Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến hết sức phúc tạp, dự kiến học sinh sẽ tiếp tục phải học online. Một trong những vấn đề được nhà trường và phụ huynh quan tâm nhiều nhất chính là việc học qua zoom của học sinh lớp 1. Bởi những đứa trẻ này chưa từng biết mặt chữ, số, chưa biết mặt thầy cô, bè bạn, chưa từng một ngày được cắp sách đến trường thì đã có thể sẽ phải học... online.
Vừa dạy con vừa lo
Đây có lẽ là năm đáng nhớ với mẹ con chị Nguyễn Hiền (Mỹ Đình, Hà Nội). Năm nay cậu con trai thứ hai bắt đầu vào lớp 1 trường Tiểu học Mỹ Đình 1. Dù nhà trường chưa có thông báo chính thức nhưng với tình hình dịch bệnh thế này chắc con chị cũng như các bạn cùng lứa sẽ phải tạm học online một thời gian. Lo lắng sợ con không theo kịp lớp học vì thời gian học mầm non bị gián đoạn liên tục do dịch bệnh nên hơn một tháng nay chị “đánh vật” ở nhà dạy con phép tính, đánh vần, viết chữ.
Chị Hiền cho biết: “Tôi nộp hồ sơ học cho con hoàn toàn qua trực tuyến từ 12-7. Đến nay vẫn chưa nhận được thông tin gì thêm. Hết mầm non còn chưa thuộc bảng chữ cái vì nghỉ học suốt, phần vì con cũng mải chơi, không tập trung học hành. Giờ mẹ con đang phải vật lộn với nhau dạy chữ, dạy ghép vần, chỉ thấy quát nhau thôi. Mình không thể bằng các cô được, nhưng phải cố gắng rèn kỹ năng cho con chứ sợ vài hôm nữa có lịch học online thật thì con không thể theo được. Học trên lớp, cô dạy đọc, dạy viết nhiều khi còn không tiếp thu được nữa là học online. Nhưng dịch bệnh thế này, nếu có chủ trương học online thì cũng phải cố chứ biết sao nữa”.
Trường hợp chị Nguyễn Lan (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng vất vả không kém. Năm nay cậu con trai lớn nhà chị bước vào lớp 1 trường Tiểu học Yên Hoà, dù chưa có lịch thông báo cụ thể nhưng cả cô giáo, phụ huynh và học sinh đều sẵn sàng chuẩn bị tinh thần học online trong thời gian tới. Đồng phục đã nhận đầy đủ, nhưng sách giáo khoa thì chỉ khi đi học chính thức tại trường mới được nhận. Trước mắt, nếu phải học online, cô giáo sẽ gửi tài liệu qua mạng sau. Không có sách giáo khoa để tự kèm con ở nhà, chị phải lên mạng tìm hiểu chương trình học của lớp 1, cách thức dạy học cho con tiếp cận nhanh nhất, dễ hiểu nhất.
“Sợ sau này học online cô không thể cầm tay chỉ bảo được nên đành phải rèn ở nhà cho con trước. Trẻ con không tập trung, mẹ lại dễ nổi nóng, thành ra cứ đến lúc học là như cãi nhau. Đi học ở lớp có khi còn sợ cô, chứ ở nhà học online chẳng biết có chịu tập trung nghe giảng, có tiếp thu được bài không hay lại ngó ngoáy nghịch cái nọ cái kia. Tôi cũng lo lắm nhưng biết sao được, giờ dịch bệnh thế này, các con không thể đến trường, chỉ còn cách học online thôi”, chị Lan chia sẻ.
Khi nhận được tin cậu con trai sẽ bắt đầu vào học lớp 1 trường Genesis School dưới hình thức online, chị Thu Hiền (Hà Nội) khá lo lắng bởi con chị đã nghỉ học mầm non một thời gian khá dài vì dịch bệnh giờ bắt đầu một cấp học mới, lại học online, không biết con có theo kịp không, nhất là việc rèn kỷ luật và nề nếp cho con. Chị Hiền cũng sợ nếu học online có thể giảm niềm hứng thú, yêu thích học tập của con bởi trẻ con thích khám phá cái mới, thích được gặp bạn bè, vui chơi học tập tại ngôi trường mới chứ không phải chỉ nhìn nhau qua màn hình máy tính.
Để chuẩn bị tốt cho công cuộc học online của con, chị Hiền xác định bố mẹ đóng vai trò quan trọng trong việc học tập của con. Vì được làm ở nhà thực hiện giãn cách nên anh chị theo sát cậu con trai trong 2-3 tuần đầu tiên để con quen với thao tác máy tính, kỷ luật và tương tác với giáo viên.
Trong các giờ nghỉ giải lao, chị cũng khuyến khích con trò chuyện với cô giáo và các bạn (mặc dù chỉ là nhìn qua webcam), nhắc nhở con tập trung nghe cô giảng trong giờ học, ngoài giờ có thể cho con xem lại học liệu để xem con có nhớ, có hiểu những gì cô giảng hay không.
Trường Genesis một lớp không quá 20 học sinh, do đó tương tác giữa cô giáo và học sinh khá tốt. Nhà trường đã hỗ trợ gửi toàn bộ sách giáo khoa, học liệu và tạo thư viện để bố mẹ có thể hỗ trợ con học thêm. Trong giai đoạn đầu học online, trường sắp xếp thời khóa biểu hợp lý (20 tiết/tuần) chủ yếu để các con quen dần với việc học online và bố mẹ cũng không quá mất nhiều thời gian để kèm con. Sau mỗi giờ học cô đều nhắn các bố mẹ về học liệu để bố mẹ ôn lại cho con. Bạn nào trong quá trình học cô cảm thấy chậm hơn các bạn đôi chút, sẽ kèm thêm cho bạn đó khoảng 5-10 phút một buổi học. Dần dần cậu con trai của chị Hiền cũng đã quen với hình thức học online. “Chỉ có khó khăn nhất với bé nhà mình là trong một số trường hợp, do tốc độ mạng không tốt nên học sinh nghe không rõ tiếng, nhất là khi phát video. Đôi khi các bạn nhỏ chưa quen nên còn chưa tập trung, nói tự do và cô cũng phải nhắc nhở nhiều lần”, chị Hiền cho biết.
Nếu các phụ huynh là nhân viên văn phòng, việc con học online đã là lo lắng thì với các phụ huynh ở nông thôn, con học online là cả một thách thức. Từ khi biết nhiều khả năng đứa con gái của mình có thể phải học online, vợ chồng anh Lê Văn Đức (Thanh Oai, Hà Nội) bắt đầu loay hoay làm quen với công nghệ. Anh cho biết: “Vợ chồng tôi năm nay cũng có con đầu lòng vào lớp 1. Khi biết con nhiều khả năng phải học qua zoom vợ chồng tôi cũng rất bối rối, bởi cả hai vợ chồng đều làm nông nên cũng không biết nhiều về công nghệ. Dạy con trực tiếp đã khó giờ lại phải hướng dẫn cách con học qua zoom thực sự là rất khó khăn. Hơn nữa, vợ chồng tôi giờ đang làm thêm trang trại, sắp tới mà con phải học zoom thì sẽ phải cắt cử 1 người ở nhà vừa quản con vừa giúp con học tập nên cũng rất bí. Tôi chỉ mong sao nhà trường có thể lui lịch học cho các con mới vào lớp 1 thì tốt, để các con và cả bố mẹ cũng đỡ khổ”.
Thử thách lớn đối với thầy cô
Không chỉ các phụ huynh, các giáo viên dù đã chuẩn bị tinh thần sẽ phải dạy học online nhưng cũng chưa hình dung hết khó khăn phát sinh nếu dạy học sinh lớp 1. Cô Cao Thị Tuất, giáo viên Trường Trung học cơ sở Sơn Công (Ứng Hòa, Hà Nội) cho biết: “Các con còn bé, chưa có ý thức tự học lại chưa từng học zoom nên rất khó khăn. Bình thường, khi các con đến lớp, cô còn phải cầm tay nắn từng nét chữ.
Đối với những gia đình bố mẹ ở nhà thì có thể hỗ trợ việc học hành của con còn nếu bố mẹ đi làm vắng, chỉ có ông bà ở nhà thì thật sự khó khăn. Sắp tới, chúng tôi sẽ có những buổi tập giảng qua zoom, có các giáo viên trong trường dự, đánh giá, rút kinh nghiệm để làm sao cho những buổi học sau khai giảng được hiệu quả nhất. Sau đó nhà trường sẽ tổ chức họp phụ huynh để tuyên truyền đến phụ huynh việc dạy và học qua zoom của các con. Đồng thời cũng yêu cầu phụ huynh trong tuần đầu tiên phải “học cùng con” để hướng dẫn cho con biết cách học và nền nếp học”.
Cũng chung lo lắng về việc các con học sinh lớp 1 sẽ phải học online, cô Hoàng Thị Minh Xuyến - Hiệu trưởng trường Tiểu học Phương Trung 1 (Thanh Oai, Hà Nội) chia sẻ: “Chúng tôi đang chuẩn bị nhiều phương án khác nhau cho học sinh lớp 1. Trong thời gian này, nhà trường đã nhận sách mới và đang có kế hoạch phát đến tận nhà cho học sinh để học sinh làm quen trước. Đối với các giáo viên, trường cũng đang xây dựng kế hoạch cho giáo viên dạy trên zoom. Qua các buổi họp trên zoom nhà trường cũng cố gắng động viên phụ huynh không có được máy tính thì ít nhất cũng phải có điện thoại thông minh có thể sử dụng được phần mềm. Nhà trường cũng sẽ lên kế hoạch chi tiết cụ thể về thời khóa biểu để cha mẹ học sinh có thể chuẩn bị cho việc học hành của các con được tốt nhất”.
Là trường ngoại thành nên việc học online cũng gặp nhiều khó khăn hơn. Nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Cũng theo cô Xuyến chia sẻ thì nhiều phụ huynh đã tâm sự rằng, gia đình họ không có nổi một chiếc điện thoại thông minh để cho con học zoom. Đối với những trường hợp như thế cô Xuyến và các cô giáo phụ trách lớp 1 lại phải động viên họ rằng hãy khắc phục bằng cách đến nhà bạn nào đó gần nhà để học cùng.
Hàng loạt đại học tiếp tục cho sinh viên học online
Đại học Bách khoa Hà Nội, Thương mại hay Luật Hà Nội hoãn các lịch thi tại trường, cho sinh viên học online thêm 1-2 ... |
Giáo viên vất vả dạy online
Đang giảng trên ứng dụng Zoom, cô Đặng Bích Ngọc, 47 tuổi, giáo viên một trường THCS ở Nam Định, bất ngờ bị thoát khỏi "phòng ... |
Ngày đăng: 09:04 | 29/08/2021
/ antg.cand.com.vn