Phe vé, pháo sáng, cửa ma là những vấn nạn phác hình trên bức tranh tối mịt, đối lập với mảng màu tươi sáng được tạo nên từ kết quả khả quan của ĐTQG.
Thước đo kiểm chứng sức mạnh nền bóng đá nằm ở ĐTQG, nhưng đội tuyển mạnh không đồng nghĩa với nền bóng đá mạnh. Để đánh giá tổng thể, cần dựa trên yếu tố văn hóa bóng đá và cách cư xử của một cộng đồng. Nếu cộng đồng ấy suy yếu và tôn thời những hành động trái chuẩn mực, dù ĐTQG có mạnh đến mấy, nền bóng đá cũng không nên, và không thể được gọi là mạnh.
Dòng người xếp hàng vào sân xem trận Việt Nam vs Malaysia. (Ảnh: Duy Thành)
Những đoàn người nhân danh "công lý"
Trước cuộc so tài giữa tuyển Việt Nam và Malaysia, Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) nhận được lời cảnh báo từ nhà tổ chức: nếu pháo sáng tiếp tục xuất hiện trong sân bóng, VFF có thể bị phạt. Nặng hơn, tuyển Việt Nam sẽ bị treo sân, phải đá sân trung lập hoặc sân không có khán giả.
Dù thông điệp "nói không với pháo sáng" được truyền đi trên các phương tiện thông tin đại chúng, năm quả pháo đã được đốt trên sân Mỹ Đình ở góc chính diện máy quay. Đốt pháo là chưa đủ, cổ động viên còn ném chai lọ về phía cầu thủ Malaysia để phản đối tình huống phạm lỗi, khiến Anh Đức phải có động thái "xoa dịu" khán giả. Nếu thầy trò HLV Park Hang Seo không có kết quả tốt, cơn thịnh nộ của người hâm mộ sẽ còn nóng bỏng hơn nhiều.
Không xác định được danh tính cổ động viên đốt pháo, song hành vi này đã được một bộ phận khán giả ủng hộ nhiệt tình. Theo lý lẽ của nhóm người này, việc VFF không kiểm soát được "vé chợ đen" khiến cổ động viên phẫn nộ, và việc đốt pháo sáng được thực hiện để trả đũa, đồng thời "thực thi công lý", gây áp lực lên VFF.
Những kẻ vô văn hoá đốt pháo sáng trên khán đài Mỹ Đình. (Ảnh: Duy Thành)
Kết quả của phép nhân hai số âm là số dương, song kết quả của hai cái sai không bao giờ là cái đúng. Với dòng người nhân danh "công lý", lợi ích đội tuyển và lợi ích của cả cộng đồng xem bóng đá nằm dưới lợi ích của cá nhân. Không có gì đảm bảo pháo sáng sẽ không được đốt trong trận kế tiếp, khi tuyển Việt Nam tiếp đón Campuchia trên sân nhà Hàng Đẫy.
Kịch bản tồi tệ nhất: ĐTQG sẽ bị treo sân nếu lọt vào bán kết. Thầy trò HLV Park Hang Seo sẽ bị phương hại, đồng thời quyền lợi được xem đội tuyển thi đấu của khán giả bị ảnh hưởng, tất cả bởi một thiểu số vô ý thức.
"Cửa ma", phe vé và câu chuyện niềm tin
Tất nhiên, nói qua cũng phải nói lại. Cơn thịnh nộ của cổ động viên xếp hàng mua vé đã khiến VFF phải nghiêm túc nghĩ đến chuyện thay đổi kênh phân phối. Từ vòng bán kết trở đi, 25.000 vé sẽ được phát hành trực tuyến, mang lại cho khán giả cơ hội đăng ký công bằng và thuận tiện hơn. Trong thời đại 4.0, động thái trên có lẽ... hơi muộn, nhưng có lẽ muộn còn hơn không.
Phe vé xuất hiện thường xuyên để mời chào người hâm mộ.
Phe vé, đầu cơ vé,... là vấn nạn nhức nhối với bóng đá Việt Nam trong nhiều năm qua khi hình thức phân phối dường như lạc thời, không phù hợp với tốc độ phát triển của thế giới. Vấn đề vé thật thì ít, vé phe thì nhiều khiến tình yêu của người hâm mộ bị đem lên bàn cân để trục lợi. Khi niềm tin bị bào mòn, những hành động cực đoan xảy ra như điều tất yếu.
Rất may, suy nghĩ ấy chỉ đến từ thiểu số. Hình ảnh cổ vũ văn minh của các cổ động viên đã cứu vãn phần nào "mảng tối" phe vé, pháo sáng xấu xí trong tuần qua.
Dẫu vậy, khi pháo sáng lọt vào sân bất chấp có nhiều lần kiểm tra an ninh cho thấy: ban tổ chức cần thắt chặt hơn nữa công tác rà soát pháo, vũ khí gây nổ để đảm bảo an toàn cho cổ động viên.
Bên cạnh đó, hiện tượng lực lượng an ninh phối hợp với các tay "cò" nhận tiền để đưa người hâm mộ trốn vé vào sân cũng là thực trạng đáng lên án. Theo phóng sự của Sport5.vn, chỉ với một triệu đồng, nhân viên an ninh có thể "bật đèn xanh", đưa ba cổ động viên vào sân bằng "cửa ma".
Đây không phải lần đầu tiên các CĐV vào sân Mỹ Đình theo hình thức này. Ở trận chung kết giữa U19 Việt Nam và U19 Nhật Bản (giải U19 Đông Nam Á 2014), sân Mỹ Đình thậm chí còn vỡ khi lượng khán giả vào sân lên tới năm vạn. Điều đáng nói là sức chứa của sân Mỹ Đình chỉ là bốn vạn và số lượng vé được phát ra tương ứng.
Đừng để đội tuyển thành nạn nhân của những hành động thiếu văn minh. (Ảnh: Duy Thành)
Nhiều bi kịch từng xảy ra trên sân bóng khắp thế giới khi nhân viên tại sân nhận tiền để đưa khán giả vào trái phép. Cũng giống pháo sáng, việc bất chấp nguy hiểm để "nhồi nhét" khán giả nằm kiếm lợi nhuận là biểu hiện của cộng đồng bóng đá không văn minh. Những cá nhân đang nhân danh làm việc vì bóng đá lại "phá rào" vì đồng tiền "bẩn", còn cổ động viên vì muốn có mặt trong sân mà phải đút lót, luồn cúi, trốn tránh.
Trong ngày tấm vé bán kết đã ở rất gần với tuyển Việt Nam, tấm vé xem bóng đá lại là nguồn cơn cho mọi nhức nhối, khiến cả khán giả và ban tổ chức gần như gãy đổ niềm tin vào nhau.
Báo chí Hàn Quốc lo ngại tình trạng phe vé và đốt pháo sáng ở Việt Nam
Không phủ nhận bầu không khí ăn mừng chiến thắng ấn tượng của CĐV Việt Nam nhưng báo chí xứ sở kim chi vẫn đặt ... |
Tuyển Việt Nam có thể thoát án đá sân trung lập từ AFC
Việc khán giả đốt pháo sáng trong trận Việt Nam thắng Malaysia 2-0 trên sân Mỹ Đình tối 16/11 khiến VFF chắc chắn phải chịu ... |
Tuyển Việt Nam có nguy cơ đá sân trung lập vì CĐV đốt pháo sáng
Tối 16/11 tại SVĐ Mỹ Đình, tình trạng CĐV đốt pháo sáng vẫn xảy ra nhiều lần trong trận thắng của tuyển Việt Nam trước ... |
Cổ động viên Việt Nam: \'Đốt pháo sáng là hành động phá hoại\'
Nhiều người hâm mộ bày tỏ sự bất bình với hành động đốt pháo sáng của một số cổ động viên trên sân Mỹ Đình ... |
Ngày đăng: 08:26 | 19/11/2018
/