Năm 2023 qua đi với những biến cố khó lường. Thảm họa tự nhiên mang đến thiệt hại nặng nề, xung đột mới lại bùng nổ trong lúc những cuộc chiến cũ chưa rõ hồi kết... Nhiều thách thức mang tầm quốc tế đè nặng lên các quốc gia vốn đang chật vật ứng phó với tình hình kinh tế được đánh giá là phục hồi yếu sau đại dịch Covid-19, và điều đó có thể tiếp diễn trong năm nay.
Nhiều dấu hiệu bất ổn
Cho đến cuối tháng 9-2023, tình hình Trung Đông đầy hứa hẹn khi Israel và Saudi Arabia chuẩn bị ký thỏa thuận để chấm dứt sự thù địch, còn thỏa thuận ngừng bắn ở Yemen có vẻ đã được các nước liên quan nghiêm túc thực hiện. Thế nhưng chỉ ít lâu sau, ngày 7-10, Hamas bất ngờ tấn công miền Nam Israel, dẫn đến một chiến dịch tấn công trả đũa vào Dải Gaza và lời thề quét sạch Hamas của Nhà nước Do Thái. Tới nay đã là hơn ba tháng, bạo lực bùng nổ khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng, trong đó có hàng nghìn phụ nữ và trẻ em.
Trước đó, một điểm nóng khác bùng nổ ở châu Phi khi hàng loạt vụ đảo chính nổ ra tại Niger, Gabon..., gây bất ổn trong khu vực. Quân đội những quốc gia này sau đó đã thành lập các chính quyền quân sự, gây sức ép buộc các nước phương Tây chấm dứt sự hiện diện quân đội. Trong khi đó, xung đột Nga - Ukraine sau gần 2 năm vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt, tiếp tục khiến thị trường lương thực và năng lượng thế giới rơi vào tình trạng bấp bênh...
Những bất ổn mới cùng tàn dư mang tên Covid-19 và xung đột thương mại giữa các nước lớn tiếp tục đẩy nền kinh tế toàn cầu rơi vào tình trạng suy thoái lớn nhất kể từ giai đoạn 2007 - 2008. Cụ thể, năm 2023 được xem là năm khó khăn với sự giảm sút cả về mức tăng trưởng GDP, thương mại và đầu tư toàn cầu với điểm nhấn là cuộc khủng hoảng ngân hàng tại Mỹ, Thụy Sỹ và cuộc khủng hoảng năng lượng khiến mối lo lạm phát kéo dài. Hệ quả là các ngân hàng trung ương thường xuyên phải đau đầu cân nhắc giữa việc tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát hay dừng việc này để hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Trên nền khó khăn đó, vào giai đoạn cuối năm, những tín hiệu khởi sắc như chi tiêu tiêu dùng tăng, sản xuất phục hồi và lạm phát trên đà hạ nhiệt... dẫn đến hy vọng vào một bức tranh kinh tế thế giới tươi sáng trong năm 2024.
Biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt
Năm 2023, thực tế cho thấy biến đổi khí hậu không còn là mối đe dọa trên giấy. Tại Nhật Bản, Trung Quốc, châu Âu..., người ta ghi nhận mức nhiệt tăng cao kỷ lục. Theo những báo cáo ban đầu, nhiệt độ toàn cầu chưa từng cao như thế trong 125.000 năm qua và có nguy cơ vượt qua mức giới hạn dưới 2°C được ghi trong Thỏa thuận Paris năm 2015. Trong khi đó, mùa đông ở nhiều khu vực cũng lạnh chưa từng thấy. Năm 2023, lần đầu tiên 95% lãnh thổ Trung Quốc chìm trong băng giá, bão tuyết hoành hành khiến giao thông đình trệ tại Mỹ, nhiệt độ thấp kỷ lục khiến đời sống của người dân Bắc Âu gặp khó khăn.
Cùng với thời tiết cực đoan, thảm họa cháy rừng, hạn hán, lũ lụt xảy ra ở khắp nơi. Tháng 9-2023, trận động đất ở Morocco và lũ lụt ở Libya đã khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng và mất tích. Lũ cuốn phá hủy hầu hết công trình dân sự ở Derna (miền đông Libya), khiến hàng trăm ngàn người không có nhà ở. Trận động đất 7,8 độ Richter làm rung chuyển miền nam Thổ Nhĩ Kỳ và tây bắc Syria, cướp đi sinh mạng của hơn 50.000 người, thiệt hại về hạ tầng ước tính cần tới 100 tỷ USD để khắc phục. Tháng 8-2023, vụ cháy rừng lớn nhất ở Mỹ trong một thế kỷ qua đã khiến 115 người thiệt mạng...
Biến đổi khí hậu và xung đột khiến an ninh lương thực và năng lượng trở thành những vấn đề cấp thiết. Sản lượng ngũ cốc và hoa màu ở cường quốc nông nghiệp Ấn Độ giảm mạnh. Cuộc xung đột Nga - Ukraine, Israel - Hamas tiếp tục phân hóa dòng chảy năng lượng toàn cầu. Thực tế này, cùng với việc một số tuyến đường vận tải bị bóp nghẹt do xung đột mà mới nhất là khu vực Biển Đỏ, đã đẩy giá lương thực và năng lượng ở nhiều nơi tăng cao. Nhiều quốc gia thậm chí đã phải khởi động lại hệ thống nhà máy nhiệt điện, điện hạt nhân..., dẫn tới mối quan ngại về tác động mở rộng đối với môi trường.
Dù vậy, Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28), diễn ra vào tháng 12-2023, đã đi vào lịch sử khi lần đầu tiên sau ba thập niên vấn đề cắt giảm nhiên liệu hóa thạch được đưa vào tuyên bố chung, hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Xu hướng trí tuệ nhân tạo bùng nổ
Thế giới tiếp tục chứng kiến những bước tiến mới về công nghệ, nổi bật là cơn sốt toàn cầu về trí tuệ nhân tạo (AI). Công cụ ChatGPT được xem là “phát pháo hiệu” mở màn cho làn sóng bùng nổ của AI trong suốt năm qua. Hưởng ứng trào lưu mới, hàng loạt hãng công nghệ lớn đã nhanh chóng tung ra sản phẩm riêng, như Google với Bard, Microsoft với Bing Chat, Baidu với Ernie Bot... Sự xuất hiện của AI tạo sinh không chỉ giảm độ “vẹt” của các trợ lý ảo, mà còn mở ra hàng loạt mô hình sáng tạo mới ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Theo khảo sát của McKinsey Global, chưa đầy một năm sau khi các công cụ này ra mắt, hơn 30% trong số người được hỏi cho biết tổ chức của họ đang sử dụng AI tạo sinh cho ít nhất một chức năng kinh doanh. Gần 25% số giám đốc được hỏi cho biết họ đang sử dụng công cụ AI cá nhân cho công việc, 40% nói rằng tổ chức của họ sẽ tăng đầu tư vào AI vì những lợi ích mà chúng mang lại...
AI bùng nổ nhanh chóng cũng gây ra tranh luận về những nguy cơ, mà nổi bật là nguy cơ gây thất nghiệp hàng loạt, làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng xã hội, đặt ra vấn đề về đạo đức kỹ thuật số... Để đảm bảo "món mới" phát triển nhanh và đúng hướng, nhiều nước đã tính toán ban hành quy chế kiểm soát, nổi bật là Luật Trí tuệ nhân tạo của châu Âu.
Cũng trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, cuộc đổ bộ thành công của Ấn Độ lên mặt trăng trong năm vừa qua cho thấy sự quan tâm của các nước về việc chinh phục vũ trụ ngày càng lớn. Nổi bật, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) chi 93 tỷ USD cho chương trình Artemis đến năm 2025... Những nỗ lực này hứa hẹn một năm 2024 bận rộn trong lĩnh vực không gian.
Năm 2024 còn nhiều thách thức
Tới nay, những dự báo lạc quan nhất về năm 2024 vẫn cho thấy phía trước còn nhiều phức tạp. Kinh tế thế giới vẫn trên đà phục hồi nhưng sẽ còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Một số quốc gia, khu vực có thể gặp suy thoái cục bộ trong bối cảnh các điểm nóng và sự cạnh tranh giữa những nước lớn vẫn tiếp tục diễn biến khó lường.
Cùng với đó, các vấn đề an ninh phi truyền thống sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn, đe dọa trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội của nhiều nước cũng như môi trường an ninh quốc tế. Xu thế việc làm, các vấn đề về chống biến đổi khí hậu, kinh tế - xã hội và giáo dục đều sẽ có bước chuyển mang tính bước ngoặt, đòi hỏi những bước chuẩn bị phù hợp và kịp thời.
Tuy nhiên, tăng cường hợp tác, liên kết một cách có trách nhiệm chắc chắn vẫn là xu hướng chủ đạo của nhân loại, qua đó mở ra cơ hội giải quyết hiệu quả những vấn đề quốc tế quan trọng, hướng tới một thế giới hòa bình, ổn định và thịnh vượng.
https://hanoimoi.vn/phia-truoc-van-nhieu-thach-thuc-657939.html
Ngày đăng: 10:46 | 08/02/2024
Hoàng Linh / HNM