Một mùa hè nữa lại về, và phụ huynh lại cuống cuồng với bài ca muôn thuở: “Nhốt” con ở đâu để đi làm, trong khi nhiều nguy cơ, cạm bẫy từ thế giới ảo, từ sông nước… luôn rình rập trẻ.
Trường mầm non công lập không nhận giữ trẻ ngày hè, nhiều phụ huynh bấm bụng đưa con vào nhóm trẻ gia đình, lớp mầm non tư thục… Thậm chí cha mẹ cũng đoán biết cơ sở đó không phép, nhưng bí quá, đành phó mặc hên - xui.
Tất tả tìm trường
Một tháng trước khi con nghỉ hè, chị Kim Phương (37 tuổi, nhân viên văn phòng, ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM) đã khảo sát tìm nơi gửi con dịp hè. “Bé nhà mình hơn 3 tuổi, trước giờ học trường mầm non công lập nhưng hè này, trường không nhận giữ nên tôi phải liên hệ với các trường tư thục, nhóm trẻ gia đình để gửi con” - chị Phương cho biết.
Tuy nhiên, đến sát ngày con nghỉ hè, chị Phương vẫn chưa tìm được chỗ cho con. Chị kể, trường tư thục không nhận gửi trẻ “vãng lai” với thời gian 3 tháng; nơi nhận thì yêu cầu đóng phí cơ sở vật chất nguyên năm (từ 1,7-2 triệu đồng), ngoài ra học phí cũng phải cao hơn các bé gửi lâu và tùy theo thời giá mà tăng lên…
“Nhiều khoản đóng rất vô lý do các lớp mầm non tư thục tự quy định. Nhưng do đang rất cần nơi gửi con nên mình chọn đại một trường tư thục có vẻ khang trang, rộng rãi một chút, chấp nhận mức đóng cao để gửi con. Dù gì cũng chỉ gửi có 3 tháng nên phải cố thôi” - chị Phương nói.
Căn phòng bố trí sơ sài, cơ sở vật chất tuềnh toàng này là nơi trông giữ gần chục đứa trẻ. Ảnh: U.P.
Nhà có 2 con nhỏ 3 tuổi và 5 tuổi, chị Thùy Trang (25 tuổi, công nhân khu chế xuất Linh Trung, quận Thủ Đức, TP.HCM) chạy có cờ tìm nơi gửi con. “Đủ các trường, nhóm trẻ tư thục, dân lập nhưng đều từ chối với lý do đã đủ số lượng. Những nơi chịu nhận thì học phí cao gấp đôi trường công, chưa kể còn phải đóng thêm đủ các phí cơ sở vật chất, các lớp ngoại khóa do trường tổ chức…
Lương công nhân của hai vợ chồng không đủ để chi phí nên tôi rất lo lắng. Sát đến ngày nghỉ hè rồi mà vẫn chưa thể tìm được nơi gửi con khiến hai vợ chồng lo sốt vó” - chị Trang thở dài.
“Trường con tôi có tổ chức dạy hè nhưng phải đến giữa tháng Sáu mới nhận trẻ đi học trở lại trong khi vợ chồng tôi không thể xin nghỉ phép dài ngày vì công việc đang vào đợt cao điểm. Tôi hỏi người quen, điện thoại hỏi thăm nhiều trường nhưng chưa có nơi nhận giữ trẻ không đang theo học tại trường, nhất là trẻ nhỏ học mầm non dưới ba tuổi” - bà mẹ trẻ Mộng Thùy (30 tuổi, ngụ quận Bình Tân, TP.HCM) lo lắng.
Trên các diễn đàn, nhiều phụ huynh bày tỏ nỗi lo khi mùa hè đến, “tìm nơi gửi trẻ ngày hè”, “có nên cho con đi học mùa hè này không?”, “tìm lớp bán trú cho trẻ, gấp lắm, giúp em với”... là những chủ đề được bàn tán sôi nổi. “Năm nào cũng gặp vấn đề này mà chưa có giải pháp nào hoàn hảo cả, nhiều mẹ khuyên nên cho con đi trại hè, vừa bổ ích lại có người trông trẻ, thế nhưng nhiều trại hè không nhận các bé nhỏ tuổi quá.
Giải pháp cuối cùng cũng chỉ tìm đến các cơ sở giữ trẻ tư nhân, vừa đi làm vừa lo cho con. Con nghỉ hè nhưng cha mẹ không được nghỉ đang là nỗi lo chung của nhiều phụ huynh có con trong độ tuổi mầm non, tiểu học vì không biết gửi con ở đâu để đi làm” - chị Mỹ Lan (quận 3, TP.HCM có con gái 4 tuổi) chia sẻ.
Đắt hàng dịch vụ giữ trẻ, dạy thêm
Nắm bắt nhu cầu gửi con ngày hè, nhiều nhóm trẻ gia đình, thậm chí dịch vụ giữ “chui” được mở ra. Chiều 28/5, chúng tôi đến một ngôi nhà đang giữ chừng 4-5 trẻ từ 8 tháng đến 5 tuổi ở quận Gò Vấp. Thấy người lạ hỏi giữ trẻ, chủ nhà (độ hơn 50 tuổi) nói rằng, đây toàn là con cháu trong nhà.
Tuy nhiên, khi chúng tôi bảo có con 1 tuổi, muốn nhờ bà đang chăm cháu sẵn tiện “chăm hộ” con, thì chủ nhà mới xởi lởi: “Ở đây cũng có vài trẻ do người ta gửi mình đó. Do thấy mình chăm kỹ lưỡng, sạch sẽ, phí lại rẻ nên họ đề nghị giúp”(!?).
Quan sát nơi giữ trẻ, đó là căn phòng khá tuềnh toàng, xung quanh không có món đồ chơi nào cho trẻ. Trẻ bò lê la khắp phòng, cái gì nhặt được đều cho vào miệng. Có đứa đòi đi “ị”, bà chăm trẻ liền lấy bô cho ngồi giữa nhà, cạnh đó là những đứa trẻ khác ngồi ăn bánh, uống sữa. “Giá giữ là 2 triệu/tháng, phụ huynh tự đem theo sữa cho con. Nếu cô thấy được thì cứ đem trẻ tới” - người chăm trẻ nói.
Nằm sâu trong con hẻm thuộc đường Lê Văn Quới (quận Bình Tân, TP.HCM), khá nhiều điểm giữ trẻ tự phát mở ra và hoạt động công khai. Tại điểm giữ trẻ Bé Yêu trưng bảng nhận giữ bé từ 16 tháng đến 5 tuổi là căn phòng chưa đến 20m2, đang trông gần chục trẻ.
“Cô giáo” là 2 cô gái còn khá trẻ vận quần áo cũn cỡn làm nhiệm cho trẻ ăn, ngủ. Bà M. (ngụ gần đó) bỏ nhỏ: “Đa số phụ huynh gửi con ở đây đều là dân lao động, thu nhập thấp, gửi con ở đây vì phí rẻ. Chứ cơ sở này tui không biết có giấy phép gì không, nhưng theo quan sát tui thấy điểm giữ này không bảo đảm an toàn về phòng cháy chữa cháy, cũng không có nơi vui chơi cho trẻ. Đó là chưa kể vấn đề vệ sinh vì nhiều lần tui thấy trẻ em ngồi sát mép song sắt, đưa tay ra ngoài vọc chơi các loại giày dép gần đó rồi cho miệng…”.
Quan sát nơi đây, nhiều hộ cũng nhận giữ trẻ tại nhà. “Có xin giấy phép gì đâu, thấy mình ở không, nhiều chị gợi ý nhờ tui giúp thôi. Giữ trẻ khó gì đâu mà cần trình độ, cứ cho trẻ ăn ngủ, không để bị té là được rồi. Phụ huynh thấy con béo khỏe thì họ gửi lâu dài thôi” - một bà đang nhận giữ khoảng 5 trẻ tại gia thật thà nói.
Dịch vụ dạy thêm ngày hè cũng “ăn nên làm ra”. Tại chung cư Trương Đình Hội (quận 8, TP.HCM), tờ rơi được phát tận phòng tiếp thị dạy thêm cho trẻ chuẩn bị vào lớp 1. Anh Trần Đức Huân (có con 6 tuổi) chia sẻ: “Tui đến tận các trường cấp 1 để liên hệ học thêm cho con. Nhiều bảo vệ còn tận tình cung cấp số điện thoại, địa chỉ nhà của cô giáo đang dạy thêm để tôi liên hệ. Tôi đang tính sau khi bé được nghỉ hè, sẽ cho con vào thẳng các lớp học hè này để luyện chữ, làm toán”.
Nghỉ hè của con, nỗi lo của cha mẹ
Nghỉ hè là khoảng thời gian rất nhiều trẻ em mong đợi để được vui chơi sau 9 tháng học tập vất vả và cũng ... |
Chuyện nghỉ hè: Thầy cô dạy thêm bỗng thành "người trông trẻ" bất đắc dĩ
Hè vừa tới, các bậc phụ huynh ở thành phố đã nháo nhác tìm cách gửi con. Trong "trăm phương ngàn kế", một lựa chọn ... |
Ngày đăng: 14:52 | 04/06/2018
/ https://vtc.vn