Cơ quan chức năng cam kết vừa dẹp vỉa hè thông thoáng vừa tăng tuyên truyền, xử phạt những trường hợp người đi bộ sai luật
Ngày 2-1, tiếp tục ghi nhận tại TP HCM, tình trạng người đi bộ sai quy định vẫn rất phổ biến.
Cơ quan chức năng than khó
Do là ngày đầu làm việc sau kỳ nghỉ Tết dương lịch nên mật độ phương tiện lưu thông trên các tuyến đường khá lớn nhưng nhiều đoạn người đi bộ vẫn tùy tiện băng ngang, liều lĩnh chặn đầu dòng xe đang vun vút. Trong đó, điểm nóng thường xảy ra va chạm giữa người đi bộ lẫn các phương tiện là ngay trước Bệnh viện Ung Bướu (đường Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh). Ở đây, không chỉ bệnh nhân, người nhà thăm bệnh mà nhiều bác sĩ, y tá cũng băng ngang đường dù có cầu bộ hành.
Tại các tuyến đường khu vực trung tâm TP như Hai Bà Trưng, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Nguyễn Thị Minh Khai... tình trạng trên còn phổ biến hơn.
Trước Bệnh viện Ung Bướu trên đường Nơ Trang Long, nhiều người băng ngang đường vào trưa 2.1 dù có cầu bộ hành Ảnh: GIA MINH
Trong khi đó, dù ủng hộ quy định phạt nghiêm những hành vi như trên để tăng tính răn đe, nâng cao ý thức của người dân nhưng khi được hỏi thì nhiều người cho rằng phải nhìn lại hạ tầng giao thông, đường sá tại TP liệu phù hợp và công bằng cho người đi bộ hay không với mức xử phạt như vậy. Nhiều đường có vỉa hè nhưng thường xuyên bị lấn chiếm, một số đường không có vỉa hè nên người đi bộ buộc phải di chuyển dưới lòng đường. Một số người còn cho rằng việc bố trí lối đi cho người đi bộ qua đường chưa hợp lý, cầu bộ hành quá thiếu dẫn đến dù biết nguy hiểm vẫn phải liều lĩnh băng qua.
Một lãnh đạo Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt (PC67) Công an TP HCM cho biết trong năm 2017, lực lượng chức năng chỉ nhắc nhở người đi bộ sai luật, tỉ lệ xử phạt hành chính chỉ chiếm hơn 7% trong số lần nhắc nhở.
"Sở dĩ khó khăn trong công tác lập biên bản vì hầu hết người đi bộ không mang giấy tờ, tiền bạc. Từ đó, không có căn cứ để lập biên bản. Mấy ngày qua rất nhiều người đặt câu hỏi ngược lại, vì sao không xử lý lấn chiếm vỉa hè trước khi xử lý người đi bộ xuống lòng đường. Tôi xin nói lại là xử phạt các trường hợp trèo qua dải phân cách, băng ngang qua đường là chính. Còn việc xuống lòng đường đi do không có vỉa hè cũng nên thông cảm một chút" - lãnh đạo Phòng PC67 nêu.
Cũng theo vị này, trường hợp áp dụng phạt tù khi gây ra hậu quả nghiêm trọng là người đi bộ đi ngang qua đường gây tai nạn liên hoàn hoặc đi sai khiến chủ phương tiện giao thông thắng gấp gây lật xe… Căn cứ vào những thiệt hại sẽ có những biện pháp xử lý hình sự.
Nên phạt theo tuyến
TS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP HCM, cho rằng quy định này hoàn toàn phù hợp để tăng tính răn đe và nâng cao ý thức của người dân. Tuy nhiên, để phù hợp hơn thì nên phân loại cụ thể từng hành vi cũng như tính rủi ro mà hành vi đó có thể gây ra để có mức xử lý phù hợp.
Theo ông Cương, có thể phân loại từng khu vực, từng tuyến đường như cao tốc, trục giao thông chính hoặc đường trong các khu dân cư, đường nhánh... để áp dụng các hướng xử lý khác nhau. Song song đó, cơ quan quản lý cũng nên đánh giá nhu cầu và tình hình đi lại ở từng tuyến đường để có các biện pháp khác như khống chế tốc độ lưu thông của các phương tiện, giải quyết tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường, bổ sung các lối đi cho người đi bộ...
Ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó trưởng Ban Chuyên trách Ban An toàn giao thông TP HCM, đánh giá tình trạng người đi bộ trái quy định vẫn diễn ra phổ biến tại TP. Tuy nhiên, nếu chỉ tuyên truyền mà không xử phạt thì rất khó nâng cao ý thức của người dân. Vì vậy, khi quy định trên có hiệu lực, cần thực hiện nghiêm ngay từ đầu năm 2018 để tạo tác động mạnh vào tâm lý người dân. Dù vậy, để đưa quy định trên vào cuộc sống cũng như việc để người đi bộ thực hiện nền nếp thì không chỉ phụ thuộc vào ý thức người dân mà còn là hạ tầng giao thông. Trong năm 2018, vấn đề này sẽ tiếp tục được các sở, ngành tăng cường thực hiện.
Trước vấn đề vỉa hè, lòng đường tại TP vẫn khá phức tạp về nạn lấn chiếm, ông Tường cho biết các đơn vị đã thống kê, đánh giá cụ thể để chuẩn bị báo cáo cho UBND TP xem xét, triển khai các bước tiếp theo để chấn chỉnh.
Tuyên truyền, nhắc nhở là chính Trung tá Phan Văn Thương, Phó Phòng CSGT Công an TP Đà Nẵng, cho biết tại Đà Nẵng, CSGT phát hiện người đi bộ sai luật thì vẫn chủ yếu nhắc nhở và hướng dẫn để họ đi đúng luật. Tại TP này chưa ghi nhận trường hợp người đi bộ gây tai nạn giao thông. Trung tá Tạ Thị Hồng Minh, Phó trưởng Phòng Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông - Cục CSGT (Bộ Công an), cho biết mặc dù quy định của pháp luật về xử phạt người đi bộ vi phạm quy tắc giao thông đã có tại điều 9 Nghị định 46/2016/NĐ-CP song chế tài xử lý còn hạn chế, chưa có biện pháp ngăn chặn hoặc xử lý hiệu quả khác đối với các trường hợp người vi phạm không mang theo tiền và giấy tờ tùy thân. Nếu có lập biên bản, tạm giữ giấy tờ tùy thân thì người vi phạm cũng không chấp hành quyết định xử phạt nên CSGT chủ yếu tuyên truyền, nhắc nhở. Để nâng cao ý thức chấp hành của người đi bộ, giảm tình trạng vi phạm thì công tác tuyên truyền vẫn được xác định là biện pháp thường xuyên và lâu dài. Ngoài ra, CSGT sẽ tăng cường xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của người đi bộ và thường xuyên nhắc nhở cũng như sẵn sàng hỗ trợ người đi bộ tham gia giao thông an toàn. Đầu năm 2016, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội có đợt cao điểm xử lý người đi bộ vi phạm Luật Giao thông đường bộ và đã xử lý 542 trường hợp nhưng chiến dịch nhanh chóng rơi vào quên lãng. Việc người đi bộ vi phạm giao thông xảy ra nhan nhản, lực lượng xử lý mỏng và còn nhiều bất cập liên quan đến chế tài. Đại diện Phòng CSGT Hà Nội cho rằng nếu chủ thể vi phạm không mang theo giấy tờ và tiền thì chỉ còn cách nhắc nhở. |
Nhiều người vẫn đi bộ sai luật
Dù không hiểu luật hay có hiểu luật quy định với mức phạt có thể lên đến 15 năm tù, nhiều người đi bộ vẫn ... |
Đi bộ sai luật coi chừng ở tù
Từ 1.1.2018, người tham gia giao thông nếu đi bộ sai luật, gây hậu quả nghiêm trọng, có thể bị tù đến 15 năm. Nghe ... |
Ngày đăng: 11:30 | 03/01/2018
/ nld.com.vn