David Nakamura không chắc sẽ được Chủ tịch Triều Tiên trả lời câu hỏi nhưng bắt đầu thấy có hy vọng khi ông quay sang phía phiên dịch viên.
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc gặp tại khách sạn Metropole, Hà Nội, hôm 28/2. Ảnh: Reuters. |
"Tôi không biết chắc điều gì đã khiến ông Kim Jong-un lại trả lời câu hỏi của mình", David Nakamura, phóng viên được Chủ tịch Triều Tiên trả lời phỏng vấn đầu tiên tại cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 28/2, chia sẻ trên Washington Post. "Có lẽ nhà lãnh đạo kín tiếng của Triều Tiên đã sẵn sàng tiến thêm một bước trên sân khấu toàn cầu. Có lẽ ông ấy đang muốn cho Tổng thống Trump thấy rằng ông không e ngại. Hoặc cũng có thể do hành động đưa ngón tay cái lên của tôi".
Theo Nakamura, hành động này hoàn toàn tự nhiên, không được lên kế hoạch từ trước. Ông chỉ muốn rút ngắn khoảng cách về ngôn ngữ với lãnh đạo Triều Tiên, người chưa từng trả lời phỏng vấn báo chí quốc tế, bằng một dấu hiệu biểu hiện sự thân thiện được hiểu rộng rãi trên toàn thế giới.
"Chủ tịch Kim, ngài có tự tin không", Nakamura hỏi, lãnh đạo Triều Tiên nhìn về phía ông. Tổng thống Trump, ngồi phía bên kia chiếc bàn tròn nhỏ, ngừng nói. Lúc bấy giờ, Nakamura đang đứng cùng nhóm phóng viên Mỹ và Triều Tiên phía sau một sợi dây ngăn cách, quan sát hai nhà lãnh đạo trước khi bước vào các phiên thảo luận chính thức tại khách sạn Metropole, Hà Nội.
"Chúng tôi nhìn nhau. Tôi giơ ngón tay cái lên. Tôi đặt câu hỏi \'Ông có dự cảm tốt về một thỏa thuận không?\'", Nakamura kể.
Chủ tịch Triều Tiên quay đầu về phía phiên dịch viên ngồi phía sau ông. Phiên dịch viên dịch câu hỏi của Nakamura, Chủ tịch Kim Jong-un bắt đầu trả lời bằng tiếng Triều Tiên.
"Còn quá sớm để nói, nhưng tôi không nói rằng tôi bi quan", phiên dịch viên nói, thuật lại lời Chủ tịch Kim Jong-un. "Từ những gì tôi cảm nhận lúc này, tôi có cảm giác rằng những kết quả tốt sẽ xuất hiện".
Nakamura cho hay với tư cách đoàn báo chí Nhà Trắng, ông cùng 12 người khác trong nhóm chịu trách nhiệm ghi chép lại các cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim cho hàng trăm phóng viên, nhà báo ở Hà Nội cùng hàng nghìn người khác ở Washington hay trên toàn thế giới.
"Đây là một trách nhiệm lớn lao, đi cùng hàng loạt thách thức chưa từng có", Nakamura nói.
Theo ông, đưa tin trong "bong bóng" Nhà Trắng đôi khi rất khó khăn. Các trợ lý của tổng thống luôn duy trì sự kiểm soát chặt chẽ và các phân đoạn chụp hình thường được lên kế hoạch kỹ lưỡng, việc tiếp cận với Tổng thống không dễ dàng.
Tại hội nghị thượng đỉnh đầu tiên ở Singapore hồi tháng 6 năm ngoái và trong bữa tối với Tổng thống Trump bên cạnh các cố vấn hôm 27/1, Chủ tịch Kim Jong-un đều tỏ ra khá kín kẽ, ông chủ yếu giữ im lặng. Dù có những phát ngôn ngắn gọn trong buổi chụp ảnh tại Metropole tối cùng ngày, ông vẫn không trả lời câu hỏi.
Phóng viên David Nakamura. Ảnh: George Washington University. |
Tại phiên chụp ảnh thứ hai, các cố vấn Nhà Trắng đã ngăn không cho phóng viên tham dự, chỉ cho phép ghi hình, chụp ảnh trước lúc bữa tối bắt đầu, sau khi hai phóng viên hô lớn câu hỏi về phía Tổng thống Trump.
Có một số đồn đoán cho rằng Chủ tịch Kim Jong-un dường như không thoải mái với việc phóng viên liên tục đặt câu hỏi, đôi khi hét lớn, điều không bao giờ xảy ra ở Bình Nhưỡng, nên đã yêu cầu không để báo chí vào.
Trong lúc các Mật vụ Mỹ kiểm tra an ninh trước khi hai lãnh đạo tới địa điểm họp thượng đỉnh ở khách sạn Metropole sáng 28/1, Nakamura cho biết các phóng viên đã bàn với nhau làm thế nào để khiến Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim trả lời câu hỏi.
Nhà Trắng đã lên lịch trình họp báo vào buổi chiều nên các phóng viên thống nhất với nhau rằng không cần thiết hỏi Tổng thống Trump những câu hỏi không liên quan đến chủ đề mà ông có thể trả lời sau. Vấn đề cần tập trung là liệu các phiên đàm phán hạt nhân có đứng vững không và liệu hai bên có đạt được tiến bộ nào không. Nhưng với Chủ tịch Triều Tiên, tất cả vẫn là câu hỏi lớn còn bỏ ngỏ.
Nakamura cho hay ông từng được các phóng viên Mỹ khác cảnh báo rằng lực lượng an ninh Triều Tiên khá lạnh lùng. Thực tế, khi ông đi qua chốt kiểm tra của cả Mật vụ Mỹ và nhân viên an ninh Triều Tiên, họ không quá đáng sợ.
Một người nói chuyện vui vẻ với một phóng viên ảnh từ báo New York Times. Một nhân viên an ninh khác thậm chí cho phép Nakamura chụp ảnh chiếc pin ve áo của anh này.
Sau khi Mật vụ hoàn tất kiểm tra an ninh, các phóng viên được dẫn tới nhà hàng nơi lãnh đạo Mỹ - Triều dự kiến dùng bữa trưa để chờ. Nhưng bất ngờ, họ lại được đưa tới một phòng hội nghị, nơi Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim đang ngồi.
Nakamura đứng ở bên phía Chủ tịch Kim Jong-un trong phòng, phía trước là một sợi dây thừng. Ông cố tiến đến sát nhất có thể nhưng được một phóng viên ảnh Triều Tiên nhắc nhở phải cẩn thận để không làm hỏng máy ảnh của anh ta đang gắn trên chiếc chân máy.
Nakamura tập trung ánh mắt vào Chủ tịch Kim. Khi Tổng thống Trump ngừng trả lời câu hỏi từ một phóng viên khác, ông nhận ra cơ hội đã đến.
Khoảnh khắc Chủ tịch Kim quay về phía phiên dịch viên, Nakamura cảm thấy "có hy vọng". Và khi ông bắt đầu nói bằng giọng khá trầm, sự hồi hộp biến mất.
Phóng viên quốc tế nói gì về hạ tầng CNTT của hội nghị Mỹ - Triều?
Chuẩn bị tốt về hạ tầng mạng viễn thông và CNTT, đảm bảo tốt an ninh mạng, đồ ăn miễn phí ngon, hiếu khách… là ... |
Hình ảnh hàng trăm phóng viên họp báo cùng Tổng thống Donald Trump
Tuy không đạt được thỏa thuận, nhưng Tổng thống Mỹ cho biết trong cuộc họp báo tại khách sạn JW Marriott chiều 28.2 rằng quan ... |
Ngày đăng: 17:00 | 02/03/2019
/ VnExpress