Giờ thì khiêu vũ đã thành ra phổ biến. Khắp chốn, mọi nơi người ta nhảy. Vỉa hè đường phố, vườn hoa, công viên chỗ nào cũng nhảy được. Cứ chiều đến là các bà, các ông ôm “loa kẹo kéo” ra chỗ rộng rãi là đã thành sàn nhảy thiên nhiên…

 

Quốc tế vũ là một trào lưu mới mẻ, thu hút đông đảo tầng lớp thanh niên, sinh viên

Những trào lưu mới

Quãng những năm 1965 - 1970 phong trào khiêu vũ (ngày ấy gọi là “quốc tế vũ”) ở Hà Nội đã lan tỏa rộng rãi. Đời sống bao cấp thiếu thốn đủ thứ, sinh hoạt giải trí cũng nghèo nàn, thành ra những tối thứ bảy, chủ nhật, ngoài mua vé xem chiếu bóng hay đạp xe dạo quanh hồ Hoàn Kiếm thì quốc tế vũ quả là một trào lưu mới mẻ, thu hút đông đảo tầng lớp thanh niên, sinh viên.

Các câu lạc bộ buổi tối ở trường đại học rất đông sinh viên đến tham gia học khiêu vũ. Người nhảy thành thạo dìu bạn mới học những động tác cơ bản. Trên sàn nhảy không có nhạc mà chỉ nghe một - hai - ba - bốn... Tùy vào Tango hay Cha cha cha mà người ta đếm thế nào. Các sinh viên nữ mặc sơ mi trắng, quần đen, tóc tết bím ngang vai say sưa học các động tác. Thi thoảng lại vang lên tiếng cười rúc rích, hồn nhiên của tuổi trẻ. Còn ở nhà máy khu liên cơ Cao - Xà - Lá (cao su, xà phòng, thuốc lá), giới công nhân viên chức coi quốc tế vũ là bộ môn sinh hoạt văn hóa hấp dẫn bậc nhất. Tùy vào lịch sinh hoạt của mỗi cơ sở mà chọn lựa giờ tập nhảy, nhưng nhìn chung các hội trường nhà máy vào buổi tối luôn vang lên tiếng nhạc của các vũ điệu Tango, Valse, Boston… Thanh niên nam nữ sau giờ tan ca lại rủ nhau đến hội trường. Họ trút bỏ bộ đồ bảo hộ rồi thay quần áo, đầu tóc gọn gàng, chân tuy đi dép nhựa nhưng từng đôi, từng cặp hòa vào tiếng nhạc. Dường như họ quên hết cả mệt nhọc sau những giờ đứng máy.

Ngày đăng: 14:15 | 28/12/2022

DUY NGỌC / ANTD