Liên minh châu Âu (EU) đang tăng cường thế chủ động, đẩy nhanh việc giảm phụ thuộc vào khí đốt của Nga và cụ thể hóa các thỏa thuận “đoàn kết” trên lý thuyết. Nhưng liệu những điều này có đủ châu Âu độc lập hoàn toàn với năng lượng của Moscow? Theo các chuyên gia, châu Âu có truyền thống tự củng cố mình thông qua các cuộc khủng hoảng, nhưng vấn đề khí đốt đang là phép thử mới lớn nhất đối với lục địa này.

Theo nhận định của ông Martin Vladimirov, Giám đốc Chương trình Năng lượng và Khí hậu và bà Kostantsa Rangelova, nhà phân tích cấp cao tại Chương trình Năng lượng và Khí hậu, đều thuộc viện nghiên cứu chính sách công của châu Âu có trụ sở tại Bulgaria, việc Nga cắt giảm nguồn cung khí đốt tự nhiên cho các nước EU là một lời cảnh tỉnh: EU không còn có thể chủ quan với các chính sách của Điện Kremlin và phải nhanh chóng loại bỏ khí đốt của Nga ở châu Âu. Các chuyên gia trên cho rằng, trong khi “tự giẫm vào chân” vì áp đặt các lệnh cấm vận đối với dầu và than của Nga để phản ứng với cuộc xung đột ở Ukraine, EU cũng sai lầm khi cho rằng họ có thể đặt ra thời gian biểu để giảm bớt sự phụ thuộc vào khí đốt từ Nga. Thay vào đó, Moscow đang tận dụng công cụ kinh tế mạnh nhất của mình như một “vũ khí” để đối phó với sự thống nhất của châu Âu liên quan đến các lệnh trừng phạt.

khi-1659483063253
Cơ sở lưu trữ khí đốt tự nhiên Astora ở Rehden, Đức. Ảnh: Getty Images

Bên cạnh đó, kế hoạch gần đây của EU nhằm đối phó với những gián đoạn tiềm tàng nguồn cung đối với hoạt động nhập khẩu khí đốt từ Nga của EU là bằng chứng về sự “hoảng loạn chính trị” hơn là một chiến lược rõ ràng nhằm làm giảm sự phụ thuộc vào Moscow. Sáng kiến, được đưa ra vào ngày 20/7 và được các quốc gia thành viên thông qua vào ngày 26/7 - với nhiều chỉ trích - nhằm giảm nhu cầu khí đốt của EU xuống 15% vào cuối tháng 3/2023 và tăng cường hợp tác giữa các nước thành viên nếu tình trạng khẩn cấp được ban bố. Cho đến nay, 12 quốc gia EU đã phải đối mặt với việc tạm dừng - hoặc cắt giảm - cung cấp khí đốt của Nga.

Với sự chú ý ngày càng tăng của châu Âu về những thách thức phải vượt qua trong mùa Đông này, Moscow sẽ tận dụng mọi cơ hội để “ép EU ở thế phòng thủ”. Do đó, nghĩa vụ đầu tiên của EU là vấn đề chính trị: chấp nhận nỗi đau kinh tế trong những tháng tới khi Moscow tiếp tục thắt chặt nguồn cung một lần nữa, khi hệ thống Nord Stream 1 hiện chỉ hoạt động ở 20% công suất.

Việc EU cam kết giảm 2/3 lượng tiêu thụ khí đốt của Nga trong năm nay có vẻ không khả thi khi đối mặt với khả năng thực tế hơn bao giờ hết về một đợt cắt giảm khí đốt hoàn toàn do Nga áp đặt. Đối với EU, việc tự giải quyết các vấn đề sẽ tốt hơn là hy vọng rằng Moscow sẽ nhượng bộ đối với việc chuyển giao khí đốt. Điều này quan trọng không chỉ đối với các mục tiêu chính sách đối ngoại trước mắt của EU mà còn đối với các mục tiêu địa chính trị và khí hậu lâu dài hơn của khối. Suy thoái kinh tế năm 2023 là một khả năng thực sự xảy ra đối với châu Âu, vốn cần phải chấp nhận tình huống khó khăn để đạt được mục tiêu là giảm sự phụ thuộc vào Nga và bảo vệ các lợi ích của EU. Hiện tại, doanh thu từ khí đốt của Điện Kremlin không thay đổi và Gazprom dường như sẵn sàng gia tăng áp lực.

Để vạch ra các cách thoát khỏi “bẫy khí đốt” của Nga, các nước EU cần thành thật về việc họ đã “rơi vào bẫy” như thế nào. Điều này đặc biệt áp dụng cho Đức và Italy, những nước cho đến nay đã phải đối mặt với việc giảm nguồn cung của Nga nhưng không cắt giảm hoàn toàn. Hai nước này là những quốc gia thành viên EU dễ bị tổn thương nhất vì lý do của chính họ. Cả hai nước đã tăng gần gấp đôi sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga kể từ khi Moscow sáp nhập Crimea vào năm 2014. Việc Đức phụ thuộc quá nhiều vào khí đốt của Nga để cung cấp năng lượng cho hoạt động sản xuất có nghĩa là việc cắt giảm có thể gây ra hiệu ứng domino (dây chuyền) của các vụ vỡ nợ trong kinh doanh. Ở Italy, việc tăng gấp đôi tỷ lệ đốt khí đốt để tạo ra điện kể từ năm 2014 đã làm dấy lên nguy cơ mất điện trên toàn quốc vào mùa Đông năm nay, có thể làm rung chuyển nền tảng của toàn bộ thị trường điện châu Âu. Để ứng phó, Đức và Italy đã tiến hành một cuộc mua sắm nhằm thúc đẩy các hợp đồng dài hạn với các nhà cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG), bao gồm Mỹ, Qatar và Algeria. Tây Ban Nha, Hy Lạp và các nước Baltic đã làm theo, nhập khẩu lượng LNG kỷ lục. Tuy nhiên, châu Âu còn lâu mới thoát khỏi sự phụ thuộc này, bởi vì việc tìm kiếm các nguồn cung cấp thay thế là không đủ.

Không có biện pháp nào xung quanh một loạt bước trong những nước EU để giảm nhu cầu về khí đốt. Những điều này chỉ bao gồm từ việc thiết lập các giới hạn về sử dụng năng lượng trong các tòa nhà công cộng đến việc đền bù cho những người sử dụng công nghiệp vì đã chấp nhận từ bỏ một số nguồn cung cấp theo hợp đồng của họ. Tiết kiệm năng lượng có thể được kỳ vọng có hiệu quả ngay lập tức và rộng rãi.

Bên cạnh việc giảm năng lực của Nga đối với việc “vũ khí hóa” khí đốt, những hành động như vậy còn nâng cao tính độc lập về địa chính trị của EU, chống lại biến đổi khí hậu và hỗ trợ tài chính cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, kế hoạch mới của EU không đảm bảo rằng sẽ tiết kiệm thành công. Việc cắt giảm nhu cầu ban đầu sẽ phụ thuộc vào các bước tự nguyện của những nước EU, trong khi việc cắt giảm bắt buộc tiềm năng sẽ là quá muộn để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng toàn diện. Tóm lại, châu Âu có truyền thống tự củng cố mình thông qua các cuộc khủng hoảng, nhưng vấn đề khí đốt đang là phép thử mới lớn nhất đối với lục địa này.

Ngày đăng: 09:08 | 03/08/2022

Theo CAND /