Ngày càng nhiều phụ nữ Nhật Bản phản đối việc chi hàng nghìn yen để mua chocolate cho các nam đồng nghiệp vào ngày 14/2 theo truyền thống. 

phu nu nhat dau tranh voi nghia vu tang chocolate nam gioi ngay valentine
Một phụ nữ mua chocolate tại siêu thị ở Tokyo. Ảnh: AFP

Theo truyền thống được gọi là giri choco, nghĩa là "nghĩa vụ chocolate", phụ nữ Nhật Bản sẽ mua chocolate tặng các nam đồng nghiệp vào ngày lễ Tình nhân Valentine. Nam giới sẽ đáp lễ vào ngày 14/3, gọi là Valetine Trắng, một ngày lễ được các nhà sản xuất chocolate khởi phát vào đầu những năm 80 để tăng doanh thu, Guardian cho hay.

Tuy nhiên, giri choco đang ngày càng bị phụ nữ Nhật Bản phản đối. Nhiều người cảm thấy không chịu đựng được áp lực phải chi hàng nghìn yen để mua chocolate cho đồng nghiệp nhằm tránh gây mất lòng. Một số công ty đã cấm điều này khi nhiều nhân viên xem đây là một hình thức lạm quyền và quấy rối.

Một cuộc thăm dò cho thấy hơn 60% phụ nữ Nhật Bản thay vào đó sẽ mua chocolate như một món quà cho bản thân vào ngày 14/2. Hơn 56% cho biết họ sẽ tặng chocolate cho người thân trong gia đình, trong khi 36% sẽ tặng cho bạn trai hoặc người mà họ có tình cảm. Chỉ 35% dự định tặng chocolate cho đồng nghiệp nam, theo khảo sát của một cửa hàng bách hóa Tokyo.

"Trước khi có lệnh cấm, chúng tôi phải lo nghĩ không biết mua chocolate bao nhiêu tiền là vừa và người mà mình sẽ rút thăm để tặng quà là ai. Thật tốt khi bây giờ không còn văn hóa tặng chocolate gượng ép nữa", một nữ nhân viên văn phòng nói.

Trong khi đó, SoraNews24 mô tả về hiện tượng gần đây gọi là gyaku choco, nghĩa là chocolate đảo ngược, trong đó nam giới tặng chocolate cho vợ, bạn gái hoặc cô gái mà họ thích.

phu nu nhat dau tranh voi nghia vu tang chocolate nam gioi ngay valentine
Hộp chocolate để tặng đồng nghiệp gọi là "giri choco" có giá phải chăng hơn các loại chocolate để tặng vợ chồng hay người yêu. Ảnh: Bokksu

Tặng chocolate làm quà Valentine trở thành một ngành thương mại ở Nhật Bản từ giữa những năm 1950, phát triển thành thị trường hàng triệu đôla, mang lại phần lớn doanh thu thường niên cho một số nhà sản xuất chỉ trong vài ngày.

Tuy nhiên, phản ứng gay gắt với giri choco đã khiến các nhà sản xuất bánh kẹo phải thay đổi chiến dịch quảng cáo của mình. Trước dịp lễ Tình nhân năm ngoái, hãng chocolate Bỉ Gopa gây tranh cãi khi đăng một quảng cáo kín trang trên báo, kêu gọi các công ty khuyến khích nhân viên nữ không thực hiện nghĩa vụ chocolate nếu họ cảm thấy không thoải mái.

"Valentine là ngày mọi người thể hiện những cảm xúc chân thật, không phải là đối phó với các mối quan hệ ở nơi làm việc", quảng cáo viết.

Trong khi người tiêu dùng cá nhân cân nhắc về các lựa chọn quà tặng, chocolate vẫn là món quà truyền thống mà các doanh nghiệp ưa thích vào ngày Valentine.

Japan Airlines sẽ tặng chocolate cho các hành khách cả nam lẫn nữ trên tất cả chuyến bay nội địa và quốc tế ngày 14/2, trong khi một khu nghỉ dưỡng suối nước nóng gần Tokyo khai trương bồn tắm chocolate bốc khói. Một chuỗi nhà hàng sushi cũng sẽ phục vụ các thực khách những lát cá cam tươi được nuôi bằng thức ăn trộn chocolate.

phu nu nhat dau tranh voi nghia vu tang chocolate nam gioi ngay valentine Người Mỹ sắp chi số tiền kỷ lục cho Lễ tình nhân

Dự báo mỗi người chi trung bình 162 USD (3,76 triệu đồng) cho hoa, quà, bánh và bữa ăn với người yêu trong ngày 14.2 ...

phu nu nhat dau tranh voi nghia vu tang chocolate nam gioi ngay valentine Nhóm thanh niên Nhật biểu tình hàng năm đòi đập tan Lễ Tình nhân

Đến hẹn lại lên, một nhóm đàn ông Nhật Bản được cho là kém sức hút với phụ nữ diễu hành trên đường phố, hô ...

Ngày đăng: 09:35 | 13/02/2019

/ VnExpress