Tình trạng sạt lở dọc các bờ sông ở tỉnh Quảng Trị làm nhiều diện tích đất sản xuất, đất thổ cư biến mất và khiến hàng ngàn hộ dân sống trong cảnh lo lắng, bất an
Hiện nhiều con sông ở tỉnh Quảng Trị như: Thạch Hãn, Ô Lâu, Bến Hải, sông Hiếu và sông Nhùng đang xảy ra tình trạng sạt lở với chiều dài hơn 105 km, trong đó có hơn 60 km sạt lở nằm ở mức nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm. Thực trạng trên đã tác động lớn đến đời sống của trên 2.300 hộ dân ở 72 thôn, khu phố của 32 xã, phường, thị trấn thuộc 8 huyện, thị, TP, trong đó có gần 600 hộ đang sống trong vùng thực sự nguy hiểm.
Nhà nứt, đất sản xuất bị cuốn trôi
Tại thôn Định Xá (xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ), sự thay đổi dòng chảy của sông Hiếu thời gian qua đã khiến hơn 600 m bờ sông bị sạt lở nghiêm trọng. Trong mùa mưa bão vừa qua, bờ sông này tiếp tục bị sạt lở, ăn sâu vào tuyến đường bê tông của thôn, tạo thành hàm ếch ngay dưới lòng đường, nhiều diện tích đất sản xuất bị cuốn trôi. Trên địa bàn có một trường tiểu học nằm rất gần điểm sạt lở, mỗi ngày học sinh qua lại đông nên rất nguy hiểm.
Còn tại thôn Thượng Xá (xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng), tình trạng sạt lở ở bờ sông Nhùng ngày một lan rộng. Theo ông Lê Quang Phong, Trưởng thôn Thượng Xá, hiện có khoảng 50 hộ dân sống dọc bờ sông Nhùng bị ảnh hưởng trực tiếp bởi tình trạng này. Điều làm người dân thôn Thượng Xá bất an hơn cả là tuyến đường dân sinh dọc theo sông Nhùng đã xuất hiện nhiều đoạn bị sụt lún, nứt nẻ vì sạt lở đất.
Một điểm sạt lở bờ sông ở Quảng Trị
"Hằng năm, chúng tôi đều dùng bao cát, cọc nhọn để kè chắn những đoạn bị sạt lở dọc sông Nhùng nhưng cứ sau mỗi đợt mưa lũ, tình trạng sạt lở lại càng nặng thêm. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị chính quyền địa phương đầu tư xây dựng tuyến kè dọc sông Nhùng nhưng đến nay vẫn chưa có hồi âm" - ông Phong trăn trở.
Ông Phong cũng cho biết cứ sau mỗi đợt lũ là nhiều diện tích đất sản xuất của nhiều gia đình bị cuốn trôi. Bên cạnh đó, vì tác động của sạt lở nên nhiều căn nhà bị nứt từng vệt dài, không thể sửa chữa.
Theo lãnh đạo UBND xã Hải Thượng, trước mắt xã tiếp tục khuyến cáo người dân thôn Thượng Xá trồng cây xanh, làm cọc chắn những đoạn sạt lở dọc bờ sông Nhùng. Về lâu dài, UBND xã sẽ đề xuất, kiến nghị cấp trên để có hướng khắc phục tình trạng này.
Ngoài sông Hiếu, sông Nhùng, hệ thống sông Thạch Hãn đoạn qua xã Hải Lệ, phường An Đôn (thị xã Quảng Trị), xã Triệu Thượng (huyện Triệu Phong) và xã Gio Việt (huyện Gio Linh) cũng bị sạt lở nghiêm trọng khiến hàng trăm hộ dân bị ảnh hưởng. Sông Bến Hải đoạn qua 2 xã Trung Sơn, Trung Giang (huyện Gio Linh) và xã Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Linh) cũng chịu chung cảnh sạt lở tương tự...
Di dời dân khỏi vùng nguy hiểm
Trước tình hình sạt lở bờ sông ngày càng diễn biến nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người dân, tỉnh Quảng Trị đã thực hiện nhiều giải pháp để khắc phục.
Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Quảng Trị, thời gian qua, đơn vị đã nghiên cứu, quan trắc, thông báo diễn biến sạt lở; cảnh báo vùng có nguy cơ xảy ra sạt lở cao để có các biện pháp phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại. Đồng thời, quy hoạch, bố trí lại khu dân cư, di dời dự án, nhà cửa, công trình ra khỏi khu vực đang xảy ra sạt lở nguy hiểm hoặc có nguy cơ sạt lở. Bên cạnh đó, phối hợp với các ban, ngành tăng cường kiểm tra, ngăn chặn tình trạng khai thác cát sỏi, khoáng sản trên các hệ thống sông hoặc thực hiện các hoạt động sản xuất, xây dựng công trình, nhà cửa trái phép làm ảnh hưởng, gây sạt lở bờ sông.
"Trước mắt, ngoài biện pháp xử lý cấp bách, kịp thời di dời dân ra khỏi các vùng đặc biệt nguy hiểm, việc tập trung xây dựng một số công trình phòng chống sạt lở là hết sức cấp thiết. Tuy nhiên, do điều kiện ngân sách địa phương hạn hẹp nên rất cần ban chỉ đạo trung ương, các cấp bộ, ngành quan tâm giúp đỡ, bố trí nguồn vốn để tỉnh Quảng Trị xây dựng hệ thống kè trong các khu vực sạt lở nguy hiểm nhằm bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của nhà nước và nhân dân" - ông Lê Đa Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Quảng Trị, nói.
Sắp tới, kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh Quảng Trị khóa VII vào giữa năm 2018 sẽ xem xét và thông qua đề án về ứng phó tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển, thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2018-2020, định hướng 2030 do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng. Hy vọng đề án được thông qua, kịp thời triển khai phòng chống sạt lở trên địa bàn toàn tỉnh hiệu quả, giảm thiệt hại về người và tài sản cho dân địa phương.
Lo bãi tắm Cửa Tùng bị xóa sổ Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Quảng Trị, hiện có 6 km bờ biển bị sạt lở nguy hiểm gây ảnh hưởng đến khu dân cư ven biển. Tuyến đê biển xã Vĩnh Thái (huyện Vĩnh Linh) dài hơn 14 km, suốt tuyến đê xuất hiện hơn chục điểm sạt lở, mỗi điểm kéo dài từ 10-15 m. Bên cạnh đó, tình trạng xâm thực khiến bãi tắm Cửa Tùng (huyện Vĩnh Linh) có nguy cơ bị xóa sổ. |
Biển Đà Nẵng trước nguy cơ bị “xóa sổ” vì sạt lở
Biển Đà Nẵng đang có nguy cơ bị “xóa sổ” do bị sạt lở, xâm thực nghiêm trọng.Theo một số chuyên gia trong lĩnh vực ... |
Bến Tre hứng chịu nhiều vụ sạt lở nghiêm trọng trong năm 2017
Bến Tre hứng chịu nhiều vụ sạt lở nghiêm trọng năm 21017 ảnh hưởng do tác động của BĐKH khiến cuộc sống của người dân ... |
Ngày đăng: 20:00 | 29/01/2018
/ nld.com.vn