Hôm 13/8, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ký các văn bản chính thức chấp thuận đơn xin gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển.

Quốc hội Pháp đã thông qua đề xuất mở rộng NATO vào đầu tháng này, sau khi hai quốc gia Bắc Âu nộp đơn xin gia nhập liên minh vào tháng 5. Bằng cách đề nghị trở thành thành viên của NATO, cả hai đều thay đổi chính sách không liên kết trước đây của họ.

“Sự lựa chọn có chủ quyền này của Phần Lan và Thụy Điển, hai đối tác châu Âu, sẽ giúp họ có thể tăng cường an ninh khi đối mặt với mối đe dọa hiện tại trong khu vực”, Điện Elysee cho biết.

emmanuel-macron-3004-05445372
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. (Ảnh: Reuters).

Trong khi đó, Moskva cảnh báo Thụy Điển và Phần Lan vào tháng 5 về "những hậu quả chính trị và quân sự nghiêm trọng" nếu họ gia nhập NATO. Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng, vì Nga không có tranh chấp lãnh thổ với hai quốc gia, nên Moskva không lo lắng về điều này. Ngược lại, trong nhiều thập kỷ, Nga xem viễn cảnh Ukraine liên kết với NATO là một mối đe dọa an ninh không thể chấp nhận được.

Tất cả 30 thành viên NATO phải phê chuẩn việc mở rộng của liên minh. Vào tháng 5, Thổ Nhĩ Kỳ đã đe dọa phủ quyết tư cách thành viên của Phần Lan và Thụy Điển, với lý do Stockholm và Helsinki ủng hộ người Kurd mà Ankara coi là khủng bố. Sau đó, Thổ Nhĩ Kỳ và các nước Bắc Âu đã đạt được thỏa thuận.

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu tuyên bố, chính phủ của ông sẽ gặp các quan chức Phần Lan và Thụy Điển vào cuối tháng này để thảo luận thêm về việc gia nhập NATO của hai quốc gia.

Hơn 20 trong số 30 thành viên của NATO hiện đã phê chuẩn việc gia nhập của Phần Lan và Thụy Điển. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký các văn bản chính thức hôm 9/8.

Tổng thống Macron từng chỉ trích liên minh NATO và đề xuất rằng EU nên quan tâm đến nhu cầu quốc phòng của riêng mình với một quân đội chung châu Âu. Tuy nhiên, ông Macron sau đó đã thay đổi quan điểm, nói cuộc xung đột ở Ukraine như một "cơn địa chấn thức tỉnh" đối với NATO.

Ngày đăng: 07:56 | 14/08/2022

Phương Anh / VTC News