Vào phòng làm lễ trục vong, phật tử phải gửi tất cả đồ đạc ở ngoài, không được quay phim, chụp ảnh.
Tối 21/3, đại đức Thích Trúc Thái Minh, trụ trì chùa Ba Vàng (TP Uông Bí, Quảng Ninh) tổ chức thuyết giảng trước hàng trăm phật tử về việc chùa truyền bá "vong báo oán".
Tại đây, ông dẫn nhiều sách Phật để kết luận: "Vong đi theo người báo thù rất nhiều, khiến con người bị bệnh tật, vợ chồng bất hòa, mâu thuẫn... Vì vậy, chùa Ba Vàng có pháp thỉnh oan gia trái chủ để thỉnh nó ra".
Ông giao đại đức Thích Trúc Bảo Tiến trình bày tỉ mỉ các bước để phật tử tham gia lễ thỉnh oan gia trái chủ (cắt oán nghiệp của vong linh và con người).
Theo sư Tiến, khi phật tử tìm đến chùa, bày tỏ nguyện vọng làm lễ oan gia trái chủ thì bộ phận phụ trách sẽ hỏi chuyện xem người đó có tin vào thuyết nhân quả hay không. Nếu tin thì được hướng dẫn xem những video về cách tu tập tại nhà.
Phật tử nghe thuyết giảng vong báo oán tại chùa Ba Vàng. Ảnh: Viết Tuân. |
Trong bảy ngày đầu tiên, phật tử phải ở nhà tụng kinh sám hối những việc mình làm. Việc này nhằm để mọi người nhận thức rằng "những đau khổ của bản thân có nguyên nhân do kiếp này hoặc kiếp trước mình tạo nghiệp ác, chứ không phải đổ cho xã hội, than trách trời đất".
Sau đó, những người này được hướng dẫn vào trang phật pháp của chùa nghe sư Thái Minh thuyết giảng. Kết thúc một tuần, họ đến gặp chư tăng chùa Ba Vàng. Các sư ở đây sẽ hỏi lại một lần nữa phật tử đã có lòng tin vào việc này hay chưa và lần lượt được đưa vào hai phòng xem video thuyết giảng về oan gia trái chủ, thế giới tâm linh.
Ra khỏi đây, một bộ phận hướng dẫn sẽ giải đáp thắc mắc của phật tử, đưa họ đến phòng gửi đồ. Tất cả người tham gia đều phải gửi lại điện thoại, máy ghi âm, máy ảnh, máy quay phim... ở ngoài. Chùa cấm quay phim, chụp ảnh khi vào làm lễ thỉnh oan gia trái chủ. Mỗi người chỉ được ghi lại sự việc bằng giấy bút. "Trước đây, có người ghi lại những hình ảnh này, mang về cho người khác xem mà chưa hiểu rõ nên hiểu nhầm đây là việc làm sai trái", sư Tiến giải thích.
Sau khi được kiểm tra kỹ lưỡng, phật tử phải viết cam kết tự nguyện tham gia, cúng dường, lao động không công... Đại diện chùa Ba Vàng giải thích, việc này nhằm đảm bảo "không phải do thế lực nào ép buộc, dụ dỗ mọi người đến làm lễ". Nộp xong bản cam kết, phật tử sẽ trình bày vấn đề bản thân hoặc gia đình gặp phải để sư hướng dẫn đăng ký vào các mục làm lễ.
Trong phòng thỉnh oan gia trái chủ, nhà sư chùa Ba Vàng sẽ gọi "vong linh" về để hỏi rõ có nhân duyên, oán hận gì với con người. Thông qua cuộc trò chuyện của sư với "vong linh", phật tử được biết nhân duyên, oán hận nhiều kiếp trước ra sao. Trong lúc đó, ai cũng phải thành tâm sám hối và hứa về tu tập, nghe giảng phật pháp, làm việc thiện để "vong linh hoan hỉ". Trước khi ra về, mỗi người sẽ được phát sách kinh phật về đọc.
Lễ "thỉnh vong" kết thúc, người tham gia được khuyến khích cúng dường để vong siêu thoát về chùa. Chùa Ba Vàng hiện có hai hình thức cúng dường, bằng tiền hoặc lao động không công cho chùa. "Tiền sẽ được dùng vào xây chùa, tô tượng, đúc chuông, in ấn sách, băng đĩa truyền giảng phật pháp...", đại đức Tiến giải thích rõ hơn. Ông cảnh báo phật tử nên "cúng dường vào chùa có chư tăng thanh tịnh, nếu không sư sẽ dùng tiền đó ăn chơi, phá giới".
Để phục vụ các phật tử ở xa chưa trực tiếp về chùa cúng dường, chùa Ba Vàng đăng tải số tài khoản trên website để phật tử đóng góp. Nhà chùa soạn sẵn mẫu tin nhắn và nội dung khấn cho mọi người khi gửi tiền.
Khu vực làm lễ trục vong được xây dựng thêm tầng hai và canh gác cẩn mật. Ảnh: Minh Cương. |
Theo thống kê, mỗi tháng chùa Ba Vàng tổ chức ba đợt "thỉnh vong giải nghiệp" và tuyên truyền "vong báo oán", thu hút hàng nghìn người tham dự. Hoạt động này diễn ra công khai nhiều năm.
Khu vực thỉnh vong nằm ở tầng một của tòa nhà đang xây dở, bên trái Chánh Điện. Bên trong là hệ thống canh gác với nhiều tầng lớp. Ai ra vào phải xuất trình chứng minh thư để người nhà chùa kiểm tra. Những người vào đây không được mang theo thiết bị ghi âm, ghi hình và phải lấy số thứ tự để đợi đến lượt.
Muốn thoát "nạn vong", phật tử phải "trả nợ cho vong" từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng. Số tiền này đóng vào phong bì, ghi rõ tên tuổi, địa chỉ, thả vào hòm công đức. Mỗi người vào thỉnh vong giải nghiệp kéo dài từ vài phút đến hàng tiếng tùy vào bị "vong nặng hay nhẹ".
"Vì vong đòi tiền nên ai cũng phải trả nợ cho vong và cúng dường để vong có tiền vào chùa ăn học, tu tập, giải quyết nghiệp ma quỷ. Mấy hôm nay dư luận xôn xao về việc này nên chùa tạm dừng thỉnh vong", một phật tử kể.
Chùa Ba Vàng có hàng trăm người là cư sĩ làm công quả. Chùa có kênh truyền thông chuyên nghiệp thuyết giảng về thỉnh vong trên Facebook, YouTube, Instagram...
Trái ngược với nội dung thuyết giảng của trụ trì chùa Ba Vàng, hòa thượng Thích Gia Quang, Phó chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định "việc gọi vong, trừ vong không có trong giáo lý nhà Phật". "Nếu chùa Ba Vàng hoạt động không đúng đắn thì phải chấn chỉnh", hòa thượng Quang nói. Phó giáo sư Chu Văn Tuấn, Viện trưởng Nghiên cứu tôn giáo cũng nêu quan điểm, chuyện vong báo oán là bịa đặt. "Yêu cầu bỏ tiền ra để hóa giải những nghiệp chướng từ nhiều kiếp trước là trục lợi. Phật giáo quan niệm con người có thể cải được nghiệp bằng tích đức, làm việc thiện chứ không phải bằng tiền", ông Tuấn nói. Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho rằng việc phật tử Phạm Thị Yến nói cô gái giao gà ở Điện Biên bị sát hại vì nghiệp ở kiếp trước là "không đúng với giáo lý nhà Phật, trái đạo đức xã hội". |
Minh Cương - Viết Tuân
Công an vào cuộc vụ chùa Ba Vàng: Sắp mời bà Phạm Thị Yến làm việc
Vụ Chùa Ba Vàng có dấu hiệu mê tin dị đoan. UBND TP Uông Bí đã giao cơ quan công an xác minh, thu thập ... |
Trụ trì chùa Ba Vàng: Càng nghèo càng phải cúng dường để thoát nghèo!
Trong cuộc pháp thỉnh với gần 1.000 phật tử vào tối 21-3, trụ trì chùa Ba Vàng khẳng định pháp thỉnh "oan gia trái chủ" ... |
Ngày đăng: 21:52 | 22/03/2019
/ VnExpress