Tôi thật sự không hiểu sau cơn cả giận mất khôn này, những phụ huynh nói trên sẽ đối diện cô giáo của con mình ra sao?
Tối 4/3, thông tin về việc một nhóm phụ huynh gây áp lực khiến giáo viên phải quỳ gối xin lỗi tại một trường tiểu học của Long An đã gây “bão” trên mạng xã hội bởi nhiều ý kiến tranh luận trái chiều.
Trước đó, một cô giáo của trường Tiểu học Bình Chánh, Long An áp dụng biện pháp xử phạt học sinh vi phạm nội quy bằng hình thức quỳ gối nên một số em sợ không đi học.
Ngày 28/2, một nhóm 4 phụ huynh tới trường Tiểu học Bình Chánh lớn tiếng phản ánh cách giáo dục của giáo viên này vượt quá chuẩn mực sư phạm. Biết mình sai, cô Nhung nhận lỗi và hứa khắc phục sai sót. Dù vậy, vẫn có phụ huynh không đồng tình, gây áp lực bắt cô giáo phải quỳ cho hả dạ.
Trong câu chuyện này, dễ dàng nhận thấy việc cô giáo bắt học sinh quỳ là hành động phản sư phạm, dễ gây tâm lý tự ti, hoảng sợ cho các em học sinh tiểu học còn non nớt về nhận thức và bản lĩnh.
Tôn sư trọng đạo phải là ứng xử của toàn xã hội
Tuy nhiên, việc một số phụ huynh bị kích động thái quá, bắt cô giáo quỳ gối chỉ để trừng phạt là một hành vi thái quá, lệch chuẩn, gây phương hại đối với mối quan hệ thầy trò, mối quan hệ giữa gia đình và nhà trường, thậm chí gây bất bình trong xã hội.
Câu hỏi đặt ra ở đây là: ai sẽ xử lý phụ huynh?
Tôi thật sự không hiểu sau cơn cả giận mất khôn này, những phụ huynh nói trên sẽ đối diện cô giáo của con mình ra sao? Ngày 8/3, 20/11 sắp tới họ có tặng hoa tặng quà cho cô giáo nữa hay không? Nếu con họ thắc mắc, họ sẽ giải thích hành động của mình thế nào?
Những đứa con họ liệu còn có thể tôn trọng cô giáo như cũ rồi hàng ngày tự nguyện để cô gieo kiến thức, vun xới tâm hồn hay không? Hay chúng sẽ nghĩ rằng cô giáo chẳng qua cũng chỉ là đối tượng đáng thương như chúng, có thể bị bố mẹ xử phạt bất cứ lúc nào?
Còn nhớ vài chục năm trước, thời chúng tôi đi học, hình ảnh người thầy là một hình ảnh đẹp bình dị mà thanh cao, không bị xô bồ như bây giờ. Tất nhiên, để có được hình ảnh đó, trước hết phải do trí tuệ và đạo đức của người thầy, song cũng không thể thiếu đi sự tôn trọng và vai trò hợp tác của phụ huynh và gia đình.
Thời đó, chúng tôi có những đêm ngủ gục trên mặt bàn nhưng không được bố mẹ cho đi ngủ vì chưa chép phạt xong, những bản chép phạt dài dằng dặc, là hình phạt cho những lỗi chúng tôi mắc phải ở lớp.
Có một lần khi đến đón tôi ở trường, mẹ tôi thấy tôi bị thầy phạt đứng góc lớp còn thầy thì lên phòng giám hiệu, đến lúc trống tan trường vẫn chưa thấy quay lại để tha cho tôi.
Thời đó chưa có mạng xã hội facebook, cũng chưa có smart phone như bây giờ, nhưng tôi đảm bảo rằng nếu có, mẹ tôi chắc chắn cũng sẽ không quay phim chụp ảnh loạn lên rồi gửi các hội nhóm có nhiều “cảnh sát đạo đức” với “anh hùng bàn phím” để mổ xẻ như bây giờ.
Trái lại, bà nhẫn nại ngồi dưới hàng ghế lớp học chờ tôi. Tôi còn nhớ, khi nhìn thấy mẹ, đứa học sinh lớp 5 là tôi khi đó lập tức để nước mắt tuôn rơi, như tức nước vỡ bờ, khóc nấc lên chờ mẹ giải thoát... Song mẹ tôi chỉ nghiêm mặt nói tôi cần phải chịu trách nhiệm với hành động của mình.
Một lát sau, có bạn học sinh lên phòng giám hiệu thông báo, thầy tôi nhớ ra và quay lại lớp tha cho tôi. Mẹ và thầy mỉm cười với nhau và trao đổi nhanh vài câu về tình hình của tôi ở lớp, hoàn toàn không có chuyện trách móc hay chỉ trích. Trong quan điểm của mẹ tôi, những việc gia đình không làm được mới cần đến vai trò của nhà trường, bởi thế gia đình không can thiệp vào kỷ luật của nhà trường.
Còn bây giờ, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, và sự phát triển có phần thiếu kiểm soát của mạng xã hội, ai cũng tin rằng mình đang là một “đại nhà báo” facebook nên tự trang bị cho mình quá nhiều quyền hành để ứng xử với những tình huống không thiếu các giải pháp văn minh, thấu tình đạt lý hơn.
Hậu quả là giờ đây, con người ta sống với nhau co cụm, dè chừng hơn, nhưng lại thiếu đi sự thấu hiểu, chia sẻ. Thời chúng tôi, nhiều hôm đang học thì bị sốt, cô giáo đưa lên phòng y tế rồi túc trực, cho uống thuốc, ân cần như mẹ ở nhà. Có hôm bố mẹ quên đón ở trường thì được cô đưa về cho ăn cơm, cô tự tay tắm cho rồi gọi điện để bố mẹ yên tâm.
Còn bây giờ, con tôi ở lớp mẫu giáo chỉ hơi sốt là cô giáo lập tức gọi điện để gia đình đến đón về. Hôm nào cháu đi tiêm phòng là cô từ chối nhận lên lớp, chỉ vì sợ bị bắt vạ (!!)
Câu hát “Cô và mẹ là hai cô giáo, mẹ và cô ấy hai mẹ hiền” dường như đã bị nhóm phụ huynh nói trên làm vấy bẩn, bởi nếu mỗi người mẹ đều ý thức được vai trò “cô giáo gia đình” của mình thì hẳn sẽ không có hành xử phi sư phạm kể trên.
Phụ huynh xông vào trường tát, bắt giáo viên phải quỳ: Gieo mầm bạo lực, hận thù lên con trẻ
Sự việc nhóm phụ huynh kéo đến trường trách mắng, ép cô giáo ở Long An phải quỳ suốt 40 phút, để xin lỗi vì ... |
Nam phụ huynh phủ nhận việc bắt cô giáo quỳ xin lỗi
Ông Võ Hòa Thuận cho rằng không ép nữ giáo viên tiểu học ở Long An phải quỳ xin lỗi vì phạt con mình, mà ... |
Vụ giáo viên quỳ gối xin lỗi: Phụ huynh đừng nghĩ trả tiền cho con đi học là có quyền
Đó là ý kiến của đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng trước việc phụ huynh bắt giáo viên quỳ gối xin lỗi để “trả ... |
Để cô giáo “tự nguyện” quỳ gối, văn hóa phụ huynh còn thấp hơn cả cái quỳ đó!
Vụ cô giáo Nh. ở Trường Tiểu học Bình Chánh (Long An) phải quỳ gối xin lỗi trước mặt bà Trưởng ban đại diện cha ... |
Cô giáo phải quỳ xin lỗi phụ huynh: Bộ trưởng GD-ĐT đề nghị bảo vệ uy tín nhà giáo
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ gửi công văn tới Chủ tịch UBND tỉnh Long An đề nghị có giải pháp bảo vệ danh ... |
Ngày đăng: 09:15 | 07/03/2018
/ http://www.nguoiduatin.vn