Từ năm học tới, tài liệu “Công nghệ giáo dục” của Giáo sư Hồ Ngọc Đại sẽ không còn trong chương trình phổ thông. Tuy nhiên, với những trường đang học chương trình này năm cuối cùng, phụ huynh, học sinh tiếp tục “kêu khổ”.
Chị Nguyễn Thị Hải (thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh) có con trai năm nay vào học lớp 1. Với quan niệm cho bé nghỉ ngơi, chị không cho con đi học trong dịp hè. Cháu và các bạn cùng tuổi phải học chương trình Công nghệ giáo dục, mặc dù nhà trường không thông qua ý kiến phụ huynh.
Vào tuần thứ nhất, thứ 2, cô giáo dạy văn hóa phản ánh cháu đọc chậm, không đọc được so với các bạn cùng lớp. Chị Hải tìm hiểu và được biết do nhiều bạn đã đi học thêm trong dịp hè, nên vào học đọc lưu loát. Con chị không đi học thêm nên rất bỡ ngỡ.
Phụ huynh phản ánh nhiều nội dung trong tài liệu “Công nghệ giáo dục” không phù hợp với trẻ em. Ảnh: PV |
Chị Hải tranh thủ kèm thêm cho con vào ban tối, tuy nhiên, cháu bé không thể học thuộc được các từ, câu văn, câu thơ trong sách “Công nghệ giáo dục”. Nhiều lúc chị cáu gắt lên, to tiếng, cháu bé sợ quá khóc thét.
Qua trao đổi với các phụ huynh khác, chị Hải cũng thấy một số cháu bé không đi học thêm trong hè đều vấp phải tình trạng tương tự. Mặt khác, khi đọc sách “Công nghệ giáo dục”, chồng chị Hải là một giáo viên THPT đã phát hiện ra sách này không dạy chữ cái, không dạy cách ghép vần như truyền thống, mà dạy “âm - chữ” ngay từ những giờ học đầu tiên.
Vì vậy, trẻ không nhận được mặt chữ, không biết cách ghép vần nên không thể đọc được. Những bạn đọc được là do đã học từ trước, nay thuộc lòng một cách máy móc.
Chị Hải đành phải tìm bộ chữ cái, ban tối dạy con cách nhận mặt chữ, đánh vần theo phương pháp truyền thống. Sau khoảng 1 tháng, khả năng đọc của cháu được cải thiện rất nhiều.
Chị Nguyễn Thị Trang (TP Vinh – Nghệ An) mặc dù con đã lên lớp 3 nhưng vẫn chưa hết hãi hùng về Công nghệ giáo dục: “Vì học vẹt nên cháu không thể thuộc được. Về nhà mẹ kèm cặp, cháu cũng không đọc được, khóc, cả nhà căng thẳng. Lên lớp trên cháu vẫn bị lỗi chính tả, nhầm lẫn giữ “dờ cao” (d) và “giờ thấp” (gi)”.
Thầy Hoàng Văn Biên – giáo viên tiểu học tại huyện Quỳnh Lưu – Nghệ An nhận xét về việc học Công nghệ giáo dục: “Vất vả, mệt mỏi, khó nhớ, mau quên... vì tài liệu Công nghệ giáo dục chủ yếu tập trung đến "cái vỏ" mà chưa chú trọng vào ý nghĩa và bản chất của vấn đề”.
Cô giáo Lê Đức Hạnh (Kon Tum) cho biết: “Ở Kon Tum năm vừa rồi phụ huynh làm đơn tập thể yêu cầu học chương trình hiện hành của Bộ nên Sở GDĐT bỏ chương trình này không dạy nữa. Tôi dạy cái này năm trước khó quá, nên phải dạy cháu đọc ghép vần như thời ngày xưa học, cháu dễ tiếp thu hơn”.
GS.TS Mai Ngọc Chừ - thuộc hội đồng thẩm định SGK Tiếng Việt lớp 1 cho biết: “Một số giáo viên chia sẻ với chúng tôi, để dạy tốt Công nghệ giáo dục, công việc của họ phải tăng rất nhiều. Ban ngày dạy ở trường nhưng ban đêm phải bổ sung kiến thức của SGK hiện hành, tăng thêm giờ làm việc 2 - 3 lần. Các thầy cô cũng cho rằng sách có tính mở nhưng giáo viên phải dạy như cái máy”.
Ngày đăng: 15:32 | 29/09/2019
/ laodong.vn