Bị cáo Nguyễn Thị Thuỷ được Chủ tịch HĐQT Lê Xuân Giang thuê phát triển kinh doanh đa cấp, trả 38 tỷ đồng trong 17 tháng.
Sáng 22/12, TAND Hà Nội tiếp tục xét xử sơ thẩm 7 bị cáo trong vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Công ty Liên Kết Việt. Tại ngày xét xử thứ hai, chỉ khoảng 20 bị hại có mặt so với hơn 500 người tới phiên khai mạc, phần lớn là người cao tuổi ở các tỉnh Bắc Giang, Vĩnh Phúc và Hải Dương.
HĐXX tập trung làm rõ thủ đoạn của nhóm bị cáo được Lê Xuân Giang thuê phát triển mô hình kinh doanh đa cấp của công ty, từ tháng 4/2014 đến cuối 2015.
Phụ trách nhóm, đồng thời là Phó Tổng giám đốc kinh doanh Liên Kết Việt, bị cáo Nguyễn Thị Thuỷ phủ nhận cáo buộc là người có vai trò cao nhất trong nhóm; chỉ đạo và trực xây dựng và tổ chức 15 chương trình khuyến mãi, phát triển mạng lưới tại các địa phương. Sản phẩm bán là máy khử độc Ozone giá 3,5 triệu đồng và các loại thực phẩm chức năng giá bán 600.000-860.000 đồng mỗi lọ 60 viên, gồm Ngũ linh đông trùng hạ thảo, Bổ não vương, Dưỡng cốt vương và sâm nhung đông trùng hạ thảo.
Thuỷ khai là một trong những khách hàng đầu tiên của Liên Kết Việt và từ tháng 4/2014 được Giang thuê làm nhân viên tư vấn, không giữ chức vụ nào. Trong nhóm "mọi người bảo nhau làm việc", không ai làm lãnh đạo. Cả 15 chương trình khuyến mại bị cáo buộc do nhóm này đưa ra, Thủy phủ nhận có liên quan.
Bị cáo chỉ có nhiệm vụ trả lời của khách hàng về sản phẩm, công ty và chính sách trả thưởng dựa vào thông tin Giang cung cấp và chỉ đạo. Thuỷ không tác động, thuyết phục khách mua hàng, cũng không trực tiếp thu tiền. Những việc này do bộ phận khác làm.
Với mỗi khách đăng ký mã hàng 7 triệu đồng, Thuỷ được trích hưởng 90.000 đồng. Cộng với hoa hồng và các loại tiền thưởng khác, Thủy hưởng 38 tỷ đồng trong 17 tháng, chia trung bình mỗi tháng 2,2 tỷ đồng.
Trước câu hỏi "tại sao chỉ tư vấn lại được hưởng nhiều lợi nhuận", Thủy nói "không rõ", nhận tiền theo "chính sách của công ty".
Bị cáo Nguyễn Xuân Trường trả lời chất vấn sáng 22/12. Ảnh: Thanh Danh |
Lời khai này của Thuỷ mâu thuẫn với lời khai của 4 thành viên còn lại nhóm. Vũ Thị Hồng Dung, Nguyễn Xuân Trường, Lê Thanh Sơn và Trịnh Xuân Sáng trước tòa đều xác nhận, không quen Giang, được Thuỷ rủ về Liên Kết Việt làm việc từ giữa năm 2014. "Thuỷ là trưởng nhóm, chỉ đạo toàn bộ ekip".
Bị cáo Dung được Giang và Thuỷ phân công phụ trách thuyết trình, lôi kéo bị hại trên danh nghĩa "dạy kỹ năng mềm". Dung vào Liên kết Việt khi công ty kinh doanh đã 10 năm, được cấp phép hoạt động kinh doanh đa cấp nên "yên tâm, tin tưởng và dốc sức làm việc".
Dung khẳng định "không tuyên truyền bất cứ thông tin sai lệch nào về pháp nhân của công ty" để lôi kéo bị hại, chỉ giảng dạy mọi người cách "tin và yêu cuộc sống". Dung được trả hơn 4 tỷ đồng trong 13 tháng, trung bình tháng hơn 300 triệu đồng.
"1.285 ngày ngồi trong trại tạm giam, tôi luôn ân hận", Dung khóc và tiếp tục khẳng định "phạm tội do hoàn cảnh khách quan, không biết Chủ tịch Giang có hành vi lừa đảo.
Bị cáo buộc tổ chức đào tạo kỹ năng thuyết trình, chăm sóc phát triển hệ thống nhà phân phối tại văn phòng Hà Nội và các tỉnh, hưởng lợi 4 tỷ đồng trong 13 tháng, Trường khai là đồng Hương với Thuỷ, được rủ vào làm việc trong nhóm từ tháng 7/2015. Bị cáo là người trực tiếp xây dựng nội dung và thuyết trình về công ty, lãnh đạo và phương pháp kinh doanh, chế độ hoa hồng.
Trường 5 lần phủ nhận đã thuyết trình sai lệch về công ty và chính sách trả thưởng. "Không hiểu sao các bị hại lại đổ tội này. Bị cáo rất hiểu về kinh doanh đa cấp nên chưa bao giờ nói với khách hàng là chỉ cần nộp tiền, không cần làm gì vẫn được hưởng hàng trăm triệu đồng. Tôi còn khuyên khách hàng, chỗ nào kinh doanh đa cấp mà nói vậy phải cảnh giác, vì thế là lừa đảo", Trường khai và phía dưới khán phòng rộ lên tiếng cười của các bị hại.
Trong quá trình điều tra, các bị hại đều khẳng định, được Trường hứa hẹn nếu nộp 7 triệu đồng sẽ được nhận 204 triệu đồng, đóng 1,3 tỷ sẽ thu về 450 tỷ đồng.
HĐXX phân tích, bản chất việc Trường tuyên truyền thông tin không đúng để lôi kéo bị hại nộp tiền là lừa đảo. Trường đáp lại: "Vấn đề không phải tôi nói hay mà là nói đúng nên người ta nghe".
Bị cáo Trịnh Xuân Sáng. Ảnh: Thanh Danh. |
Trong ekip, bị cáo Trịnh Xuân Sáng chiếm hưởng 17 tỷ đồng trong 16 tháng, thu nhập cao chỉ sau Thuỷ. Sáng khai chịu trách nhiệm giám sát quản lý hỗ trợ bộ phận IT, hỗ trợ bị hại đăng nhập vào ID trên website của Liên Kết Việt, xây dựng phần mềm trả thưởng đồng thời thống kê định kỳ về số lượng khách và tiền họ đã nộp.
Với mỗi khách nộp tiền, Sáng được Giang chia cho 40.000 đồng. Lý do được hưởng lợi tới 17 tỷ đồng, Sáng khai hiểu đây là chính sách của Liên Kết Việt chứ cũng "không rõ tại sao".
Trước việc bị cáo phủ nhận việc liên quan hành vi lừa đảo, thẩm phán cho hay bị cáo tích cực giúp sức để Liên Kết Việt lôi kéo bị hại, cũng hưởng lợi rất nhiều, vậy có phải chịu trách nhiệm không?". Sáng suy nghĩ hồi lâu, rồi khẽ trả lời "có".
Chiều nay, phiên toà tiếp tục làm việc.
Nhà chức trách cáo buộc, từ tháng 4/2014 đến tháng 11/2015, Liên Kết Việt có mạng lưới 34 chi nhánh, lôi kéo được hơn 68.000 bị hại tại 49 tỉnh tham gia, lừa đảo gần 2.100 tỷ đồng. Giang và đồng phạm chiếm đoạt hơn 1.000 tỷ đồng, số còn lại chi trả hoa hồng, tiền thưởng, nuôi bộ máy.
Hơn 6.000 bị hại được TAND triệu tập tới phiên xét xử sơ thẩm 7 bị cáo, dự kiến diễn ra trong 10 ngày.
Thanh Vân
6.000 bị hại sẽ đến phiên tòa xử Công ty Liên Kết Việt lừa đảo |
Chiêu trò của trùm đa cấp Liên kết Việt lừa hơn 68.000 người |
Mánh chiếm đoạt 1.100 tỷ đồng của Liên Kết Việt |
Ngày đăng: 14:43 | 22/12/2020
/ vnexpress.net