Tàu sân bay trực thăng cùng hộ vệ hạm của hải quân Pháp sẽ tới Biển Đông vào tháng 5 và tham gia diễn tập với nhóm Bộ Tứ.
Sau khi điều tàu ngầm hạt nhân tấn công Emeraude tới Biển Đông hồi đầu tháng 2, giới chức Pháp ngày 7/3 cho biết sẽ triển khai tàu sân bay trực thăng Tonnerre và hộ vệ hạm Surcouf tới khu vực. Hai chiến hạm này sẽ đi qua Biển Đông hai lần vào tháng 5, động thái nhằm khẳng định sự hiện diện của Pháp trong khu vực.
Đợt triển khai của tàu Tonnerre và Surcouf nằm trong sứ mệnh Jeanne d’Arc thường niên của hải quân Pháp. Đây là sứ mệnh triển khai lực lượng huấn luyện dài ngày của hải quân Pháp, nhằm đưa các khí tài tác chiến tới những khu vực có lợi ích chiến lược để đào tạo học viên sĩ quan hải quân cũng như tang cường giao lưu, hợp tác khu vực.
Hai chiến hạm sẽ tham gia những cuộc diễn tập quy mô lớn cùng hải quân các quốc gia đối tác trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, bao gồm Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ, các thành viên của nhóm Bộ Tứ.
Tàu sân bay trực thăng Tonnerre neo đậu tại Ajaccio, Pháp, tháng 3/2020. Ảnh: AFP. |
Một số quốc gia gần đây thông báo kế hoạch triển khai chiến hạm tới khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Đức hồi tuần trước cho biết sẽ điều một hộ vệ hạm tới châu Á vào tháng 8 và chiến hạm này sẽ đi qua Biển Đông khi về nước. Đây sẽ là lần đầu tiên Đức điều chiến hạm tới Biển Đông từ năm 2002.
Anh dự kiến đưa nhóm tác chiến tàu sân bay mới tới Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vào cuối năm nay và đã lên kế hoạch tổ chức tập trận chung với Nhật Bản. Bộ trưởng Hải quân Anh Ben Wallace mô tả đây là đợt triển khai "quan trọng nhất" của lực lượng này và cho biết sẽ hợp tác với hải quân Mỹ để thực hiện sứ mệnh.
Trung Quốc nêu yêu sách chủ quyền phi lý với phần lớn diện tích Biển Đông, nơi tuyến đường biển quan trọng đi qua. Nước này cũng ngang nhiên chiếm đóng, bồi đắp đảo nhân tạo và tiến hành các hoạt động quân sự hóa trái phép trên những thực thể thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Collin Koh, chuyên gia thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratna tại Singapre, nhận định cường độ hiện diện của chiến hạm tại Biển Đông trong năm 2021 là "chưa từng có" nhằm "thể hiện cam kết Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương" của các nước.
Truyền thông Trung Quốc tuần trước đưa tin quân đội nước này sẽ diễn tập tại Biển Đông suốt tháng 3 để đáp lại các đợt triển khai trinh sát cơ và trinh sát hạm của Mỹ, cũng như đợt điều động nhóm chiến hạm của Pháp tới khu vực.
Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ hồi tuần trước yêu cầu quốc hội duyệt chi khoảng 27 tỷ USD để tăng cường hệ thống tên lửa tấn công chính xác, phòng không và các năng lực khác nhằm đối phó tham vọng quân sự của Trung Quốc.
Nguyễn Tiến (Theo Telegraph)
Trung Quốc tố Mỹ đang phá vỡ an ninh ở Biển Đông |
Tàu chiến Đức trở lại Biển Đông sau gần 20 năm, Trung Quốc lên tiếng |
Mỹ ủng hộ tàu chiến Đức hiện diện ở Biển Đông |
Ngày đăng: 10:41 | 08/03/2021
/ vnexpress.net