Hơn 100 năm tồn tại, công trình Phủ Chủ tịch không chỉ là một biểu tượng quyền lực mà còn là một đài hoa kiến trúc rực rỡ trên Quảng trường Ba Đình.

Công trình cũng là một điểm nhấn đô thị, ghi dấu ấn trong lịch sử hình thành và phát triển của Thủ đô Hà Nội theo quy hoạch mới kiểu phương Tây.

phu-ct2.jpg

Công trình kiến trúc hơn 100 năm tuổi

Công trình Phủ Chủ tịch nguyên là Dinh Toàn quyền Đông Dương nằm ở phía Tây Bắc Quảng trường Ba Đình - trung tâm chính trị của Thủ đô Hà Nội. Được khởi công năm 1901 và hoàn thành năm 1906, công trình này do Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer quyết định xây dựng, trong bối cảnh Hà Nội được chọn là thủ phủ xứ Đông Dương thời Pháp thuộc.

Dinh Toàn quyền Đông Dương được thiết kế bởi kiến trúc sư Charles-Guillaume Lichtenfelder, tọa lạc trên một khu đất rộng có nhiều cây xanh, trước đó thuộc vườn Bách Thảo. Công trình có quy mô 4 tầng, với kết cấu xây gạch và bê tông, mái dốc lợp ngói đất nung, có 3 lối vào từ ba phía: Trước, sau và bên trái. Về công năng: Tầng trệt dành cho các phòng phục vụ; tầng 1 có phòng khánh tiết lớn, các phòng làm việc và phòng phục vụ; tầng 2 là phòng làm việc của Toàn quyền Đông Dương cùng phòng khách, phòng họp, phòng ăn lớn; tầng 3 là nơi ở và sinh hoạt của gia đình Toàn quyền.

Về hình thức, công trình mang phong cách kiến trúc Tân cổ điển với bố cục đối xứng nghiêm ngặt. Mặt chính công trình cho thấy sự tuân thủ nhịp điệu đặc - rỗng và các hàng cột thức cổ điển giàu tính trang trí. Toàn bộ công trình được đặt trên khối đế vững chãi, lượng mở cửa nhỏ, tường xây tạo chỉ lõm, cùng các bậc thang đá lên thềm cao nhấn mạnh tính bề thế. Mặt nhà chia thành 3 phần rõ rệt theo phương ngang. Khu vực trung tâm được trang trí bằng các hàng cột kiểu La Mã, giữa hàng cột là các cửa mở kiểu cuốn vòm; tầng trên cùng là các ô cửa vuông dưới một diềm mái có chi tiết kiến trúc rất tinh tế. Kết thúc phương ngang là hai khối nhô mạnh ra phía trước mang tính đặc với hai hàng cửa có tương quan diện tích tương đối nhỏ so với mặt tường.

Nội thất công trình được bài trí theo phong cách vương giả, cầu kỳ, khác biệt ở nhiều không gian; như phòng khánh tiết mang phong cách Louis XIV, phòng ăn lớn theo phong cách Phục hưng, phòng làm việc Toàn quyền mang phong cách đế chế Pháp... Tuy nhiên, về sau này, qua nhiều đời chủ nhân, các không gian nội thất này cũng có những thay đổi, sửa chữa, tu bổ.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, các cơ quan Đảng và chính quyền cách mạng của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ chiến khu về tiếp quản Thủ đô Hà Nội, Dinh Toàn quyền Đông Dương trở thành Phủ Chủ tịch của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; và chủ nhân người Việt đầu tiên của công trình này là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cho đến giờ, công trình vẫn là Phủ Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Gương mặt của quốc gia

Cùng với các công trình kiến trúc khác hiện diện trên Quảng trường Ba Đình qua nhiều thời kỳ, như Trường Albert Sarraut (1919, nay là Cơ quan Trung ương Đảng), Sở Tài chính Đông Dương (1925, nay là Trụ sở Bộ Ngoại giao), Hội trường Ba Đình (1963, nay được thay thế bằng Nhà Quốc hội - 2014), Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (1975), Bảo tàng Hồ Chí Minh (1990), Đài tưởng niệm anh hùng liệt sĩ (1994)..., công trình Phủ Chủ tịch qua hơn 100 năm vẫn đẹp rực rỡ như một đài hoa trong vườn hoa kiến trúc trên Quảng trường Ba Đình. Công trình không chỉ là một kiến trúc lộng lẫy và tráng lệ mà còn ghi dấu ấn trong sự phát triển của Thủ đô Hà Nội và lưu dấu lịch sử của nước Việt Nam.

Do vị trí đắc địa, giao thông thuận lợi và có khuôn viên rộng rãi, thoáng mát, nhiều cây xanh, công trình Phủ Chủ tịch ngoài vai trò công thự để làm việc của chủ tịch và cơ quan văn phòng chủ tịch nước; thì còn là nơi tổ chức nghi lễ ngoại giao, đón tiếp khách quốc tế của các cơ quan khác như Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Có thể nói không quá rằng công trình Phủ Chủ tịch là gương mặt của quốc gia.

Là một công trình công quyền của nguyên thủ quốc gia, song Phủ Chủ tịch lại vẫn gần gũi; bởi nơi đây cũng là nơi chủ tịch nước đón tiếp nhiều đoàn thể nhân dân, các đại biểu trong nhiều sự kiện. Đặc biệt, với Chủ tịch Hồ Chí Minh, mặc dù sống và làm việc tại ngôi nhà sàn trong khuôn viên Phủ Chủ tịch, nhưng công trình Phủ Chủ tịch là nơi Bác Hồ tiếp đón các đoàn khách quốc tế, đại biểu các tầng lớp nhân dân, các thanh, thiếu niên, nhi đồng ưu tú của đất nước. Nhìn lại, xem lại những bức ảnh, những thước phim Bác tươi cười đón các cháu thiếu nhi trên bậc thềm nhà, chúng ta thấy được một góc khác thật gần gũi thân quen của Phủ Chủ tịch. Những năm tháng qua trong lịch sử đất nước, hình ảnh chủ tịch nước các thời kỳ đọc thư chúc Tết Nguyên đán trong phòng khánh tiết cũng trở thành hình ảnh quen thuộc, gần gũi với nhân dân Việt Nam mỗi độ xuân về.

Phủ Chủ tịch không phải là điểm đến dành cho tham quan du lịch, nhưng du khách tới tham quan Quảng trường Ba Đình hay viếng lăng Bác đều không thể bỏ qua công trình đặc biệt này. Du khách vẫn có thể chiêm ngưỡng công trình từ đường Hùng Vương hay từ đường xoài - con đường nhỏ trong khuôn viên nối liền nhà sàn Bác Hồ sang Phủ Chủ tịch.

Với những giá trị về kiến trúc và lịch sử, khu Lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch (trong đó có công trình Phủ Chủ tịch) ở Quảng trường Ba Đình đã được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt năm 2009. Năm 2017, Phủ Chủ tịch đã được tổ chức Architectural Digest bình chọn là một trong 13 dinh tổng thống đẹp nhất thế giới.

https://hanoimoi.vn/phu-chu-tich-dai-hoa-kien-truc-ruc-ro-tren-quang-truong-ba-dinh-702689.html

Ngày đăng: 07:17 | 19/05/2025

Bài và ảnh: Hà Thành / HNM.com.vn