu Phi, cho biết: "Về cơ bản, điều này xuất phát từ nhu cầu năng lượng của thế giới - đặc biệt là nhu cầu về năng lượng xanh. Hiện tại, có một dự án hydro xanh (ở Namibia) do Đức hỗ trợ và được Liên minh châu Âu tài trợ một phần".
Nhà báo của DW nhấn mạnh, đây là dự án lớn nhất trong lĩnh vực này ở châu Phi. Tuy nhiên, ông nói thêm rằng, phương Tây cũng đầu tư vào các cơ hội dầu khí trên lục địa này và cho rằng những khoản đầu tư đó sẽ càng tăng lên trong thời gian tới. Nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng của thế giới, phương Tây sẽ vẫn phải phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, còn các chính sách xanh được phương Tây ủng hộ tại châu Phi dường như sẽ chỉ dừng lại ở mức này.
Vấn đề tồn tại
Trong báo cáo gần đây nhất về đầu tư của phương Tây và Trung Quốc vào châu Phi, Trung tâm Doanh nghiệp tư nhân quốc tế cho biết: "(một số) khoản đầu tư của phương Tây vào châu Phi có liên quan đến việc khai thác tài nguyên thiên nhiên mà không có biện pháp bảo vệ môi trường đầy đủ". Hơn nữa, tài liệu này cũng đánh giá rằng "các khoản đầu tư của phương Tây đôi khi nhằm kéo dài sự phụ thuộc kinh tế vào các thực thể nước ngoài". Đây là điều không có lợi cho tất cả các bên liên quan, vì các hoạt động hợp tác giữa châu Phi và các chính phủ khác tiếp tục bị ảnh hưởng bởi những cáo buộc liên tiếp về việc khai thác tài nguyên thiên nhiên của châu lục ở nhiều cấp độ khác nhau.
Adjei-Twum - Giám đốc điều hành Tập đoàn EBII tin rằng câu chuyện này phải thay đổi và các chính trị gia chịu trách nhiệm tạo ra sự thay đổi đó. Bà nói: "Đó là trách nhiệm của tất cả mọi người. Các nhà lãnh đạo của các quốc gia này có trách nhiệm đảm bảo rằng mọi khoản đầu tư vào đất nước đều được chuyển thành những lợi ích mà tất cả người dân đều được hưởng”.
Châu Phi cần làm gì?
Theo Adjei-Twum, động lực thúc đẩy đầu tư vào châu Phi không hề chậm lại mà sẽ còn tăng lên trong thời gian tới. Theo bà, các quốc gia châu Phi có nguyên liệu thô rất hấp dẫn và bản chất rủi ro của việc đầu tư vào châu lục này thường khiến các nước phương Tây chiếm ưu thế trên bàn đàm phán. Adjei-Twum nói: "Hầu như mọi quốc gia châu Phi đều có rủi ro cao. Điều đó có nghĩa là bất kỳ công ty nào hoạt động tốt (ở châu Phi) cũng bị ảnh hưởng vì họ bị coi là có rủi ro cao”. Theo Giám đốc điều hành EBII, những thách thức như sự ổn định chính trị và phát triển cơ sở hạ tầng vẫn là những yếu tố vẫn rất quan trọng để “mở khóa” toàn bộ tiềm năng đầu tư vào châu Phi.
Ndlovu đồng tình với quan điểm này và nhấn mạnh rằng phương Tây hạn chế rủi ro họ phải đối mặt ở châu Phi bằng cách đa dạng hóa đầu tư ở những nơi khác trên thế giới. Ông giải thích: "Chúng tôi thấy các khoản đầu tư của phương Tây đang đổ vào những nơi như châu Á hay Trung Đông và rất nhiều khoản đầu tư vẫn ở lại chính phương Tây".
Adjei-Twum tin rằng các chính phủ ở châu Phi cần phải thay đổi cách tiếp cận khi hợp tác làm ăn với phương Tây nếu họ muốn có được vị thế bình đẳng. Theo bà, các chính phủ phải có các chính sách phù hợp và cảnh báo không nên đưa ra những chính sách khiến châu Phi trông có vẻ như “đang rất cần sự giúp đỡ”.
Ngày đăng: 13:19 | 14/07/2024
Khánh An / CAND