Nhờ hệ thống kính viễn vọng tại Chile, các nhà khoa học quan sát được vụ sáp nhập thiên hà cổ xưa nhất trong chòm sao Sextans.
Hình ảnh của hệ thống kính viễn vọng ALMA cho thấy dấu hiệu oxy (xanh lá), carbon (xanh nước biển) và bụi (đỏ) của B14-65666. Ảnh: ALMA/Hubble.
Nhóm nghiên cứu Nhật Bản quan sát được các dấu hiệu oxy, carbon và bụi trong thiên hà B14-65666 nhờ hệ thống kính viễn vọng ALMA tại Chile, Fox News hôm nay đưa tin. Đây là thiên hà cổ xưa nhất tìm thấy cả ba dấu hiệu này.
Khi so sánh các dấu hiệu, nhóm chuyên gia xác định B14-65666 thực chất gồm hai thiên hà kết hợp lại. Điều này đồng nghĩa đây là vụ sáp nhập thiên hà cổ xưa nhất từng quan sát được.
Minh họa hai thiên hà sáp nhập thành B14-65666. Ảnh: NAOJ.
B14-65666 nằm trong chòm sao Sextans. Tín hiệu từ đây phải vượt qua 13 tỷ năm ánh sáng mới chạm tới Trái Đất, theo Takuya Hashimoto, nhà nghiên cứu tại Hội phát triển khoa học Nhật Bản và Đại học Waseda. Do đó, các nhà khoa học có thể quan sát hình ảnh B14-65666 cách đây 13 tỷ năm, chưa đầy một tỷ năm sau vụ nổ Big Bang.
"Việc dò được sóng vô tuyến từ oxy, carbon và bụi ở vật thể như vậy chứng tỏ ALMA có khả năng lớn trong việc nghiên cứu không gian xa", Hashimoto nhận định.
Các nhà khoa học sẽ tiếp tục sử dụng những nghiên cứu tương tự để khám phá khởi nguồn của vũ trụ. "Vũ trụ sơ khai có vẻ là thời kỳ rất thú vị đối với thiên hà. Nhiều vụ va chạm dữ dội xảy ra và không hề giống các cấu trúc có trật tự mà chúng ta thường thấy trong giai đoạn sau", Dan Marrone, giáo sư tại Đại học Arizona, nhận xét.
Thu Thảo (Theo Fox News)
Siêu lỗ đen bằng 1 triệu mặt trời là trái tim thiên hà bùng nổ
Kính viễn vọng không gian Hubble vừa tóm được vật thể kỳ lạ gần chòm sao La Bàn: một thiên hà nhỏ bé nhưng vận ... |
Phát hiện loại thiên hà mới, cực kỳ hiếm gặp ngay khi nó sắp chết
Các nhà vật lý thiên văn tại Đại học Kansas đã phát hiện ra một loại thiên hà cực kỳ hiếm gặp, thay đổi căn ... |
Ngày đăng: 10:21 | 21/06/2019
/ https://vnexpress.net