Ngày 6/5, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao mở phiên xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải - 34 tuổi, bị tuyên án tử hình về các tội "Giết người" và "Cướp tài sản" xảy ra tại Bưu điện Cầu Voi (huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) vào năm 2008.
Ngày 6/5, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao mở phiên xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải - 34 tuổi, bị tuyên án tử hình về các tội "Giết người" và "Cướp tài sản" xảy ra tại Bưu điện Cầu Voi (huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) vào năm 2008.
Hội đồng Thẩm phán gồm 17 thành viên do ông Nguyễn Hòa Bình, Chánh án TAND Tối cao, làm chủ tọa. Ngoài ra, phiên giám đốc thẩm còn có đại diện Văn phòng Chủ tịch nước, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội; VKSND Tối cao, đại diện Bộ Công an; các cơ quan tố tụng tỉnh Long An; luật sư (LS) bào chữa cho bị cáo…
Toàn cảnh phiên giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải |
Các điều tra viên tham gia điều tra vụ án là ông Lê Thành Trung (hiện là Trưởng Công an huyện Đức Hòa, tỉnh Long An), Nguyễn Văn Linh (hiện là Phó trưởng Phòng PC06 Công an tỉnh Long An) cùng các cán bộ giám định hiện trường, bác sĩ khám nghiệm tử thi cũng có mặt tại phiên tòa. Ông Nguyễn Thanh Phong (hiện là Phó trưởng Công an huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) - cán bộ điều tra vụ án, lập biên bản, quyết định lệnh tạm giam đối với Hồ Duy Hải - vắng mặt. LS Trần Hồng Phong - bào chữa cho Hồ Duy Hải - có mặt tại phiên xét xử, 2 LS khác vắng mặt.
Phiên giám đốc thẩm vụ Hồ Duy Hải (35 tuổi) kêu oan về cáo buộc giết 2 nữ nhân viên Bưu điện Cầu Voi ở xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa (Long An) cướp tài sản, tiếp tục với phần tranh luận của đại diện VKSND Tối cao và các điều tra viên nhằm làm rõ những mâu thuẫn trong lời khai của bị cáo và các bất thường trong vụ án.
TTXVN đưa tin, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình đề nghị VKSND Tối cao phân tích rõ các nội dung đã nêu trong kháng nghị.
Đại diện VKS cho rằng, những lời khai về hành động của Hồ Duy Hải sau vụ án có sự mâu thuẫn rất lớn với kết quả khám nghiệm hiện trường và lời khai nhận tội của bị cáo.
Tại biên bản khám nghiệm hiện trường vào sáng ngày 14/1/2008 (một ngày sau án mạng) phản ánh: trên bàn bếp có ly, tô, dĩa đã sử dụng chưa rửa; khu vực nền nhà tắm và bồn rửa mặt khô ráo; mở vòi không có nước chảy. Trong khi Hải có nhiều lời khai về việc sau khi gây án đi ra nhà tắm mở vòi nước rửa tay, dao cho sạch máu; đập đầu, mặt chị Hồng (một trong hai nạn nhân) vào bồn rửa mặt nhưng kết quả khám nghiệm không thể hiện các dấu vết tại đây.
Để làm rõ, đại diện VKSND Tối cao đặt câu hỏi với ông Lê Thành Trung - điều tra viên của vụ án, hiện là Trưởng Công an huyện Đức Hòa, Long An.
Theo ông Trung, trong giai đoạn đầu, do bị can Hồ Duy Hải sợ bị mức án cao nên khai bất nhất có tình tiết thừa, tình tiết thiếu để kéo dài thời gian điều tra. Cho đến các bản hỏi cung ngày 27/6, 7/7 và ngày 11/7/2008 có điều tra viên, kiểm sát viên, luật sư tham gia Hải đã "khai toàn bộ tình tiết sự thật".
Trong bản cung ngày 7/7/2008 tại Công an tỉnh Long An, Hải cam kết rằng: "Nếu lời khai hôm nay mâu thuẫn với những lời khai trước thì lời khai hôm nay là lời khai đúng", ông Trung cho biết. Những biên bản này cũng giải thích về tất cả mâu thuẫn trong các lời khai khác.
Trong bút lục 98 Hải cũng khẳng định không đập đầu nạn nhân vào bồn rửa mặt mà dùng thớt đập đầu ở cầu thang là lời khai đúng.
Cũng trong hôm 7/7/2008 khi được lấy lời khai, Hải trả lời luật sư rằng: "Hiện tại sức khỏe của tôi đủ tỉnh táo để làm việc. Quá trình đưa vào phòng làm việc trước đây tôi không bị ai ép buộc khai báo, cả điều tra viên cũng không ép cung, mà tôi tự khai... Trước đây tôi không yêu cầu luật sư bào chữa, nhưng sau khi điều tra viên, kiểm sát viên giải thích nên tôi đồng ý luật sư tham gia quá trình hỏi cung".
Hải cũng nói: "Tôi khai là đập đầu nạn nhân vào nắp lavabo trong nhà vệ sinh nhưng thực tế là đập bằng thớt ở chân cầu thang... Tôi chính là thủ phạm gây ra cái chết cho 2 nạn nhân, nhưng quá trình khai báo, do tư tưởng không ổn định, tôi cố tình khai thiếu hoặc thừa tình tiết để kéo dài thời gian điều tra...".
Được mời phát biểu ý kiến, đại diện cơ quan giám định vụ án cho biết, theo khám nghiệm hiện trường, ở bồn rửa mặt có ghi nhận một số dấu vân tay, chứ không có dấu vết đập đầu vào lavabo.
Tiếp đó, đại diện VKSND Tối cao cho rằng, Hải có nhiều lời khai mâu thuẫn về cách thức tấn công nạn nhân nhưng cơ quan điều tra, tòa án các cấp chưa làm rõ và tiếp tục đặt câu hỏi với điều tra viên "căn cứ vào đâu mà kết luận Hải dùng thớt đập vào đầu nạn nhân chứ không phải đập đầu vào lavabo? Có dấu vết ở nắp lavabo hay không?".
Ông Trung giải thích, trong bản cung ngày 7/7/2008, bị can khẳng định dùng thớt đập đầu nạn nhân ở chân cầu thang chứ không phải đập đầu vào bồn rửa mặt. Lời khai này phù hợp với biên bản khám nghiệm hiện trường. Ngoài ra, biên bản khám nghiệm tử thi thể hiện nạn nhân Hồng vùng đầu có nhiều vết tụ máu, vết rách... chứng tỏ vùng đầu, mặt của nạn nhân đã bị va đập, có vật cứng tác động.
Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình chủ tọa phiên giám đốc thẩm |
Đại diện VKS tiếp tục chất vấn điều tra viên về lời khai dùng thớt đập vào đầu nạn nhân có khớp với biên bản khám nghiệm hiện trường hay không? Tại sao khám nghiệm hiện trường không thu được vật chứng cái thớt?
Tiếp tục dẫn biên bản lời khai 7/7/2008, điều tra viên vụ án cho rằng, Hải khẳng định lời khai đập đầu vào bồn rửa mặt là sai nên biên bản khám nghiệm hiện trường không có dấu vết va chạm. "Do sơ suất của điều tra viên trong khám nghiệm hiện trường, nhận định của điều tra viên còn hạn chế, chưa xác định rõ dấu vết, nhận định khả năng hung khí gây ra là dao nên trong quá trình khám nghiệm không chú tâm vào hung khí là thớt. Đây là thiếu sót của cơ quan điều tra, xin nhận khuyết điểm này", ông Trung nói.
Về căn cứ để kết luận điều tra, ông Trung cho biết đã dựa vào biên bản khám nghiệm hiện trường phản ánh có thớt ở vị trí vết máu - phù hợp với lời khai của bị can, phù hợp kết quả giải phẫu tử thi.
Được đề nghị đánh giá sự thay đổi trong lời khai của Hồ Duy Hải, đại diện VKSND tỉnh Long An cùng quan điểm với ông Trung.
Về thời gian gây án, VKSND Tối cao cho rằng Hải không thể có mặt tại bưu điện lúc 19h39 như trong kết luận điều tra. Bởi, nhân chứng Đinh Vũ Thường khai đến đây gọi điện về Cà Mau lúc 19h39, nhìn thấy một thanh niên ngồi trong bưu điện. Nhưng cũng theo kết luận điều tra, vào lúc 19h13, Hải đang có mặt tại hiệu cầm đồ sau đó quay về nhà bà Len (dì ruột) trả xe...
Tại phiên xét xử, Chánh án Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh nhiệm vụ của phiên giám đốc thẩm này là kiểm tra, thẩm định, đánh giá tính hợp pháp, có căn cứ của các chứng cứ, tài liệu trong hồ sơ vụ án và chủ yếu làm rõ những nội dung trong kháng nghị của Viện KSND tối cao.
Trưa 6/5, luật sư Trần Hồng Phong cho biết ông chỉ được tham dự buổi đầu tiên để cung cấp chứng cứ, sau đó để Hội đồng thẩm phán làm việc nội bộ, dù trước đó ông đã đề nghị được tham dự trong cả 3 ngày xét xử.
Phóng viên (t/h)
Theo Nghề nghiệp & Cuộc sống
Mẹ của Hồ Duy Hải: Phải bán đất, bán nhà chỉ mong minh oan được cho con |
Những uẩn khúc trong kỳ án Hồ Duy Hải |
Cụ bà 93 tuổi muốn đi Hà Nội gặp cháu ngoại Hồ Duy Hải |
Ngày đăng: 08:43 | 07/05/2020
/