Ngôi sao hình thành chỉ sau vụ nổ Big Bang khoảng 300 triệu năm có khối lượng nhỏ và chứa rất ít kim loại.
Việc nghiên cứu những ngôi sao cổ xưa mang lại nhiều thông tin khoa học giá trị. Ảnh: Talking Democrat. |
Các nhà thiên văn tìm ra 2MASS J18082002-5104378 B, một trong những ngôi sao cổ xưa nhất vũ trụ, nằm trong dải Ngân hà, Talking Democrat hôm 5/11 đưa tin. Nghiên cứu sẽ được công bố chi tiết trên tạp chí The Astrophysical Journal.
2MASS J18082002-5104378 B hình thành chỉ vài triệu năm sau Big Bang, vụ nổ cách đây khoảng 13,8 tỷ năm và được cho là khởi nguồn của vũ trụ hiện nay. Vũ trụ sơ khai chưa có kim loại. Kim loại được luyện trong lõi của những ngôi sao thế hệ đầu tiên. Khi chúng chết đi, kim loại được phân tán vào vũ trụ. 2MASS J18082002-5104378 B chứa lượng kim loại ít nhất trong những ngôi sao từng phát hiện. Khối lượng của nó cũng rất nhỏ, chỉ vừa đủ để tổng hợp hydro và phát sáng.
"Phát hiện này cho thấy những ngôi sao đầu tiên trong vũ trụ không nhất thiết là ngôi sao lớn và đã chết từ lâu. Những ngôi sao cổ xưa có thể hình thành từ lượng vật chất rất nhỏ và một số có thể vẫn tồn tại đến nay. Điều này mang đến cái nhìn mới về sự hình thành sao ở vũ trụ sơ khai", nhà vật lý thiên văn Andrew Casey tại Đại học Monash giải thích.
Các nhà khoa học từng cho rằng những ngôi sao đầu tiên rất lớn và tuổi thọ ngắn. Tuy nhiên, phát hiện mới chỉ ra, sao khối lượng nhỏ cũng có khả năng sinh ra trong thời kỳ đầu. Qua việc theo dõi chúng, các chuyên gia có thể tìm hiểu về vũ trụ sau khi vụ nổ Big Bang xảy ra vài trăm triệu năm.
"Những ngôi sao này vô cùng hiếm, giống như mò kim đáy bể vậy. Tuy nhiên, lượng dữ liệu phong phú từ các kính viễn vọng trên mặt đất và ngoài không gian đã góp phần mở ra triển vọng lớn. Chúng ta đang tiến gần hơn bao giờ hết đến việc hiểu được các ngôi sao hình thành như thế nào vào thời kỳ đầu của vũ trụ", Casey nhận định.
Các nhà thiên văn từng quan sát được một số ngôi sao hình thành sau vụ nổ Big Bang chỉ 250 triệu năm, tương đương 2% tuổi hiện tại của vũ trụ. Để "nhìn ngược" thời gian xa hơn, giới khoa học cần những thiết bị mới, đặc biệt là kính viễn vọng không gian James Webb. Kính viễn vọng này dự kiến phóng lên vũ trụ năm 2021. Mục tiêu khi đó là xác định thời điểm hình thành ngôi sao đầu tiên của thiên hà đầu tiên.
Dải Ngân hà \'ăn thịt\' hàng xóm cách đây 10 tỷ năm Những thiên hà nhỏ hơn đang bị dải Ngân hà hấp thụ rồi dùng lượng vật chất này để tạo ra những ngôi sao và ... |
Mặt Trăng có thể là đầu mối nghiên cứu sự hình thành vũ trụ Thách thức đặt ra cho các chuyên gia là cần phải đẩy nhanh hơn nữa tốc độ xử lý dữ liệu cũng như khả năng ... |
https://vnexpress.net/tin-tuc/khoa-hoc/phat-hien-ngoi-sao-chao-doi-cach-day-13-5-ty-nam-3834824.html
Ngày đăng: 22:32 | 06/11/2018
/ VnExpress