Áp lực giao thông gia tăng nên thời gian qua, dù thành phố đã đầu tư và đưa vào khai thác, sử dụng nhiều công trình kết cấu hạ tầng khung giao thông nhưng việc triển khai các dự án giao thông tại đô thị còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi hoàn thiện thể chế, chính sách và tìm ra các cách làm mới, đột phá nhằm nhanh chóng hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị trong thời gian tới theo kết luận của Bộ Chính trị và đáp ứng sự mong mỏi của người dân.
Chính vì vậy, tại hội thảo “Giải bài toán phát triển giao thông đô thị” diễn ra ngày 22/5, nhiều chuyên gia cho rằng, việc phát triển giao thông đô thị theo hướng bền vững phải hài hòa, cân bằng giữa các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội với gìn giữ bảo vệ môi trường là một thách thức lớn.
Nhiều người bỏ xe máy, chuyển sang đi tàu điện
Chia sẻ tại hội thảo, TS Vũ Hồng Trường, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV đường sắt Hà Nội (Hà Nội Metro) cho hay, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đã vận hành được gần 3 năm và bước đầu được đánh giá là thành công. Đến nay tuyến đã được đông đảo người dân ghi nhận là phương tiện đi lại nhanh chóng, an toàn, xanh, sạch, đẹp. Hiện tại, mỗi ngày có trên 35 ngàn hành khách sử dụng tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông là phương tiện đi lại, trong đó 47% là người đi làm, 45% là người đi học và 8% còn lại đi lại với các mục đích khác.
Nếu như thời gian đầu hành khách đi lại trên tuyến chủ yếu là những người đi trải nghiệm thì hiện tại đã trở thành hành khách đi lại thường xuyên bằng vé tháng với tỉ lệ bình quân trong ngày chiếm 70%, đặc biệt khách đi lại bằng vé tháng trong giờ cao điểm chiếm trên 85%. Điều này thực sự đã góp phần giảm thiểu mật độ phương tiện trên hành lang tuyến giờ cao điểm, từng bước giảm thiểu ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường. Ông Trường nói thêm, cũng theo kết quả điều tra khảo sát, trên 60% hành khách có xe máy và 18% có ôtô con nhưng vẫn sử dụng đường sắt đô thị để đi lại với những chuyến đi trong vùng phục vụ của tuyến. Việc thay đổi thói quen từ sử dụng phương tiện cá nhân sang sử dụng phương tiện công cộng sẽ góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông, nhất là với các đô thị đang sử dụng xe máy là phương tiện đi lại chủ yếu như ở Việt Nam hiện nay. Hơn nữa, sau gần 3 năm vận hành tuyến Cát Linh - Hà Đông, Hà Nội Metro đã từng bước xây dựng được đội ngũ những nhà quản lý, những người hoạch định chính sách, những người vận hành khai thác theo hướng chuyên nghiệp và đặc biệt là bước đầu hình thành một số lượng lớn người dân luôn ưu tiên lựa chọn phương tiện công cộng làm phương tiện đi lại yêu thích, góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng xanh, sạch, đẹp. Đây cũng chính là lực lượng tuyên truyền viên thúc đẩy sử dụng vận tải công cộng và giao thông xanh trong phát triển bền vững.
Cần giải bài toán cung, cầu
Thông tin từ hội thảo, mỗi năm, Hà Nội tăng khoảng 390.000 phương tiện, mỗi tháng tăng 32.750 phương tiện, mỗi ngày tăng 1.100 phương tiện. Hiện Hà Nội có khoảng hơn 7,8 triệu phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, bao gồm khoảng hơn 6 triệu xe máy, hơn 1 triệu ôtô các loại, chưa kể đến 1,2 triệu phương tiện đến từ các địa phương lân cận.
Trước sự gia tăng của các phương tiện, TS Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, nguyên tắc của giải pháp phòng, chống ùn tắc phải đảm bảo duy trì cho các nhu cầu, các phương thức đi lại chứ không được gây ảnh hưởng, làm giảm mật độ của những dòng xe. Việc cấm một bộ phận người dân sử dụng xe hợp pháp để mưu sinh, thực chất đã trực tiếp làm giảm sinh lực của nền kinh tế - xã hội. Đó là điều bất hợp lý và phản khoa học. Theo ông Thủy, để tính công bằng và nhân văn của giải pháp hạn chế xe cá nhân, chúng ta cần giải bài toán về “cung - cầu”. Tại thời điểm hiện nay, phương tiện công cộng (phương tiện mà Nhà nước phải đáp ứng) chỉ đảm bảo 10-12% , vậy, nếu giảm ùn tắc bằng cách cấm xe cá nhân, đặc biệt là xe máy thì trên 80% người dân sẽ đi lại bằng gì để mưu sinh? “Các giải pháp hành chính nhằm cấm xe máy (bao gồm tăng thuế, tăng phí, cấm sử dụng xe…) là những biện pháp tình thế, nhất thời, thiếu thực tiễn và có biểu hiện vi phạm quyền đi lại. Đồng thời tính công bằng cũng không được tôn trọng", ông Thủy nhấn mạnh.
Theo TS Nguyễn Xuân Thủy, để phát triển hệ thống giao thông đô thị, các cơ quan Nhà nước cần phải giải quyết nhiều vấn đề để giảm ùn tắc. Giải pháp 1, phát triển mạnh kết cấu hạ tầng giao thông: Nâng cấp các trục đường chính (hướng tâm, xuyên tâm, vành đai, tiếp tuyến - trên cao, mặt đất, ngầm); xây dựng cầu vượt, đường ngầm ở các ngã tư; sớm xóa các điểm đen giao thông, mở rộng, khai thông các cửa ngõ thành phố. Hiện đại hóa mạng lưới thông tin tín hiệu, tiến tới nghiên cứu thiết lập hệ thống giao thông thông minh (ITS). Giải pháp 2, hiện đại hóa hệ thống giao thông công cộng. Đây là bài toán phức tạp và vô cùng tốn kém nhưng không thể không làm. Trước hết ưu tiên phát triển đường sắt đô thị như tàu ngoại thành, tàu điện mặt đất, Metro ngầm và trên cao... Cùng đó, tiếp tục cải tiến công tác điều hành, quản lý xe buýt, taxi. Quy hoạch hợp lý mạng lưới bến xe, củng cố, nâng cấp bến xe hiện có, không nên đưa bến xe ra ngoại thành. Tăng cường các điểm đỗ xe. Nâng cao tính liên thông và kết nối giữa các loại phương tiện. Tương lai có thể bổ sung thêm một số phương tiện phụ trợ như: BRT, Monorail, vận tải Cabin, cáp treo. Giải pháp 3, quy hoạch kiến trúc đô thị phải gắn liền với giao thông: Giãn dân ra các đô thị vệ tinh, hạn chế xây nhà cao tầng ở khu lõi đô thị để giảm áp lực dân số trên nguyên tắc mật độ dân cư phải tương thích với hạ tầng và giao thông công cộng. Giải pháp 4: Nâng cao chất lượng, tính nghiêm minh và hiệu quả các chính sách điều hành, tổ chức giao thông của cơ quan chức năng. Công tác quy hoạch, xây dựng chiến lược, chính sách phát triển giao thông đô thị cần đi vào thực chất, có trọng tâm, khoa học và phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Tránh những dự án “viển vông”, những giải pháp, chủ trương xa rời thực tế, “rập khuôn” theo nước ngoài, không phù hợp với điều kiện Việt Nam, gây lãng phí, kém hiệu quả. Và giải pháp cuối là tuyên truyền, động viên người dân tuân thủ luật giao thông, khuyến khích đi xe công cộng, không lạm dụng xe máy, nâng cao văn hóa giao thông. Khi mạng lưới giao thông hoàn thiện và kết nối tốt (giữa đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia, ôtô buýt, taxi, phương tiện cá nhân…) thì mới từng bước áp dụng một số biện pháp hành chính thích hợp nhằm hạn chế sử dụng xe cá nhân…
Ngoài các ý kiến nói trên, các chuyên gia tham dự tại hội thảo cũng đã cùng thảo luận kinh nghiệm trong công tác quản lý, tổ chức, thực hiện các nội dung thuộc lĩnh vực giao thông đô thị như xây dựng văn hóa giao thông, phát triển TOD, ứng dụng công nghệ trong phát triển giao thông trên địa bàn TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh…
https://cand.com.vn/Giao-thong/phat-trien-giao-thong-do-thi-van-con-nhieu-thach-thuc-i732044/
Ngày đăng: 08:02 | 23/05/2024
Đặng Nhật / cand.com.vn