Hội nghị BCH Trung ương Đảng lần thứ 8 đã thông qua những nội dung cơ bản Nghị quyết mới về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác xếp thứ ba trong thứ tự ưu tiên phát triển các ngành kinh tế biển. Điều đó tiếp tục khẳng định vai trò đặc biệt của ngành Dầu khí đối với nền kinh tế vĩ mô nói chung và phát triển kinh tế ven biển nói riêng.
Ngành kinh tế mũi nhọn
TS. Ngô Thường San – Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam cho biết, kể từ khi tấn dầu thô đầu tiên được khai thác đã ghi danh Việt Nam vào danh sách các nước sản xuất dầu khí trên thế giới (tháng 6/1986) thì ngành công nghiệp dầu khí của Việt Nam trở thành một ngành kinh tế trọng điểm của đất nước, đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách nhà nước, góp phần quan trọng trong tăng trưởng GDP hàng năm. Bên cạnh đó, ngành dầu khí còn góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, đóng vai trò quan trọng trong chiến lược biển của Việt Nam, góp phần bảo vệ chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên các vùng biển Việt Nam.
Trong giai đoạn từ năm 2015 đến nay, ngành Dầu khí hoạt động trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn, giá dầu giảm mạnh.... nhưng bằng bản lĩnh của những Người đi tìm lửa, sự đồng tâm, hiệp lực của tập thể cán bộ, công nhân viên, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trụ vững và tiếp tục đạt được những kết quả khích lệ. Hằng năm, đóng góp cho GDP cả nước trung bình từ 10-13%; nộp ngân sách nhà nước chiếm tỷ trọng 9-11% tổng thu ngân sách chung của nhà nước và chiếm 16-17% tổng thu ngân sách Trung ương. Riêng nộp ngân sách nhà nước từ dầu thô chiếm 5-6% tổng thu ngân sách chung của nhà nước.
.
Trên giàn khoan ở mỏ Bạch Hổ
Với 5 hệ thống đường ống dẫn khí lớn, hàng năm PVN cung cấp gần 9-11 tỷ m3 khí, trong đó 35% cho sản xuất điện quốc gia, 70% sản lượng đạm và 70-80% khí cho các hộ tiêu thụ dân dụng của cả nước.
PVN cũng là đơn vị đứng thứ 2 về cung cấp điện với tổng công suất các nhà máy điện của PVN đến nay đạt 4.214 MW, chiếm khoảng 15% tổng sản lượng điện quốc gia. Hai nhà máy đạm Cà Mau và Đạm Phú Mỹ của PVN cung cấp ra thị trường trên 15 triệu tấn urê/năm, đáp ứng được khoảng 70% nhu cầu phân bón trong nước, góp phần chấm dứt tình trạng khan hiếm phân bón, phụ thuộc vào phân bón nhập khẩu. Đặc biệt, công trình Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất, công trình thế kỷ, biểu tượng của ngành lọc hóa dầu Việt Nam từ khi chính thức đưa vào vận hành sản xuất đến nay đã sản xuất khoảng 6 triệu tấn dầu/năm, đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu xăng dầu trong nước, đặc biệt là đáp ứng nhiên liệu theo yêu cầu của Bộ Quốc phòng.
Hai nhà máy đạm Phú Mỹ và Đạm Cà mau của PVN cung cấp ra thị trường trên 15 triệu tấn urê/năm
Ông Bùi Sĩ Lợi - Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết: “Mỗi khi gặp bức bách, khó khăn nhất thì chúng ta phải dùng dầu khí để quyết định tăng trưởng, năng suất lao động và ngân sách Nhà nước. Thật đúng ngành Dầu khí là ngành kinh tế đặc biệt là công cụ điều tiết kinh tế vĩ mô quan trọng của Chính phủ và là ngành có nhiều đóng góp ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề xã hội của đất nước”.
Hạt nhân phát triển kinh tế ven biển
Đúng là công nghiệp dầu khí ở đâu thì nơi ấy khởi sắc! Quả thật không có gì ngạc nhiên khi điểm lại hàng chục dự án, nhà máy công nghiệp của ngành Dầu khí như Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất, Cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau, Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1, Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2,...
Tại Quảng Ngãi: GDP của toàn tỉnh năm 2005 đạt 11,7% với nguồn thu ngân sách chỉ đạt 500 tỷ đồng nhưng đến năm 2016 tổng thu ngân sách của Quảng Ngãi đã đạt 22,66 nghìn tỷ đồng, trong đó thu từ NMLD Dung Quất chiếm hơn 90%. 20 năm qua, đóng góp của Công ty Lọc Hóa Dầu Bình Sơn (BSR) cho sự phát triển chung của tỉnh Quảng Ngãi là rất lớn. BSR đã giúp Quảng Ngãi chuyển mình từ một tỉnh thuần nông thành một tỉnh công nghiệp", Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ đã khẳng định trong một buổi làm việc với BSR.
Đặc biệt ở vùng cực Nam của Tổ quốc, Cụm công nghiệp Khí - Điện - Đạm Cà Mau do PVN đầu tư tạo dấu ấn rất quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội của Cà Mau phát triển. Một vùng thuần nông xưa, nay trở thành một vùng nuôi trồng thủy sản trù phú, mỗi năm xuất khẩu hàng trăm triệu USD ra thị trường thế giới.
Cụm công nghiệp Khí - Điện - Đạm Cà Mau do PVN đầu tư tạo dấu ấn rất quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội của Cà Mau
Cùng với việc đóng góp hàng năm gần 30% ngân sách cho Cà Mau, công trình Nhà máy Đạm Cà Mau; Dự án Nhà máy Điện Cà Mau 1 và 2 với công suất thiết kế 1.500 MW; Công trình Dự án đường ống PM3 - Cà Mau… có vai trò quyết định phát triển kinh tế của vùng cực Nam này.
Và ngay như với một thành phố lớn Hải Phòng cũng có dấu ấn của ngành Dầu khí. Ông Bùi Thanh Tùng, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng khẳng định, ngành Dầu khí đã và đang cung cấp nguyên liệu, nhiên liệu đầu vào cho việc phát triển sản xuất công nghiệp ở Hải Phòng, góp phần vào việc mang lại doanh thu, lợi nhuận lớn cho các doanh nghiệp này, đồng thời có đóng góp hàng ngàn tỷ đồng cho thu ngân sách địa phương hằng năm. Bên cạnh lĩnh vực sản xuất công nghiệp, lĩnh vực giao thông vận tải ở Hải Phòng cũng có dấu ấn của các đơn vị thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam khi có sự hoạt động của hai đơn vị thuộc Tổng Công ty Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (PTSC) và Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV OIL).
Trao đổi với phóng viên, Nguyễn Thanh Xuân, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Cần Thơ đã bày tỏ mong muốn Chính phủ, Quốc hội nên xem xét nhanh chóng phê duyệt chủ trương, đầu tư nhà máy nhiệt điện Ô Môn 2, 3, 4. Từ đó có thể đồng bộ với triển khai dự án khí Lô B. Đây là dự án không chỉ góp phần cho kinh tế xã hội của ĐBSCL, mà nó còn góp phần cho thu ngân sách quốc gia. Hơn nũa nó còn giải quyết câu chuyện đã hơn 10 năm quy hoạch thu hồi đất của người dân, góp phần an sinh xã hội.
Ngành Dầu khí là ngành kinh tế - kỹ thuật đặc biệt, gắn liền không chỉ bài toán năng lượng mà còn là chuỗi giá trị kinh tế trong chiến lược phát triển đất nước, liên quan đến chất lượng cuộc sống của người dân, đảm bảo sự tự chủ về nhiên liệu, đảm bảo nguồn năng lượng sạch, nguyên liệu đầu vào cho các ngành kinh tế như phân bón, hóa dầu, các sản phẩm hóa chất… và đặc biệt là động lực phát triển kinh tế vùng, tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo, đóng góp ngân sách Nhà nước.
Lê Hằng - Tài nguyên & Môi trường
Thu hút FDI vào ngành dầu khí: Vẫn còn nhiều rào cản pháp lý
Một số hạn chế của Luật Đầu khí và các văn bản pháp luật liên quan có thể ảnh hưởng đến mức độ hấp dẫn ... |
Hoàn thiện khung pháp lý - Tạo đột phá cho phát triển ngành Dầu khí Việt Nam
Trong hơn 55 năm qua, từ năm 1961 đến nay, các giai đoạn phát triển của ngành Dầu khí Việt Nam đều dựa trên cơ ... |
Để ngành Dầu khí phát huy vai trò hạt nhân trong Chiến lược kinh tế biển
Rất nhiều kỳ vọng đã được các đại biểu Quốc hội, nhà quản lý đặt ra đối với ngành Dầu khí tại buổi tọa đàm ... |
Ngành Dầu khí trong tầm nhìn mới về chiến lược biển
Ngày 28/10 tại Hà Nội, Báo Đại biểu nhân dân đã tổ chức buổi tọa đàm “Ngành Dầu khí trong tầm nhìn mới về chiến ... |
Ngày đăng: 12:00 | 21/11/2018
/ Cổng thông tin điện tử PVN