Cơ quan chức năng Quảng Nam "chỉ có thể cảnh báo những vùng, điểm nguy cơ cao sạt lở, còn dự báo chính xác thời điểm xảy ra là không thể".

Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quảng Bửu nói như trên trong cuộc trả lời phỏng vấn VnExpress ngày 10/11.

- Mưa bão, sạt lở núi gây ra thiệt hại như thế nào ở Quảng Nam trong một tháng qua, thưa ông?

- Quảng Nam đã chịu ảnh hưởng của ba đợt thiên tai lớn, trong đó từ ngày 17 đến 19/9 mưa lũ; ngày 6 đến 13/10 thêm một đợt mưa lũ kéo dài và ảnh hưởng bão Molave ngày 27 đến 29/10.

Ba đợt thiên tai này gây thiệt hại nặng nề về người, dân sinh và kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội: 23 người chết, 23 người mất tích ở các huyện miền núi Nam Trà My, Bắc Trà My và Phước Sơn; thiệt hại vật chất trên 8.000 tỷ đồng.

Trước thiệt hại rất lớn, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành và địa phương tập trung khắc phục thiệt hại, trước mắt là nhà ở cho nhân dân; điện và viễn thông để phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn và sản xuất.

Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam đã nhanh chóng hỗ trợ các địa phương bị thiệt hại về người và nhà ở. UBND tỉnh cũng đã báo cáo và đề nghị Trung ương hỗ trợ khắc phục thiệt hại, đến nay tỉnh nhận được hỗ trợ từ Trung ương 100 tỷ đồng và 2.000 tấn gạo. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã cấp phát gạo đến các địa phương bị thiệt hại. Hiện các cơ quan chức năng tiếp tục công tác khắc phục nhằm sớm ổn định đời sống, sản xuất của người dân.

4801 a2 5792 1605022196
Ông Hồ Quang Bửu - Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Đắc Thành

- Ngoài nguyên nhân thời tiết, ông nhìn nhận trách nhiệm của chính quyền địa phương về cảnh báo sớm, sơ tán người dân ra khỏi vùng nguy cơ sạt lở như thế nào?

- Rút kinh nghiệm từ việc sạt lở đất xảy ra trên địa bàn xã Trà Vân, huyện Nam Trà My cuối năm 2017. Mùa mưa lũ năm nay, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các địa phương miền núi tăng cường cảnh báo sạt lở đất, lũ quét, lũ ống cũng như sơ tán người dân.

Trước khi bão Molave vào đất liền, các địa phương khu vực miền núi đã sơ tán 5.485 người ra khỏi khu vực nguy cơ sạt lở đất.

4828 img 3327 4582 1604978916
Bộ đội bới đất đá tìm kiếm các nạn nhân mất tích trong vụ sạt lở núi ở nóc ông Đề, thôn 1, xã Trà Leng hôm 30/10. Ảnh: Đắc Thành.

Phải nói rằng công tác cảnh báo, dự báo thiên tai do lũ quét, sạt lở đất là rất khó. Hiện nay chỉ có thể cảnh báo, xác định được những vùng, điểm có nguy cơ cao sạt lở còn dự báo chính xác thời điểm xảy ra là không thể.

Thời gian tới, để tăng cường công tác cảnh báo cho người dân biết và phòng tránh, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo tổ chức rà soát, kiểm tra để xác định cụ thể các khu vực, điểm có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất do mưa lớn. Trên cơ sở đó tổ chức cắm biển và lắp đặt hệ thống cảnh báo tại cộng đồng dân cư; khi xảy ra mưa lớn thì các địa phương chủ động sơ tán dân.

- Quảng Nam đã có bản đồ cảnh báo sạt lở do Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện, vậy bản đồ này được sử dụng như thế nào?

- Do tỷ lệ bản đồ lớn (1/50.000) nên khó xác định được cụ thể vị trí khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất. Để khắc phục việc này, UBND tỉnh đã kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục nghiên cứu và xây dựng Bộ bản đồ cảnh báo nguy cơ sạt lở đất đến cấp huyện và cấp xã với tỷ lệ 1/5.000.

- Quảng Nam là một trong những địa phương có nhiều thủy điện trên địa bàn, theo ông, việc này liên quan gì đến tình trạng lũ quét, sạt lở đất vừa qua?

- Thực tế khu vực xảy ra sạt lở đất tại huyện Nam Trà My và Phước Sơn chưa có đầu tư xây dựng thủy điện. Tuy nhiên, theo tôi việc đầu tư xây dựng nhiều thủy điện làm cho diện tích rừng tự nhiên bị giảm, điều này sẽ dẫn đến lớp thảm phủ thực vật rừng cũng bị thay đổi và các yếu tố về địa chất thủy văn cũng thay đổi.

Trước mùa mưa bão, UBND tỉnh đã chỉ đạo các chủ đập thủy điện kiểm tra, duy tu bảo dưỡng hệ thống cảnh báo ở khu vực hạ du. Tổ chức rà soát, ký kết quy chế phối hợp giữa chủ hồ thủy điện với Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp. Nhiệm vụ này được các chủ hồ thủy điện thực hiện khá tốt.

Tuy nhiên, với đợt thiên tai do bão số Molave và mưa lớn xảy ra từ ngày 27 đến 29/10 đã làm cho mạng viễn thông hoạt động không ổn định, một số khu vực không có mạng nên đã ảnh hưởng đến việc thông tin xả lũ của hồ thủy điện Đắk Mi 4 . Mặt khác, do lũ về hồ quá lớn và đột ngột trong thời gian ngắn vượt tần suất lũ kiểm tra nên việc thông báo cho vùng hạ du cũng khẩn cấp.

4829 z2160176211759 732a0f0454c00b5 4092 9962 1604978916
Thủy điện Đăk Mi 4 vận hành qua tràn với lưu lượng hơn 500 m3/s hôm 31/10. Ảnh: Đắc Thành.

Để khắc phục tồn tại này, tới đây, UBND tỉnh giao cho Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh làm việc với chủ các đập thủy điện để thiết lập và xây dựng hệ thống thông tin cảnh báo xả lũ đồng bộ, với nhiều hình thức cảnh báo cộng đồng; còi hú; đài FM, ... và tổ chức hướng dẫn cho nhân dân vùng hạ du.

Ngày 28/10, tại xã Phước Lộc (huyện Phước Sơn) xảy ra vụ núi lở vùi lấp 13 người; đến nay tìm thấy 9 thi thể, 4 người còn mất tích.

Cùng ngày, tại xã Trà Leng (huyện Nam Trà My), một vạt núi lở xuống vùi lấp 55 người, khiến 9 người chết, 13 người mất tích, 33 người bị thương.

Hiện các lực lượng địa phương phối hợp với Quân khu 5 đang nỗ lực tìm kiếm những người mất tích.

Đắc Thành

Các thủy điện tại Quảng Nam phải hạ thấp mực nước hồ để đón lũ Các thủy điện tại Quảng Nam phải hạ thấp mực nước hồ để đón lũ
Quảng Nam lại xảy ra sạt lở núi, một phụ nữ thiệt mạng Quảng Nam lại xảy ra sạt lở núi, một phụ nữ thiệt mạng
Quảng Nam tiếp tục tìm kiếm nạn nhân mất tích ở Trà Leng Quảng Nam tiếp tục tìm kiếm nạn nhân mất tích ở Trà Leng
Lũ quét ào ào đổ về, lại một ngôi làng ở Quảng Nam bị Lũ quét ào ào đổ về, lại một ngôi làng ở Quảng Nam bị "xoá sổ"

Ngày đăng: 08:51 | 11/11/2020

/ vnexpress.net