Theo nhà nghiên cứu Hoàng Việt, cho phép chiếu Điệp vụ Biển đỏ chính là tiếp tay cho yêu sách sai trái của Trung Quốc trên Biển Đông; trả lời của Cục Điện ảnh cho thấy thiếu kiến thức về vấn đề Biển Đông, vô trách nhiệm
Theo nhà nghiên cứu Hoàng Việt, Ban nghiên cứu luật Biển và hải đảo của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, nếu chỉ nhìn mấy chi tiết trong phim, có thể những người không có kiến thức về vấn đề Biển Đông thấy là bình thường, vì trong phim chỉ nói chung chung, không nói trên khu vực nào trên Biển Đông. Tuy nhiên, đặt trong bối cảnh các yêu sách của Trung Quốc đối với Biển Đông, thì lại khác.
"Duy nhất chỉ có Trung Quốc đơn phương yêu sách gần 80% Biển Đông là thuộc chủ quyền của họ, và đương nhiên, họ không dựa trên yếu tố pháp lý nào. Bị quốc tế phản đối, họ đã luôn tìm cách khẳng định bằng cách tuyên truyền bằng nhiều biện pháp để giúp cho yêu sách của họ có lợi thế. Vì thế, nếu hiểu về vấn đề Biển Đông và hiểu về yêu sách sai trái của Trung Quốc trên Biển Đông, thì chúng ta sẽ hiểu ngay thông điệp trong phim này muốn nói gì", nhà nghiên cứu Hoàng Việt nói.
Như vậy, có thể hiểu Điệp vụ Biển đỏ mang thông điệp Biển Đông là của Trung Quốc không?
Nhà nghiên cứu Hoàng Việt: Chắc chắn là có.
Năm 2016, Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Tây Ninh đã không đóng dấu chứng 6.703 hộ chiếu của công dân Trung Quốc xuất, nhập cảnh qua cửa khẩu Mộc Bài do có in hình “đường lưỡi bò” xâm phạm đến chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Ông thấy có sự tương đồng nào giữa các hộ chiếu mang đường lưỡi bò với bộ phim Điệp vụ Biển Đỏ không?
Trung Quốc sử dụng một cuộc chiến phi quân sự để giành những lợi thế trên Biển Đông, mà các nhà nghiên cứu gọi là 3 cuộc chiến, bao gồm cuộc chiến truyền thông, tâm lý và pháp lý. Chính vì vậy, các hành động của họ nếu tách rời thì tưởng chừng vô hại nhưng nó nằm trong một chiến lược chung của người Trung Quốc rất rõ ràng.
Chúng ta thấy từ việc bài báo trên tạp chí của nhà khoa học Trung Quốc đăng trên tạp chí ở phương Tây đều kèm theo “đường lưỡi bò”, mặc dù nó có khi chẳng liên quan. Rồi các bản đồ, quả địa cầu xuất bản khắp nơi đều có “đường lưỡi bò”, đến các hộ chiếu của các công dân Trung Quốc sang du lịch Việt Nam cũng có in “đường lưỡi bò”... Rất nhiều những vấn đề tương tự.
Nếu xâu chuỗi nhiều sự kiện này với các chi tiết trong phim Điệp vụ Biển đỏ, đặc biệt là tin tức về bộ phim trên website của Bộ Quốc phòng Trung Quốc, rõ ràng là phim này nằm trong chiến lược tuyên truyền cho yêu sách chủ quyền vô lý và đi ngược luật pháp quốc tế của họ.
Trả lời của Cục Điện ảnh cho thấy họ "vô trách nhiệm"
Theo ông, có nên duyệt cho phép một bộ phim mang thông điệp Biển Đông thuộc Trung Quốc được chiếu ở Việt Nam không?
Theo tôi, không thể cho phép chiếu Điệp vụ Biển Đỏ ở Việt Nam, vì vô hình chung chúng ta đã tiếp tay cho các yêu sách sai trái của họ. Chỉ nói đơn giản nhất, khi phim này chiếu xong ở Việt Nam mà không có phản ứng gì, phía Trung Quốc sẽ tìm cách tuyên truyền đối với dân chúng Trung Quốc rằng, yêu sách của Trung Quốc là đúng đắn. Họ cũng sẽ nói kể cả Việt Nam khi chiếu bộ phim khẳng định chủ quyền của trên Biển Đông, người Việt Nam cũng đồng tình.
Điều này sẽ gây ảnh hưởng xấu đến chủ quyền của chúng ta. Chưa kể chúng ta và cộng đồng thế giới đang lên án yêu sách sai trái này, và muốn nhân dân Trung Quốc hiểu rõ đâu là lẽ phải, đâu là vi phạm luật pháp quốc tế.
Tôi cũng cho rằng, trả lời của Cục Điện ảnh cho thấy họ thiếu kiến thức về vấn đề Biển Đông và vô trách nhiệm. Lẽ ra, nếu họ không hiểu, nên hỏi rõ các chuyên gia. Thêm vào đó, khi họ sai sót, còn không nhận lỗi mà còn cố biện minh.
Hiện tại, các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đang vất vả chống lại các tuyên truyền sai trái từ Trung Quốc về chủ quyền biển đảo. Nhiều học giả Việt Nam trên thế giới đã và đang chống lại các địa cầu có in hình lưỡi bò trên thế giới, cũng như các bản đồ phản ánh không đúng thực chất về chủ quyền và tranh chấp trên Biển Đông. Trong khi đó, việc duyệt phim và Cục Điện ảnh trả lời về việc duyệt phim rất thiếu trách nhiệm và không cầu thị.
Cục Điện ảnh lên tiếng chống chế vụ để phim "Điệp vụ biển Đỏ" ra rạp
Bị cho là thiếu nhạy cảm khi để phim "Điệp vụ biển Đỏ" ra rạp nhưng Hội đồng Trung ương thẩm định phim truyện và ... |
Lãnh hải Trung Quốc trong khu vực Biển Đông !?
Đó là khái niệm mà Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch) trả lời về bối cảnh hạm đội Trung ... |
Ngày đăng: 13:35 | 27/03/2018
/ Báo Thanh Niên