Dịch Covid 19 ở xã Sơn Lôi, tỉnh Vĩnh Phúc là một phép thử đối với bản lĩnh, chung sức của nhân dân, chính quyền trong lúc nước sôi lửa bỏng.
Ngày xã Sơn Lôi (huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) “mở cửa” cũng là ngày đầu tiên bớt căng thẳng của Bí thư xã Nguyễn Như Tâm. Dẫu vậy, sau 3 tuần “đánh giặc dịch Covid-10”, công việc ngổn ngang nên khi đồng hồ chỉ 12h30, ông Tâm vẫn chưa rời khỏi bàn. Cô con gái liên tục gọi điện giục bố về ăn cơm.
Dáng người dong dỏng, da sạm đen, ông Bí thư xã được tăng cường từ nơi khác về Sơn Lôi theo chế độ luân chuyển cán bộ của Vĩnh Phúc trầm ngâm chia sẻ, 8h sáng ngày công bố xóa bỏ lệnh cách ly, Sơn Lôi họp HĐND xã. Các thành viên đề cập kỹ nội dung tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm nhiệm vụ chống dịch vừa kết thúc mấy tiếng trước đó.
“Mồng 6 Tết, ngày đầu tiên đi làm sau kỳ nghỉ, nhận thông tin trường hợp đầu tiên ở Sơn Lôi dương tính với virus corona, chúng tôi rất hoang mang. Dù vậy, hầu như mọi người đều chưa lường hết được những nguy hiểm, diễn biến khó lường của chủng virus này, cứ ngỡ chỉ nghiêm trọng hơn cảm cúm.
Nhưng khi có trường hợp thứ 2, rồi thêm các trường hợp lây nhiễm chéo và nghe thông tin về vùng dịch Vũ Hán (Trung Quốc) có nhiều người tử vong... chúng tôi đã thấy mức độ nguy hiểm tới chừng nào.
Chính phủ đưa tiêu chí, 2 trường hợp mắc bệnh đã được đánh giá là \'ổ dịch\', Sơn Lôi có 6 trường hợp thì quả là rất nghiêm trọng.
Tỉnh, huyện… thành lập Ban chỉ đạo chống dịch, các khóa tập huấn được mở, các quy trình theo dõi, giám sát, điều trị… được phổ biến. Hiểu được rồi thì bà con không còn hoang mang. Càng nghiêm trọng thì càng phải bình tĩnh, cẩn thận đối phó, xử lý”, Bí thư xã Sơn Lôi nói.
Theo hướng dẫn từ Ban chỉ đạo chống dịch, các biện pháp được áp dụng ngay lập tức tại Sơn Lôi. Bộ đội, công an, bác sĩ về làng cùng đồng hành với người dân. Có gì khó khăn, chưa hiểu thì báo cáo xin hướng dẫn từ cấp trên. Điều quan trọng nữa là cả nước hướng về Sơn Lôi, chung sức, đấy là động lực lớn giúp người dân trong xã vượt qua khó khăn.
Việc gieo cấy ở Sơn Lôi đã xong từ trước Tết, giờ chỉ phải chăm bón. Thế nhưng, công việc kinh doanh, buôn bán của người dân bị ngưng trệ. Các hoạt động hội làng, giỗ tổ các dòng họ, cưới xin… đều dừng lại.
Người dân ý thức đến mức, dòng họ nào giỗ tổ cũng chỉ làm 1-2 mâm cơm cúng tổ tiên chứ không bày linh đình, không tụ tập đông người. Gia đình có người mất, việc hiếu không đừng được, bà con lối xóm đến phúng viếng, thắp hương rồi về, không tổ chức ăn uống. Các đám cưới, dù đã định ngày từ trước Tết cũng dừng lại, đợi dịch qua.
Đại hội chi bộ các thôn tổ chức giữa mùa dịch tuân thủ theo chỉ đạo vệ sinh dịch tễ: Bàn ghế được khử trùng, đại biểu mang khẩu trang, sát khuẩn, ngồi cách xa, giản lược các khâu rườm rà, hình thức…
"Trước khi bỏ lệnh cách ly 3 ngày, Sơn Lôi có 3 đám tang đều là các cụ cao tuổi, bị bệnh hiểm nghèo, không “dính dáng” gì tới virus corona. Việc mai táng diễn ra trong làng, không có người ngoài vào tham dự. Cán bộ y tế đến hướng dẫn gia đình có đám thực hiện vệ sinh khử trùng, phát khẩu trang cho người dự”, ông Tâm kể.
Theo chia sẻ của vị Bí thư xã, thời gian đầu cách ly, ai nấy bức bối nhưng khi hiểu được tầm quan trọng của vấn đề, rồi được tuyên truyền, giải thích, mọi người đã nghe theo.
Có những cái nhìn lệch lạc, kỳ thị với người dương tính ở thời điểm ban đầu hay những câu chuyện lệch lạc trên mạng xã hội mà đỉnh điểm là một facebook viết “thiêu chết vùng dịch” thì không ít người lo lắng cho Sơn Lôi đã chủ động “chấn chỉnh” để tránh hiểu lầm.
Những điều nho nhỏ ấy tiếp thêm niềm tin cho người dân Sơn Lôi trong những ngày “đóng cửa”.
Những hộp khẩu trang, chai thuốc sát khuẩn, thùng mì tôm, lương thực liên tục được gửi về Sơn Lôi. Tấm lòng thơm thảo ấy giúp người dân hiểu, họ cách ly là để tiêu diệt dịch chứ không phải bị cô lập.
Thời gian đầu có tình trạng người dân trong làng “tránh xa” nhà có người bệnh, thôn không có người mắc bệnh xa lánh thôn có người nhiễm. Nắm bắt được điều đó, các ban ngành, đoàn thể cùng vào cuộc, nhẹ nhàng nhắc nhở, tuyên truyền cho bà con hiểu. Thế là hết điều ong tiếng ve, Sơn Lôi lại thành một khối thống nhất, đoàn kết, đồng lòng.
Bí thư xã Sơn Lôi kể: “Có 1 người dân Sơn Lôi đưa lên mạng xã hội thông tin sai lệch. Công an xã phải triệu tập lên nhắc nhở, tạm giữ điện thoại, lập biên bản. Người đó xin lỗi, hứa rút kinh nghiệm. Đấy, người \'trong nhà\' còn thế thì cũng phải chấn chỉnh làm gương mới xóa được điều tiếng từ bên ngoài”.
Khi những lán trại dã chiến được tháo dỡ vào sáng 4/3, nhiều củ khoai, củ sắn vẫn còn bên vệ cỏ. Hỏi chuyện, ông Tâm “à” lên vui vẻ:
“Hoa màu, sản vật của bà con mang ra \'tiếp tế\' cho bộ đội, chiến sĩ đấy. Bà con thương anh em đêm hôm vất vả, thức trắng giữa trời mưa rét. Đất lạnh, lều bạt mỏng, chiếu chăn không có, nước sinh hoạt cũng không, mà đằng đẵng hàng tuần lễ. Thế là không ai bảo ai, củi khô từ trong làng đưa ra từng chốt để ngày nào các anh cũng được sưởi ấm.
Có bếp lửa, thì thêm củ khoai, củ sắn để nướng ăn lúc đói lòng. Tình quân dân thời nào cũng ấm áp như thế”.
Ông Tâm cho hay, người dân Sơn Lôi còn chủ động lựa chọn gần 100 người mạnh khỏe ra hỗ trợ các chốt, mỗi chốt 4 người chia theo ca.
Chưa hết, 31 tổ tình nguyện gồm đoàn thanh niên, hội phụ nữ, cựu chiến binh, nông dân… được thành lập, hàng ngày đi đo thân nhiệt cho 11.000 dân trong làng. Đoàn đi hết thôn này sang thôn khác, vào sổ theo dõi cẩn thận rồi chuyển cho cán bộ y tế.
“Trường hợp có biểu hiện thân nhiệt cao, bà con báo cáo lên, người bị nghi vấn nếu phải cách ly cũng tự nguyện, vui vẻ chấp hành. Ý thức người dân cao như thế, thì hiệu quả phòng dịch rõ là càng tốt rồi”, Bí thư Tâm vui vẻ kể.
Ông cũng cho biết, 20 ngày cách ly với thế giới bên ngoài, đồ ăn thức uống của người dân tuy không thiếu nhưng cũng không được dồi dào như ngày thường. Nhà nọ san sẻ cho nhà kia vẫn ở mức đủ dùng, không ai kêu ca, đòi hỏi chính quyền phải chu cấp, hỗ trợ.
“Đúng là lửa thử vàng, gian nan thử sức. Thời gian Sơn Lôi chống chọi với dịch bệnh cho chúng tôi nhiều bài học, nhiều kinh nghiệm quý báu trong công tác quản lý, điều hành, chăm lo cho đời sống người dân”, Bí thư xã Sơn Lôi đúc kết.
Chuông điện thoại của ông Tâm reo. Con gái lại hối bố về ăn cơm. Ông Bí thư xã tần ngần đứng lên: “Thôi, tớ về ăn bữa cơm với mẹ con cháu nó. Tớ là cán bộ được tăng cường về Sơn Lôi nên cũng vừa \'hết hạn\' cách ly thôi”.
Xóa cách ly lúc 0h, Sơn Lôi vui hơn hội |
Thứ trưởng Y tế: Dừng cách ly Sơn Lôi là chiến thắng bước đầu của cả nước |
Chàng cảnh sát cơ động trực chốt Sơn Lôi cách nhà 300m 3 tuần không về |
Ngày đăng: 06:25 | 09/03/2020
/ vietnamnet.vn