Theo báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực quý I/2024 của UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, hầu hết các cấp ủy, thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị đã chủ động hơn trong kiểm tra, thanh tra phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi tham nhũng. Tuy nhiên, một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực còn chưa đáp ứng được yêu cầu, hiệu quả chưa cao; công tác kiểm tra, giám sát nội bộ chưa thường xuyên…
Theo đó, một số vụ việc được phát hiện trong kỳ như: Vụ nhận hối lộ xảy ra tại vỉa hè công viên 23/9 trên địa bàn quận 1. Năm 2016, Nguyễn Thanh Tùng được Đội Quản lý trật tự đô thị quận 1 ký hợp đồng lao động.
Đến năm 2021, Tùng được chuyển về làm trật tự đô thị tại phường Phạm Ngũ Lão với nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra và lập biên bản vi phạm hành chính các hành vi lấn chiếm lòng lề đường trên các tuyến đường thuộc phường Phạm Ngũ Lão. Tuy nhiên, khi phát hiện vụ việc Tùng nhận hối lộ để cho qua mà không lập biên bản xử lý.
Vụ việc khác xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức: Đơn vị này đã tự kiểm tra và phát hiện nhân viên Nguyễn Thị Tuyết Nga (bộ phận thu phí) đã dùng nhiều hình thức khác nhau để không nộp đủ cho bệnh viện với số tiền thu của bệnh nhân là hơn 7,9 tỷ đồng. Bệnh viện đã chuyển hồ sơ cho Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh và đã bắt tạm giam Tuyết Nga để điều tra làm rõ vụ án.
Liên quan đến vụ án vi phạm đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, đưa, nhận hối lộ xảy ra tại Công ty Việt Á, Bệnh viện TP Thủ Đức và Công ty TNHH Thiết kế xây dựng và dịch vụ Nam Phong. Sau khi khởi tố vụ án, Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh đã khởi tố 2 bị can là Trương Thị Bảo Trân (nhân viên Phòng Vật tư - trang thiết bị) và Mai Lê Quyên, nguyên Trưởng khoa Vi sinh Bệnh viện TP Thủ Đức. Hiện vụ án vẫn đang được các cơ quan chức năng tiếp tục điều tra làm rõ.
Ngoài các vụ việc trên, trong quý 1/2024, Cơ quan CSĐT Công an một số quận, huyện còn thụ lý, giải quyết một số vụ án chiếm đoạt tài sản của công ty như vụ Nguyễn Khánh Lâm, nhân viên giao hàng tiết kiệm của Công ty Giao hành tiết kiệm ở quận 7; Lê Thị Bích Thảo, nhân viên thu ngân của cửa hàng K-Market Midtow….
Cùng với việc phát hiện các vụ tham nhũng, tiêu cực, UBND TP Hồ Chí Minh còn tăng cường thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị, tổ chức kiểm tra 404 cơ quan, tổ chức, đơn vị về việc thực hiện các quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động; 65 cuộc kiểm tra việc thực hiện các quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn; kiểm tra thực hiện quy tắc ứng xử của người có chức vụ quyền hạn đối với 631 cơ quan, tổ chức, đơn vị; chuyển đổi vị trí công tác đối với 513 trường hợp…
Bên cạnh mặt tích cực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực ở TP Hồ Chí Minh còn một số khó khăn, hạn chế, tồn tại. Đó là nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa quan tâm đúng mức đến việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực nhất là việc chuyển đổi vị trí công tác; công tác kiểm tra, giám sát việc kê khai, công khai và kiểm sát tài sản thu nhập. Công tác kiểm tra, thanh tra ở một số đơn vị, cơ sở chưa đạt yêu cầu; chất lượng kiểm tra, thanh tra chưa sâu, khả năng tự phát hiện tham nhũng chưa cao…
Nguyên nhân được xác định là do việc triển khai các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực có nhiều nội dung đòi hỏi áp dụng các biện pháp tổng hợp, có liên quan đến quy định của các văn bản pháp luật khác nhau, do đó cần phải có nhiều thời gian để nghiên cứu triển khai thực hiện; các cán bộ, công chức và người dân còn e ngại, cả nể, chưa kiên quyết trong đấu tranh, góp ý phê bình, phản ánh nên việc tiếp cận thông tin và hiệu quả công tác phát hiện, đấu tranh với hành vi tham nhũng, tiêu cực chưa đáp ứng yêu cầu…
https://cand.com.vn/phap-luat/phat-hien-nhieu-vu-tham-nhung-tieu-cuc-o-tp-ho-chi-minh-i730510/
Ngày đăng: 08:30 | 08/05/2024
Phương Tuyền / cand.com.vn