Ngày 2/8/2022, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã ký Quyết định số 928/QĐ-TTg cấp Bằng “Tổ quốc ghi công” truy tặng 3 liệt sĩ thuộc Bộ Công an đã hy sinh trong thực hiện nhiệm vụ chữa cháy tại phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội. Các anh ra đi để lại nỗi đau không gì bù đắp được cho những người ở lại…

20 năm làm Báo CAND, có một đề tài khiến tôi bị ám ảnh mỗi khi đi viết hoặc biên tập, đó là viết về sự hy sinh của những người đồng đội. Chiến tranh đã lùi xa mấy chục năm rồi, nhưng hầu như năm nào chúng tôi cũng phải viết về sự hy sinh của đồng đội, những người dù công tác ở nhiều đơn vị khác nhau, đó là Cảnh sát hình sự, Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý, Công an xã, Cảnh sát phòng cháy chữa cháy, Cảnh sát giao thông…. nhưng đã ngã xuống vì đấu tranh với tội phạm, vì cứu dân giữa vùng lũ lụt, vì chống dịch, vì cứu nạn khi chữa cháy…  Và những ngày qua, chúng tôi lại phải viết về đề tài đầy đau thương và nước mắt này khi 3 cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát PCCC Hà Nội hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ chữa cháy quán karaoke.

Mỗi lần viết về những người đồng đội đã hy sinh, điều khiến tôi day dứt nhất là khi nhìn thân nhân của họ. Phần đông anh em hy sinh khi còn rất trẻ, nên ai cũng để lại cha mẹ già, vợ trẻ, con thơ, vì thế đó là những người sẽ còn đeo đẳng mãi với nỗi đau mất con, mất chồng, mất cha.

Phía sau những tấm bằng Tổ quốc ghi công giữa thời bình -0
Đài tưởng niệm các Anh hùng Liệt sĩ trên đường Bắc Sơn (Ba Đình, Hà Nội). Ảnh: Văn Điệp, TTXVN

11 năm trước, khi viết bài về 4 cán bộ, chiến sĩ Công an Hoà Bình hy sinh khi bắt tội phạm ma tuý, tôi cứ bị ám ảnh với hình ảnh hai người vợ trẻ là chị Hà Thị Thuỷ, vợ Trung uý Sùng A Trư, cán bộ Công an huyện Mai Châu và chị Nguyễn Thị Huyền, vợ Thượng úy Đỗ Mạnh Linh, Đại đội phó Đại đội Cảnh sát cơ động, Phòng Cảnh sát bảo vệ, Công an tỉnh Hoà Bình.

Sùng A Trư hy sinh khi anh mới 26 tuổi trong cuộc truy bắt trùm ma tuý Vàng A Khua tại bản Hang Kia 1, xã Hang Kia, huyện Mai Châu. Đỗ Mạnh Linh hy sinh trong cuộc vây bắt “ông trùm” ma túy Tráng A Chư. Cả Trư và Linh hy sinh khi vợ đang mang bầu nên hai cháu bé đều mồ côi từ khi chưa sinh ra. Sau ngày Trư và Linh hy sinh, Công an tỉnh Hoà Bình đã có một việc làm rất tình nghĩa là đề nghị Bộ Công an cho tuyển dụng vợ hai liệt sĩ vào công tác tại Công an tỉnh. Hôm đến Công an huyện Mai Châu gặp mẹ con Thuỷ, khi ra về tôi cứ nhớ mãi cảnh mẹ con Thuỷ bồng bế nhau trong căn nhà tập thể chật chội ở trụ sở Công an huyện trong buổi chiều mưa giăng mù mịt. Thật may là sau khi Báo An ninh thế giới đăng bài, có 3 bạn đọc ở Hà Nội và một cán bộ Công an tỉnh Bình Dương đã ủng hộ tiền giúp Thuỷ mua được căn nhà nhỏ ở ngay phố huyện Mai Châu.

Còn trong vụ án ở Đồng Tâm khiến 3 cán bộ, chiến sĩ Công an hy sinh, tôi cứ ám ảnh với hình ảnh cháu bé con của Trung úy liệt sĩ Phạm Công Huy (công tác tại Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ, Công an Hà Nội). Anh Huy hy sinh để lại người vợ trẻ và con gái mới 6 tháng tuổi. Đến nhà Huy, không ai cầm được nước mắt trước cảnh cháu bé cứ ngơ ngác không biết vì sao lại có nhiều người lạ đến nhà…

Và những ngày qua, nhiều người đã rơi nước mắt khi biết gia cảnh của 3 cán bộ chiến sĩ vừa hy sinh. Thượng tá Đặng Anh Quân mồ côi bố từ sớm. Sau khi lập gia đình, vợ chồng anh và mẹ sống trong căn nhà nhỏ ở đường Láng thuộc phường Láng Thượng, quận Đống Đa. Gia cảnh chẳng khá giả gì nên để đỡ đần các con, bà Thủy ngoài việc trông nom các cháu còn tranh thủ bán trà ở đầu ngõ. Giờ đây, con hy sinh, bà Thuỷ ngoài nỗi đau mất con còn thêm nỗi đau khi nhìn hai đứa cháu nội lại mồ côi bố khi còn nhỏ. Còn Thượng uý Đỗ Đức Việt hy sinh khi còn nợ bố mẹ lời hứa cuối năm nay sẽ lấy vợ để ở cùng chăm sóc bố mẹ. Với bố mẹ Việt, giờ đây mất con, cũng mất luôn niềm hy vọng có cháu nội vì ông bà chỉ có Việt là con trai. Hạ sĩ Nguyễn Đình Phúc cũng mồ côi bố từ nhỏ, giờ đây con hy sinh, bà mẹ mất đi niềm hy vọng có người nương tựa lúc tuổi già.

Khi viết những dòng này, tôi chợt nhớ lời một bài hát: “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng/ Gian khổ sẽ dành phần ai?”. Nhưng giữa cuộc sống với bao nỗi lo toan cơm, áo, gạo, tiền này, vẫn có những người lính đang chấp nhận đối mặt với gian khổ, hy sinh. Bởi đã làm Công an là hàng ngày, hàng giờ phải đối mặt với muôn vàn khó khăn và nguy hiểm. Máu của những người lính vẫn đổ giữa thời bình, khi chỉ riêng trong năm 2021, cả nước xảy ra 41.728 vụ phạm tội về trật tự xã hội, trong đó lực lượng Công an đã khám phá 36.040 vụ, bắt giữ và xử lý 73.879 đối tượng. Cũng trong năm 2021, cả nước đã xảy ra 26.193 vụ phạm tội về ma túy; truy bắt 5.437 đối tượng truy nã, 1.549 đối tượng nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm… Trong cuộc chiến với tội phạm ấy, 8 cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh; 208 cán bộ, chiến sĩ bị thương. Còn trong 2 năm chống đại dịch COVID-19, lực lượng Công an đã có hơn 10.000 cán bộ, chiến sĩ nghi nhiễm và nhiễm COVID-19; trong đó 17 cán bộ, chiến sĩ Công an đã hy sinh trong phòng, chống dịch bệnh. Đằng sau những con số khô khan ấy là nỗi đau mà thân nhân các anh sẽ còn đeo đẳng suốt quãng đời còn lại và khó có sự bù đắp vật chất nào có thể khoả lấp.

Xin kính cẩn nghiêng mình trước các anh, những người đã ngã xuống cho cuộc sống của người dân được bình yên.

https://cand.com.vn/Cong-an/phia-sau-nhung-tam-bang-to-quoc-ghi-cong-giua-thoi-binh-i662743/

Ngày đăng: 07:22 | 04/08/2022

Nguyễn Thiêm / cand.com.vn