Việt Nam có vai trò then chốt và vị trí ưu tiên trong chính sách "Hành động hướng Đông" của Ấn Độ
Sáng 3-3, tại Phủ Tổng thống ở New Delhi, lễ đón chính thức Chủ tịch nước Trần Đại Quang và phu nhân được nước chủ nhà Ấn Độ tổ chức trọng thể theo nghi thức đón nguyên thủ quốc gia. Tổng thống Ram Nath Kovind chủ trì lễ đón, với sự tham dự của Thủ tướng Narendra Modi cùng nhiều quan chức cao cấp Ấn Độ.
Trưa cùng ngày, tại Phủ Thủ tướng ở New Delhi, Chủ tịch nước Trần Đại Quang hội đàm với Thủ tướng Narendra Modi. Hai bên nhất trí triển khai đầy đủ các cam kết chính trị ở cấp cao, các văn kiện về khuôn khổ quan hệ chính trị đã thông qua; tích cực trao đổi, phát huy hơn nữa những tiềm năng, lợi thế của hai nước để đưa hợp tác trên các lĩnh vực vào chiều sâu.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang hội đàm với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi Ảnh: TTXVN
Nhằm đạt mục tiêu thương mại hai chiều 15 tỉ USD vào năm 2020, hai nhà lãnh đạo nhất trí triển khai các biện pháp đột phá, trong đó chú trọng đa dạng hóa các mặt hàng xuất khẩu hai bên có tiềm năng và thế mạnh; hạn chế các rào cản thương mại, tham vấn chặt chẽ về chính sách thương mại, mở rộng kết nối hàng không, hàng hải. Chủ tịch nước khẳng định Việt Nam mong muốn đón thêm dòng đầu tư từ các doanh nghiệp lớn của Ấn Độ, nhất là trong các lĩnh vực năng lượng, năng lượng tái tạo, kết cấu hạ tầng, giáo dục, công nghệ thông tin… Hai bên đồng thuận đẩy mạnh hợp tác quốc phòng - an ninh, nhất là đào tạo tiếng Anh, huấn luyện kỹ năng, chuyển giao công nghệ, cấp tín dụng ưu đãi và phòng, chống tội phạm công nghệ cao.
Trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, theo TTXVN, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Thủ tướng Narendra Modi nhất trí về tầm quan trọng của hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không; giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS); nhấn mạnh sự cần thiết của việc thực thi đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử (COC). Thủ tướng Modi khẳng định Ấn Độ tiếp tục đẩy mạnh triển khai chính sách "Hành động hướng Đông" nhằm tăng cường hợp tác với châu Á - Thái Bình Dương. Việt Nam có vai trò then chốt và vị trí ưu tiên trong chính sách này.
Sau hội đàm, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Thủ tướng Narendra Modi chứng kiến lễ trao các thỏa thuận hợp tác được ký kết nhân dịp này, gồm: Bản ghi nhớ giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Công Thương Ấn Độ về hợp tác kinh tế, thương mại; Kế hoạch Hành động về hợp tác nông nghiệp giai đoạn 2018-2020; Bản ghi nhớ về hợp tác giữa Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam và Trung tâm đối tác năng lượng hạt nhân toàn cầu.
Tại cuộc họp báo chung, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết trên tinh thần tái khẳng định cam kết và quyết tâm chính trị cao của mỗi bên trong việc đưa quan hệ Việt Nam - Ấn Độ tiếp tục phát triển sâu sắc hơn nữa; đề ra các biện pháp cụ thể nhắm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực. Trong khi đó, Thủ tướng Narendra Modi thông báo hai bên đã thảo luận chi tiết mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, trong đó nhất trí tăng kim ngạch thương mại.
Việt - Mỹ còn nhiều tiềm năng hợp tác về năng lượng
Đại sứ Việt Nam tại Mỹ và Hạ nghị sĩ Paul Gosar cho rằng quan hệ hai nước còn rất nhiều tiềm năng hợp tác, ... |
Bí mật dự án biến binh sĩ thành những “siêu nhân” của quân đội Mỹ
Cách đây hơn 40 năm, Mỹ đã có những dự án khai phá tiềm năng vô hạn của con người. Trong đó nổi bật nhất ... |
Ngày đăng: 07:00 | 04/03/2018
/ http://nld.com.vn