Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng quá trình chuyển sang cơ chế tự chủ đại học có nhiều điểm chưa có tiền lệ, cần bình tĩnh xử lý và xu hướng chung là ủng hộ.
Chiều 9/11, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội "làm sao để tự chủ đại học?", ông Đam nói: "Chúng ta thực hiện tự chủ đại học nhưng mới được một số bước và vẫn còn tiếp tục, bởi đây là một quá trình". Có năm điểm mang tính nguyên tắc về tự chủ đại học ở toàn thế giới và một điểm cho riêng Việt Nam.
Thứ nhất, đại học không chỉ là nơi làm ra trí thức mà còn là nơi làm việc, sinh hoạt của trí thức có mặt bằng nhận thức cao hơn mặt bằng chung. Vì vậy, đại học cần xây dựng mô hình quản trị tiên tiến, từ đó lan tỏa ra toàn xã hội, đảm bảo dân chủ, sáng tạo, khoa học.
Thứ hai, đại học đã tự chủ thì gắn liền với trách nhiệm giải trình, mọi hoạt động theo pháp luật, nhưng còn theo quy chế công khai để toàn xã hội giám sát.
Thứ ba, tự chủ đại học không có nghĩa Nhà nước không đầu tư tiền nữa, bởi nhiều nước vẫn đầu tư cho các đại học, không chỉ là đặt hàng, cấp học bổng mà còn xây dựng cơ sở vật chất. Thứ tư, tự chủ đại học không có nghĩa là không có quản lý mà phải quản lý theo quy định pháp luật.
"Thứ năm, với các nước, cả Chính phủ, xã hội và nhà trường thực hiện tự chủ nhưng có cơ chế để con nhà nghèo, người khuyết tật, trường hợp đặc thù không bị giảm cơ hội vào đại học, nhất là đại học chất lượng cao. Việc này được Việt Nam chú trọng hơn các nước", ông Đam nói.
Với các nước có nền kinh tế chuyển đổi như Việt Nam thì khái niệm chủ sở hữu đại học cũng thay đổi. Vì đóng góp của trường đại học không phải là tiền, nhà cửa, máy móc mà còn trí tuệ, học phí của người dân nên vì thế về lâu dài khái niệm chủ sở hữu không đơn thuần là của cơ quan tổ chức nào mà của toàn xã hội.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội |
"Về câu hỏi có nên bỏ chủ quản đại học hay không, thực ra luật pháp nước ta hiện nay đã không còn bộ chủ quản mà chỉ còn cơ quan quản lý và chủ sở hữu. Cơ quan quản lý tiến tới chỉ quản lý về công tác cán bộ", Phó thủ tướng nói.
Theo xu thế đó, ông Đam cho rằng cần sửa luật bởi hiện nay còn vướng mắc, như thu tiền tài trợ học phí và chi học phí; hay về tuổi giữ chức của cán bộ trong đại học; về việc mở ngành mới có liên quan đến tỷ lệ giáo sư, tiến sĩ, giảng viên.
"Trước mắt theo tôi có hai việc liên quan đến tự chủ đúng hướng và đúng quy luật là tất cả trường đều phải kiện toàn hội đồng trường, với tư cách là cơ quan có thực quyền chứ không phải hình thức. Các trường đều phải xây dựng quy chế điều hành, tổ chức, hoạt động nội bộ tỉ mỉ, chi tiết theo pháp luật và công khai để toàn dân biết, giám sát", ông Đam nói.
Về Đại học Tôn Đức Thắng, ông Đam một lần nữa khẳng định đã trao đổi với Bộ Tư pháp nhiều lần. "Chính phủ đã lập đoàn công tác có đại diện Bộ Tư pháp đến trường xem xét, phân tích, sau đó sẽ công khai kết quả, tinh thần là công minh, ủng hộ tự chủ đại học", ông Đam khẳng định.
Tại phiên chất vấn, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, tiếp tục tranh luận với đại biểu Lê Thanh Vân trước quan điểm cho rằng việc xử lý cách chức hiệu trưởng Đại học Tôn Đức Thắng với ông Lê Vinh Danh là sai thẩm quyền.
Ông Hiểu khẳng định, trong hệ thống pháp luật Việt Nam chỉ có Luật Viên chức và các quy định liên quan hướng dẫn thi hành luật này mới quy định về trình tự, thủ tục, thẩm quyền, thời hiệu, thời hạn, cách thức xử lý kỷ luật. Còn các luật chuyên ngành, trong đó có Luật Giáo dục đại học không quy định vấn đề này.
Dẫn đều 52 và 56 Luật Viên chức và các nghị định liên quan, ông Hiểu khẳng định, với viên chức quản lý thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền bổ nhiệm xử lý kỷ luật và quyết định hình thức kỷ luật. "Trường hợp ông Lê Vinh Danh, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam là cơ quan bổ nhiệm lại năm 2014. Đến nay, Đại học Tôn Đức Thắng chưa thành lập được hội đồng trường mới vì lý do khách quan và chủ quan", ông Hiểu phân tích
Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội |
Ông Hiểu nói tiếp, Luật Giáo dục đại học quy định thẩm quyền hội đồng trường là quyết định và trình cơ quan quản lý ra quyết định công nhận, bãi nhiệm, miễn nhiệm hiệu trưởng đại học công lập. Trường hợp Đại học Tôn Đức Thắng, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam không bãi nhiệm, miễn nhiệm mà chỉ thực hiện quy trình xử lý kỷ luật theo quy định pháp luật. Theo quy định, các hình thức xử lý chỉ có khiển trách, cảnh cáo, cách chức, buộc thôi việc mà không có hình thức nào là miễn nhiệm, bãi nhiệm.
"Với ông Lê Vinh Danh, Tổng Liên đoàn chọn hình thức cách chức. Việc xử lý vi phạm ở trường Tôn Đức Thắng, lãnh đạo Tổng Liên đoàn đã thực hiện công bằng, khách quan, chặt chẽ, thận trọng, đánh giá toàn diện công và tội. Việc này nhằm duy trì và phát triển bền vững nhà trường, trên cơ sở xin ý kiến cơ quan chức năng", ông Hiểu khẳng định.
Ông cũng cho rằng những năm qua Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tạo điều kiện tối đa cho Đại học Tôn Đức Thắng tự chủ nên đã đạt được những kết quả nổi bật. "Tuy nhiên, tự chủ phải trên cơ sở pháp luật và trách nhiệm giải trình", ông Hiểu nói.
Trước đó tại phiên chất vấn ngày 6/11, đại biểu Lê Thanh Vân, Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, đặt vấn đề, vừa qua Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cách chức ông Lê Vinh Danh, Hiệu trưởng trường Đại học Tôn Đức Thắng thì có đúng thẩm quyền?
Ông Vân không đồng tình với giải thích Hội đồng trường Tôn Đức Thắng đã bị giải thể nên Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phải xử lý, cách chức hiệu trưởng. Ông phân tích, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có quyền kỷ luật viên chức mình quản lý, còn chức danh hiệu trưởng phải thực hiện theo luật.
Đại học Tôn Đức Thắng, tiền thân là Đại học công nghệ dân lập Tôn Đức Thắng, do Liên đoàn Lao động TP HCM sáng lập và quản lý, sau đó chuyển sang mô hình bán công, rồi công lập và chuyển về Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Ông Lê Vinh Danh, 57 tuổi, học vị tiến sĩ, công tác tại trường từ năm 1999. Ông Danh làm Hiệu trường trường từ tháng 7/2007, trước khi bị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cách chức. Ngày 5/11, ông được phân công về khoa Tài chính - Ngân hàng của trường làm công tác giảng dạy, đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, ông Danh đã có nhiều vi phạm công tác Đảng và quản lý hành chính, như: duyệt chi hơn 14 tỷ đồng không đúng quy định, sử dụng hơn 10 tỷ đồng tiền lãi từ nguồn cho vay của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trích lập các quỹ không đúng mục đích vay, không phản ánh đầy đủ thông tin trên sổ sách kế toán. Ông Danh còn chỉ đạo mua sắm tài sản gây thiệt hại cho trường 29 tỷ đồng. Ngoài ra, việc chi trả lương cán bộ của nhà trường chưa minh bạch, chênh lệch lớn giữa hiệu trưởng và giảng viên.
Viết Tuân - Hoàng Thùy
Ngày đăng: 08:13 | 10/11/2020
/ vnexpress.net