Đại biểu Trần Quang Thắng đã đề xuất thu loại phí mới “phí chống ngập” tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm trong kì họp 20 của HĐND TPHCM khóa IX diễn ra sáng ngày 10.7. Theo vị đại biểu này, các dự án nhà cao tầng khiến đô thị bị dồn nén và gây ra ngập.
Vị đại biểu này cho rằng, các chủ đầu tư xây nhà cao tầng cần có nghĩa vụ đóng phí giảm nhẹ tình trạng ngập lụt vì xây nhà cao tầng nhiều, đô thị dồn nén dẫn đến ngập.
Việc quy cho các dự án nhà cao tầng gồm chung cư và văn phòng gây “dồn nén dẫn đến ngập” là một vấn đề gây tranh cãi suốt nhiều năm qua chưa ngã ngũ. Đương nhiên là các chủ đầu tư chẳng chịu khi bị quy là “thủ phạm gây ngập” đô thị. Trong khi đó, phía đưa ra lập luận qui trách nhiệm, cũng chưa thể chứng minh bằng công trình nghiên cứu khoa học có thể làm rõ trách nhiệm này.
Song nếu giả thiết rằng, các dự án nhà cao tầng đã góp phần gây dồn nén dẫn đến ngập lụt đô thị, thì ai phải chịu trách nhiệm?
Ở góc độ kinh tế, tài chính buộc các chủ đầu tư phải đóng “phí chống ngập” nghe qua có vẻ hợp lí. Song một khi buộc các chủ đầu tư dự án nhà cao tầng đóng khoản phí này đi nữa thì câu chuyện sau đó cũng không đơn giản là họ tự gánh chịu.
“Phí chống ngập” rồi cũng sẽ trở thành một trong các thứ chi phí đầu tư, sẽ được chủ đầu tư tính đúng tính đủ đưa vào giá thành của sản phẩm. Khi sản phẩm được bán ra đến tay người tiêu dùng, cuối cùng chính người tiêu dùng phải gánh chịu chứ không phải là ai khác. Vô hình trung, “phí chống ngập” lại càng làm trầm trọng thêm tình trạng “trăm phí đổ đầu người tiêu dùng”.
Chưa hết, trong quá trình các nhà cao tầng là chung cư được đưa vào vận hành, chủ đầu tư chuyển giao lại cho các Ban quản trị, nếu loại phí này vẫn được duy trì, nguồn tiền để đóng phí cũng thu từ cư dân – người tiêu dùng chứ không thể thu ngược từ chủ đầu tư. Vì sau hai, ba năm bàn giao, đưa vào vận hành và hết thời hạn bảo trì dự án, chủ đầu tư cũng không còn trách nhiệm quản lí công trình.
Ở góc độ pháp lí, mỗi một dự án nhà cao tầng muốn triển khai được phải hoàn tất rất nhiều thủ tục trước khi được cấp quyết định đầu tư, giấy phép xây dựng… Các cơ quan tham mưu và quyết định chấp thuận cho triển khai dự án nhà cao tầng, nếu dự án gây “dồn nén dẫn đến ngập”, trách nhiệm không thể chỉ có chủ đầu tư phải chịu, rồi người tiêu dùng phải gánh thêm một loại phí. Chính xác thì, trách nhiệm chính thuộc về các cơ quan tham mưu, cấp phép.
Và chịu trách nhiệm trước tiên thuộc về cơ quan quản lý quy hoạch, xây dựng cho dù ở vai trò tham mưu hay ra quyết định.
Bởi các cơ quan quản lý về quy hoạch, xây dựng mà không rõ dự án nhà cao tầng triển khai ở khu vực nào có thể gây “dồn nén dẫn đến ngập” thì ai rõ.
Thế Lâm
TPHCM: Đề xuất thu phí chống ngập đối với chủ đầu tư dự án nhà cao tầng
Đại biểu HĐND TPHCM đề nghị tính phí đơn vị làm dự án xây nhà cao tầng như một khoản phí dự phòng cho nhiệm ... |
Chọn khoản thu 50.000 tỉ đồng từ rượu, bia hay chọn sức khoẻ của nhân dân?
Đại biểu QH Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) ngày 16-11 khi phát biểu trên nghị trường đã nhấn mạnh chúng ta chọn bảo vệ sức ... |
Ngày đăng: 23:17 | 12/07/2020
/ laodong.vn