Sự lên tiếng mạnh mẽ từ phụ huynh, các chuyên gia về những “hạt sạn” trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 bộ sách Cánh Diều sau hơn 1 tháng bắt đầu năm học mới cho thấy, nhiều vấn đề cần có sự rà soát, điều chỉnh từ ngành giáo dục...
Cả nước có gần 35% trường tiểu học chọn bộ SGK Cánh Diều áp dụng cho học sinh lớp 1 |
Chính phủ, Quốc hội đều vào cuộc
Làn sóng phê phán gay gắt đến mức khiến Chính phủ và Quốc hội ngay lập tức đều vào cuộc. Ngay trong cuộc họp về sách giáo khoa (SGK) ngày 12-10, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, năm học 2020-2021 là năm đầu tiên sử dụng sách giáo khoa lớp 1 mới. Vừa qua, có nhiều ý kiến cho rằng SGK Tiếng Việt lớp 1 trong bộ sách Cánh Diều (1 trong 5 bộ sách được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT phê duyệt) có nhiều điểm không phù hợp. Các ý kiến này chưa được Bộ GD-ĐT phản hồi kịp thời.
Phó Thủ tướng cho rằng, có thể có những đánh giá gay gắt nhưng đều thể hiện sự tâm huyết, lo lắng và mong muốn có được những cuốn SGK tốt nhất. Do đó, Bộ GDT-ĐT phải trân trọng, nghiên cứu, tiếp thu một cách rất cầu thị, khoa học. Có vấn đề thuộc chuyên môn sâu, ý kiến góp ý chưa chắc đã đúng, thì Bộ phải có sự giải thích, trình bày lại một cách thuyết phục. Vì vậy, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ GD-ĐT cần tăng cường chỉ đạo việc nghiên cứu các ý kiến góp ý, có quyết định kịp thời, phù hợp theo đúng thẩm quyền như quy định tại Điều 32 Luật Giáo dục để bảo đảm chất lượng SGK mới đáp ứng yêu cầu đảm bảo mục tiêu giáo dục như quy định.
Từ thực tiễn biên soạn, thẩm định, phê duyệt SGK lớp 1 mới vừa qua, Bộ GD-ĐT cần rà soát ngay các quy định, tổ chức thuộc trách nhiệm của Bộ, của Bộ trưởng liên quan tới chương trình SGK; có giải pháp cụ thể, hiệu quả để huy động, phát huy đội ngũ giáo viên, các nhà khoa học, chuyên gia tham gia đóng góp ý kiến đối với SGK mới và xây dựng kho học liệu điện tử theo chương trình mới.
Cũng trong ngày 12-10, tại phiên họp thứ 49 Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu việc những ngày qua, dư luận bức xúc cho rằng bộ SGK có nhiều “sạn”. Đặc biệt, tại cuộc tiếp xúc cử tri của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ở Hải Phòng ngày 13-10, cử tri và nhân dân Hải Phòng đã đặt câu hỏi về việc biên soạn, thẩm định bộ SGK này có nhiều lỗi về văn phạm, câu chữ.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, khi biên soạn SGK phải làm sao để trẻ em cả 3 miền Bắc - Trung - Nam đều có thể hiểu được. Câu từ, cách gọi một sự vật, hiện tượng ở mỗi địa phương khác nhau, nhưng tựu trung lại khi đưa vào SGK phải để trẻ em ở 3 miền vẫn hiểu được. Ông Vũ Hồng Thanh đề nghị Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cần sớm vào cuộc để tìm hiểu, thẩm tra về vấn đề mà dư luận, cử tri và nhân dân nêu.
Bàn cãi chưa dứt, lỗi do ai?
Tại phiên họp thứ 49 Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc và Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến cũng cho biết, dư luận đặt câu hỏi về việc biên soạn, thẩm định bộ SGK này ra sao, có chặt chẽ không mà để xảy ra nhiều lỗi?
Không phải ai cũng thỏa mãn với việc sửa đổi, điều chỉnh SGK vì cho rằng nó không giải quyết tận gốc sự việc. Vấn đề khiến nhiều phụ huynh lo lắng là chương trình, SGK môn Tiếng Việt có vẻ trái ngược với tinh thần giảm tải khi cả giáo viên và học sinh đều đang vất vả làm quen. Bởi vậy, SGK chỉ là một trong nhiều vấn đề gặp phải của học sinh lớp 1 đang được áp dụng chương trình mới.
GS.TS Mai Ngọc Chừ - Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định SGK Tiếng Việt lớp 1 cho biết, tất cả những vấn đề dư luận phê phán đều đã được Hội đồng phát hiện và có khuyến nghị khi thẩm định, nhưng nhóm tác giả bảo vệ quan điểm của mình. “Hội đồng đều đã khuyến cáo với các câu chuyện “Lừa, thỏ và cọp”, “Hai con ngựa”... nhóm tác giả nên thay ngữ liệu. Tuy nhiên, quan niệm mỗi người khác nhau, trong đó quan điểm của nhóm tác giả cho rằng đây là những người lừa lọc sẽ bị trả giá, giáo viên khi giảng trên lớp sẽ giúp học sinh rút ra bài học. Ở đây cách nhận thức khác nhau và nhóm tác giả giữ quan điểm của họ” - GS Mai Ngọc Chừ khẳng định.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến không đồng tình với cách giải thích này của GS Mai Ngọc Chừ và cho rằng để “sạn” còn trên trang sách học trò, chứng tỏ Hội đồng đã không làm hết trách nhiệm. Về phía Bộ GD-ĐT, dư luận cũng đặt ra câu hỏi khi Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ là người phê duyệt SGK.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, Hội đồng quốc gia thẩm định SGK là bộ phận có chức năng thẩm định SGK lớp 1.
Căn cứ kết quả thẩm định, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã phê duyệt 5 bộ SGK lớp 1 để các nhà trường lựa chọn, triển khai các hoạt động dạy học theo quy định. Trong thời gian qua, Bộ GD-ĐT tiến hành kiểm tra, nắm tình hình triển khai chương trình SGK cho thấy, SGK lớp 1 bước đầu đáp ứng yêu cầu. Tuy nhiên, trên các phương tiện truyền thông đại chúng đã có phản ánh về việc SGK Tiếng Việt lớp 1 có một số nội dung chưa phù hợp đối với học sinh. Vì vậy, Bộ GD-ĐT đề nghị Hội đồng rà soát, kiểm tra các nội dung báo chí nêu, báo cáo về Bộ trước ngày 17-10.
Sửa đổi SGK, vấn đề có giải quyết dứt điểm?
Ngày 15-10, Hội đồng quốc gia thẩm định môn Tiếng Việt lớp 1 đã đưa ra thông báo về việc thống nhất chỉnh sửa những nội dung chưa phù hợp như phản ánh của dư luận xã hội đối với SGK Tiếng Việt lớp 1 bộ Cánh Diều. Theo đó, Hội đồng đã rà soát, làm việc với tác giả trên tinh thần cầu thị và tác giả đã thống nhất tiếp thu tối đa các ý kiến góp ý để chỉnh sửa SGK cho phù hợp hơn.
Cụ thể, chỉnh sửa, bổ sung ngữ liệu để giáo viên có thể thay thế một số đoạn/bài đọc cho phù hợp hơn với học sinh lớp 1 như bài “Cua, cò và đàn cá” (trang 115); bài “Hai con ngựa” (trang 157), bài “Lừa, thỏ và cọp” (trang 163)…; thay thế một số từ ngữ khó hiểu, ít dùng như từ “nhá”, “nom”, “quà… quà”, “chén”… Hội đồng thẩm định cũng đề nghị tác giả khi chọn văn bản thay thế không sử dụng truyện ngụ ngôn hoặc các đoạn/bài “đa nghĩa”. Nên lựa chọn đoạn/bài trong kho tàng Văn học Việt Nam. Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu nhà xuất bản và tác giả xây dựng phương án chỉnh sửa, hiệu đính, gửi Hội đồng thẩm định, báo cáo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT xem xét phê duyệt nội dung chỉnh sửa trước ngày 15-11.
Mặc dù vậy, không phải ai cũng thỏa mãn với việc sửa đổi, điều chỉnh SGK vì cho rằng nó không giải quyết tận gốc sự việc. Vấn đề khiến nhiều phụ huynh lo lắng là chương trình, SGK môn Tiếng Việt có vẻ trái ngược với tinh thần giảm tải khi cả giáo viên và học sinh đều đang vất vả làm quen. Không ít ý kiến thẳng thắn phản ánh từ phụ huynh cho rằng, con họ không theo kịp chương trình và phải mang bài trên lớp về nhà để học tiếp, trong khi Bộ GD-ĐT yêu cầu giáo viên không giao bài về nhà cho học sinh lớp 1. Bởi vậy, SGK chỉ là một trong nhiều vấn đề gặp phải của học sinh lớp 1 đang được áp dụng chương trình mới.
Cùng với đó, những thắc mắc xung quanh quá trình thẩm định cũng được đặt ra với lo ngại những “hạt sạn” không chỉ dừng lại ở 1 cuốn SGK. Hiện có tới 49 cuốn được sử dụng trên toàn quốc và chưa rõ quá trình thực nghiệm được tiến hành ra sao bởi việc này được phó mặc cho tác giả và các đơn vị kinh doanh SGK.
Sách giáo khoa không phải sản phẩm mà cứ lỗi thì thu hồi, trả lại kinh phí
SGK không phải là một sản phẩm bình thường dành cho khách hàng bình thường. Đây là sản phẩm giáo dục được đưa vào cho học sinh lớp 1. Nó không đơn thuần là có lỗi thì có thể thu hồi, trả lại kinh phí. Thay thế cũng không hề đơn giản khi liên quan đến kế hoạch giảng dạy. Hiện nay, với những bài đã thực hiện rồi, Hội đồng thẩm định phải lắng nghe ý kiến từ dư luận một cách nghiêm túc để tiếp thu, sửa chữa hoàn thiện tối đa. Ở phần còn lại, tác giả phải hết sức cầu thị tiếp thu đầy đủ trực tiếp từ phụ huynh, giáo viên, chuyên gia. Những gì chưa đúng thì phải có hiệu chỉnh để đảm bảo việc tổ chức dạy học được liên tục, đúng kế hoạch. Năm học sau, cuốn sách này có được tái bản, sử dụng hay không thì thuộc về thẩm quyền của UBND cấp tỉnh, thành phố và sẽ có quy trình lựa chọn SGK khác. Ở đây, bài học cho công tác quản lý cần rút kinh nghiệm nhiều hơn. Đây là năm đầu tiên thực hiện chương trình SGK mới, chắc chắn có khó khăn nhất định và các cơ quan quản lý phải lường tính trước vấn đề để xử lý phù hợp. Ngoài ra, việc thực nghiệm dài hơn, rộng hơn thì việc hoàn thiện, “nhặt sạn” SGK sẽ tốt hơn.
TS Phạm Tất Thắng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội
“Nhặt sạn” nhanh nhất là lấy ý kiến của giáo viên lớp 1
Cần tổ chức 2 Hội đồng thẩm định, đó là Hội đồng thẩm định của các nhà chuyên môn và Hội đồng thẩm định của các giáo viên lớp 1 đang giảng dạy thì mới có thể giải quyết hết các vấn đề của SGK lần này. Nếu xây dựng Hội đồng thẩm định lại cuốn sách này thì chỉ cần lấy những giáo viên lớp 1 đang dạy SGK này, chúng ta sẽ có những ý kiến hợp lý nhất, bởi họ là người sử dụng hàng ngày. Họ sẽ nhận ra ngay những vấn đề chưa ổn, gây khó khăn đối với chính họ cũng như học sinh của họ để phản ánh kịp thời. Ý kiến này có thể đến từ nhiều địa phương trên cả nước thì ta sẽ “nhặt sạn” nhanh nhất.
TS Vũ Thu Hương - Chuyên gia giáo dục Tiểu học
Sách giáo khoa nhiều “sạn” - Trách nhiệm không chỉ ở người viết sách |
Sao sách giáo khoa xưa lại lan tỏa và rung cảm đến bây giờ? |
SGK Tiếng Việt lớp 1 được chỉnh sửa, phụ huynh có bớt lo? |
Ngày đăng: 06:59 | 19/10/2020
/ anninhthudo.vn