Philippines hôm 13/4 triệu đại sứ Trung Quốc tại Manila để truyền đạt sự không hài lòng của nước này và yêu cầu tàu Trung Quốc rút khỏi khu vực đá Ba Đầu.

Đá Ba Đầu là rạn san hô thuộc khu vực cụm Sinh Tồn, quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Philippines cũng có tuyên bố chủ quyền chồng lấn ở khu vực này.

Trong tuyên bố đưa ra mới đây, Bộ Ngoại giao Philippines cho biết đã triệu tập Đại sứ Trung Quốc Hoàng Khê hôm 12/4, yêu cầu Bắc Kinh rút tất cả các tàu của nước này hiện neo đậu tại đá Ba Đầu.

Cơ quan ngoại giao Philippines cho biết, họ nhắc lại với ông Hoàng rằng Philippines đã thắng trong vụ kiện Trung Quốc lên Tòa trọng tài năm 2016. Phán quyết của Tòa Trọng tài cách đây 5 năm bác bỏ các yêu sách nằm trong "đường lưỡi bò" phi lý mà Trung Quốc vẽ ra trên Biển Đông.

Philippines triệu đại sứ Trung Quốc, yêu cầu rút hết tàu ở đá Ba Đầu - 1
Hình ảnh các tàu Trung Quốc trên Biển Đông. (Nguồn: Thestar)

Philippines cũng kêu gọi Đại sứ quán Trung Quốc đảm bảo cư xử phù hợp với tư cách là khách của Philippines sau khi cơ quan này khẳng định lời kêu gọi rút đội tàu của Manila là "thiếu chuyên nghiệp". Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila từ chối bình luận về thông tin này.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc trước đó khẳng định các tàu của nước này neo đậu tại đá Ba Đầu chỉ là tàu cá tới trú ẩn trước thời tiết xấu. Philippines nói tuyên bố này là sai sự thật và các đội tàu này do dân quân điều khiển.

Hôm 13/4, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Teodoro Locsin cho biết, hiện vẫn còn 9 tàu Trung Quốc hiện diện trong khu vực. Manila trước đó khẳng định sẽ gửi công hàm phản đối mỗi ngày cho tới khi Trung Quốc rút toàn bộ tàu neo đậu tại đá Ba Đầu.

Trong cuộc họp báo ngày 25/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh, tàu cá Trung Quốc ở đá Ba Đầu đã xâm phạm chủ quyền Việt Nam, vi phạm quy định của Công ước về hoạt động của tàu thuyền nước ngoài trong lãnh hải quốc gia ven biển và đi ngược lại Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) được ký kết giữa ASEAN và Trung Quốc năm 2002.

"Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt vi phạm, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, thiện chí thực hiện Công ước, nghiêm chỉnh tuân thủ DOC, đặc biệt là nghĩa vụ kiềm chế, không làm phức tạp tình hình, tạo môi trường thuận lợi cho tiến trình đàm phán Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), đóng góp vào việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định và trật tự pháp lý trên biển tại khu vực", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh.

Hôm 21/3, lực lượng cảnh sát biển Philippines cho biết khoảng 220 tàu do dân quân biển Trung Quốc điều khiển neo đậu ở đá Ba Đầu thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam từ 7/3. Các tàu này bật đèn suốt đêm nhưng không hề đánh bắt.

Sau vài tuần, một số tàu di chuyển tới các bãi đá ngầm và đảo khác nhưng vẫn còn khoảng hơn nhiều tàu tập trung ở đá Ba Đầu.

Nhiều quốc gia lên tiếng quan ngại việc Trung Quốc tập hợp một lực lượng tàu lớn tại Biển Đông, cho rằng điều này có thể làm gia tăng căng thẳng tại vùng tranh chấp đầy bất ổn.

Về phần mình, Trung Quốc ngang ngược tuyên bố các tàu của nước này neo đậu ở đá Ba Đầu là tàu đánh cá trú ẩn tại cái mà Bắc Kinh gọi là "quần đảo Nam Sa".

"Việc tàu cá Trung Quốc đánh cá và trú ẩn gần bãi đá trong điều kiện biển động là hoàn toàn bình thường", đại sứ quán Bắc Kinh tại Manila hôm 3/4 nói.

Trung Quốc không có quyền lộng hành "chiến thuật vùng xám" ở đá Ba Đầu Trung Quốc không có quyền lộng hành "chiến thuật vùng xám" ở đá Ba Đầu

Bắc Kinh đang tiếp tục sử dụng “chiến thuật vùng xám” nhằm mở rộng kiểm soát không gian biển, mưu đồ thâu tóm Biển Đông, ...

Philippines gửi công hàm phản đối mỗi ngày nếu tàu Trung Quốc chưa rời đá Ba Đầu Philippines gửi công hàm phản đối mỗi ngày nếu tàu Trung Quốc chưa rời đá Ba Đầu

Bộ Ngoại giao Philippines mới đây tuyên bố sẽ gửi công hàm phản đối mỗi ngày nếu Trung Quốc không rút các tàu neo đậu ...

Ngày đăng: 19:17 | 13/04/2021

/ vtc.vn