Trong lúc các phim kinh dị nước ngoài được khán giả Việt chờ đón thì nhiều phim kinh dị Việt lặng lẽ ra rạp rồi biến mất
Đề tài kinh dị vẫn được nhiều nhà làm phim Việt chọn lựa bởi không đòi hỏi kinh phí quá cao nhưng khả năng ăn khách là rất lớn. Thế nhưng, sau hàng chục bộ phim loại này ra đời, chưa có phim nào đủ sức thu hút người xem như phim Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan đã làm.
Khán giả ngày càng ngán
Sau "Quả tim máu" từ kịch lên phim, doanh thu hơn 70 tỉ đồng, một loạt phim kinh dị Việt được đầu tư theo kiểu "thấy người ăn khoai mình vác mai đi đào" và thất bại. Có thể kể: "Ám ảnh", "Mặt nạ máu", "Ma nữ báo thù", "Phim trường ma"... Chính vì loạt phim có yếu tố kinh dị chất lượng kém này, khán giả Việt mất dần niềm tin vào thể loại đang làm mưa làm gió ở nhiều thị trường điện ảnh của thế giới.
Phim kinh dị Việt lâu nay luôn được người trong giới nhận định không phải thể loại kinh dị chuẩn mà là sự pha trộn giữa nhiều yếu tố ngôn tình, hài hước, hành động, trinh thám có chút ma quái, ám ảnh. Vì quá nhiều yếu tố dồn vào một phim khiến nội dung bị dàn trải, dài dòng, thiếu đi sức hút đáng kể.
Sự thiếu liền mạch kịch bản, tình tiết vô lý, chuyển biến tính cách nhân vật không thuyết phục và cái kết dễ đoán là những yếu tố khiến nhiều khán giả lắc đầu ngao ngán với kinh dị Việt. Những tín hiệu khởi sắc cho dòng phim kinh dị Việt từ một hai phim phát hành từ năm 2014 đã tắt lụi đến tận ngày nay. Mặc dù thời gian gần đây, phim kinh dị Việt cũng có nhiều tác phẩm làm tử tế, chỉn chu như: "Cô hầu gái", "Xưởng 13", "Ống kính sát nhân", "Lời kết bạn chết chóc", "Người bất tử"..., hay gần đây nhất là "Vai diễn để đời". Tuy nhiên, những nỗ lực này vẫn chưa đủ để lấy lại niềm tin khán giả bởi nội dung chưa thuyết phục công chúng, khen chê khác nhau dẫn đến doanh thu thấp. Phim "Người bất tử" (đạo diễn: Victor Vũ) gây chia rẽ khán giả nhiều nhất, khen cũng có và chê cũng không ít. Phim tạo được dấu ấn về bối cảnh đẹp, phục trang, âm nhạc, diễn xuất của diễn viên nhưng còn nhiều lỗ hổng từ khâu kịch bản khiến câu chuyện chưa mượt, nhiều đoạn lúng túng với các câu hỏi không được lý giải đến nơi đến chốn. Phim có thoại còn nặng tính giải thích vấn đề chứ chưa tự nhiên. Cái kết của "Người bất tử" gây tranh cãi nhiều nhất và dù người trong nghề cảm thông yếu tố kiểm duyệt nhưng khán giả vẫn thấy khó hiểu, ức chế. "Tôi đi xem phim "Người bất tử" cùng người thân, bạn bè và thấy thất vọng. Phim có ý tưởng thú vị, có đầu tư, khao khát thể hiện một câu chuyện kinh dị giàu chiều sâu nhưng chưa làm được. Phim khiến người xem có cảm giác lấn cấn, không kết nối cảm xúc dẫn đến chán, chẳng còn sức hấp dẫn" - nhà báo Cát Vũ bày tỏ.
Cảnh trong phim “Người bất tử”. (Ảnh do nhà phát hành cung cấp)
Khó thoát vòng kiểm duyệt?
"Với thể loại phim kinh dị, tôi nghĩ khán giả thích phim nước ngoài hơn vì chất lượng thường tốt. Khán giả trẻ có điều kiện tiếp cận nhiều tác phẩm điện ảnh cùng thể loại của các nước nên thị hiếu của họ cũng ngày càng được nâng cao, nhà làm phim Việt cần sự đầu tư nhiều về kịch bản nếu muốn chinh phục khán giả" - đạo diễn Luk Vân khẳng định.
Kịch bản là vấn đề quan trọng, góp phần lớn vào thành công của một tác phẩm điện ảnh nói chung chứ không riêng dòng phim kinh dị. Nhưng khó khăn lớn nhất trong việc sáng tạo kịch bản cho phim kinh dị ở Việt Nam là vấn đề kiểm duyệt. Phim về ma quái, kinh dị liên quan đến bùa ngải, nhập hồn, thế giới cõi âm... rất khó để sáng tạo vừa khai thác sâu tâm linh vừa không sa đà dẫn đến tuyên truyền mê tín, dị đoan. Để né cửa kiểm duyệt, nhiều phim kinh dị Việt phải uyển chuyển đoạn kết thành một giấc mơ hoặc chuyển dần sang một vụ án mạng mà hung thủ là kẻ bị ám ảnh bởi sự ma quái trong tưởng tượng sau khi thủ ác. Đây là hạn chế khiến nhiều phim dù phần nội dung ban đầu cuốn hút nhưng lại trở nên vô duyên ở đoạn sau, cái kết "trăm lần như một" rất dễ đoán. Bởi thế, dù phim biến hóa kỳ ảo đến mấy, một sự chệch nhịp, hụt hẫng ở đoạn cuối cũng phá vỡ cả một công trình đã được nỗ lực xây dựng trước đó. Điều này khiến không ít nhà làm phim phải đổ nhiều công sức hơn cho tác phẩm kinh dị nếu muốn vừa tạo sự mới lạ vừa không khiến khán giả thất vọng, nhất là đoạn kết. Nhà biên kịch Kay Nguyễn chia sẻ kịch bản "Người bất tử" phải chỉnh sửa hơn 30 lần và riêng đoạn kết phải làm đến 6 lần, khai thác đủ kiểu. "Biên kịch Việt Nam không ngại những chủ đề kinh dị đáng sợ. Tôi và các đồng nghiệp đủ khả năng sáng tạo nên những câu chuyện ghê rợn kiểu kinh dị của Thái Lan hay Nhật Bản từng làm. Tuy nhiên, đôi cánh sáng tạo của chúng tôi không thể bay ra khỏi vòng kiểm duyệt kỹ càng" - biên kịch Thanh Hương nói.
Đổi hướng khai thác Theo biên kịch Thanh Hương, muốn phim kinh dị Việt phát triển như các nước trong khu vực, nhà quản lý cần để sự sáng tạo bay xa hơn. Chúng ta đã phân loại phim hạn chế khán giả tiếp cận thì sao cứ phải kiềm chế sáng tạo? Gần đây, phim "Thiên linh cái" của đạo diễn Hàm Trần bắt đầu quá trình quảng bá và thu hút sự chú ý của công chúng. Từ sự hiến kế của khán giả, phim không tạo cái kết như thường gặp, để vừa tạo được sự thỏa mãn tò mò về bùa ngải, phù chú vừa có giá trị cảnh tỉnh sự quá đà, mê muội tâm linh. Việc đổi hướng khai thác này có thể mở ra hướng tốt hơn cho dòng phim kinh dị Việt. |
Người Mỹ làm lại phim kinh dị Việt ‘Cô hầu gái’ Bộ phim kinh dị của đạo diễn Derek Nguyễn và nữ diễn viên Nhung Kate chuẩn bị được người Mỹ remake trong thời gian tới. |
‘Xưởng 13’: Phim kinh dị Việt về hậu quả của trò câu view trên mạng Là một tác phẩm kinh dị, nhưng những yếu tố gây sợ hãi của “Xưởng 13” chưa thực sự tốt. Bù lại, cốt truyện phim ... |
Minh Khuê
Ngày đăng: 21:00 | 08/12/2018
/ https://nld.com.vn